Thứ năm Ngày 18 Tháng 04 Năm 2024, 09:35:15

Tròn thế kỷ Bác Hồ đến Xô-viết

Ngày đăng: 24/01/2023

QK2 – Đúng 100 năm trước, mùa hè năm 1923, Bác Hồ đặt chân đến Liên bang Cộng hòa XHCN Xô-viết (Liên Xô) trong hành trình tìm đường cứu nước, cứu dân. Ý định được đặt chân đến đất nước Nga đã hình thành trong tư tưởng của Người ngay sau cuộc Cách mạng XHCN Tháng Mười Nga thành công năm 1917.

Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, năm 1919, các nước tư bản tổ chức hội nghị Versailles nhằm phân chia thành quả chiến tranh giữa các nước thắng trận, xác lập sự áp đặt, nô dịch với các nước bại trận. Nguyễn Ái Quốc thay mặt Hội những người yêu nước Việt Nam tại Pháp gửi tới hội nghị bản yêu sách đòi quyền tự do cho nhân dân Việt Nam và cũng là quyền tự do cho nhân dân các nước thuộc địa. Bản yêu sách ấy đã gây tiếng vang lớn.

Nguyễn Ái Quốc với người dân Moskva (Liên Xô) trong thời gian tham dự Đại hội lần thứ năm Quốc tế cộng sản (17/6-8/7/1924). (Ảnh: Tư liệu)

Sau khi bản “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin đăng trên báo Nhân đạo (7-1920), Bác đã được tiếp cận những vấn đề rất mới về con đường giải phóng dân tộc ở thuộc địa. Người từng hồi tưởng: Luận cương của Lê-nin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao. Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình mà Người đã nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Ðây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta.

Cuối năm 1920, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp và bỏ phiếu tán thành Đảng gia nhập Quốc tế Cộng sản, trở thành một trong những người tham gia sáng lập Ðảng Cộng sản Pháp, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Từ một người yêu nước trở thành một người cộng sản, Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.

Và rồi, Bác được Đảng Cộng sản Pháp giới thiệu tham gia dự Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản diễn ra ở Liên-xô với danh nghĩa là đại biểu của nhân dân các nước thuộc địa. Cuối tháng 6 năm đó, trong vai người thợ ảnh “Chen Vang”, cập cảng Petrograd, bắt đầu hành trình trên quê hương Xô-viết.

Từ khi bắt gặp ánh sáng con đường cách mạng, mong ước tha thiết được gặp Lênin vĩ đại luôn hiện hữu trong tâm tưởng của Người. Tuy nhiên, ước nguyện ấy không thể thực hiện được bởi khi Người hoạt động trên đất nước Xô-viết, tình hình sức khỏe Lênin diễn biến xấu. Nguyễn Ái Quốc được biên chế tạm thời vào ban Phương Đông QTCS rồi vào học trường Đại học Phương Đông. Nguyễn Ái Quốc chưa kịp gặp lãnh tụ cộng sản vĩ đại thì Lênin đã đi xa ngày 21/01/1924.

Ngay sau khi Lênin ra đi, Nguyễn Ái Quốc đã viết bài “Lênin và các dân tộc thuộc địa” đăng trên báo Sự thật, số ra ngày 27/1/1924, với những dòng vô cùng xúc động: Khi còn sống, Người là cha, thầy học, đồng chí và cố vấn của chúng ta. Ngày nay, Người là ngôi sao sáng chỉ đường cho chúng ta đi tới cuộc cách mạng…

Thời gian hoạt động, học tập, nghiên cứu trên đất nước của Lênin một thế kỷ trước tuy không dài, nhưng suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh đã đặt chân đến gần 60 quốc gia trên thế giới, tuy nhiên, đất nước Xô-viết có vị trí xứng đáng trong tâm tưởng của Người. Trên đất Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc đã có nhiều hoạt động tích cực, trong đó viết khá đều đặn cho các tờ báo Le Paria, L’Humanité, La Vie Ouvrière, dự Hội nghị lần thứ nhất Quốc tế Nông dân và được bầu vào Hội đồng Quốc tế Nông dân, tham gia Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản. Cuối năm 1923, Người vào học Trường Đại học Cộng sản của những người lao động Phương Đông. Trong suốt cuộc đời lãnh đạo cách mạng, Người đã nhiều lần đi thăm Liên Xô, dự các Ðại hội Ðảng Cộng sản Liên Xô, dự lễ kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười, hội nghị các Ðảng Cộng sản và Công nhân thế giới tổ chức; lần lượt đi thăm 15 nước Cộng hòa thuộc Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết. Cho đến những ngày tháng cuối đời, Người vẫn luôn dành trọn vẹn và lòng biết ơn vô hạn đối với Lênin, với Cách mạng Tháng Mười.

*  *  *

Mùa Xuân này, nhớ Bác, ôn lại hành trình tìm đường cứu nước, cứu dân của Người. Tròn thế kỷ trước, Bác đặt chân đến đất nước Xô-viết khởi nguồn của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đầu tiên. Từ ấy, con đường cách mạng XHCN ở Việt Nam dần được Bác định hình và chỉ đạo giành thắng lợi trong thực tiễn. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và dìu dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh là thắng lợi của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng sáng tạo mang tầm vóc thời đại của Nguyễn Ái Quốc. Qua hơn 35 năm đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng khoa học, sáng tạo những bài học lịch sử; kiên định lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam hành động; lãnh đạo đất nước giành được nhiều thắng lợi vĩ đại và có ý nghĩa lịch sử.

VIỆT LONG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.