Thứ sáu Ngày 26 Tháng 04 Năm 2024, 08:56:47

Trang sử vàng son

Ngày đăng: 20/03/2023

QK2 – Cách đây đúng 70 năm, ngày 23/3/1953, tại xã Yên Kiện, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ, Cục Quân y/Tổng Cục Hậu cần quyết định sáp nhập Phân Viện 3 và Phân viện 6 thành Phân viện 9 – Tiền thân của Bệnh viện Quân y 109 ngày nay; với chức năng là Bệnh viện đa khoa khu vực, có nhiệm vụ cứu chữa, thu dung thương, bệnh binh của các đơn vị trên địa bàn Tây Bắc và một phần của địa bàn Việt Bắc. 

Bệnh viện 109 bàn giao Nhà đồng đội.


Bước vào Đông Xuân (1953 – 1954), ta mở chiến dịch Điện Biên Phủ nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng lãnh thổ Tây Bắc và giúp Bạn Lào củng cố căn cứ địa phía Bắc, Phân viện 9 di chuyển vị trí lên đóng quân ở Nhoi (Ngòi Hóp, Yên Bái) để tiếp cận chiến trường phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), Viện đã thu dung cứu chữa cho gần 1 vạn thương, bệnh binh, góp phần quan trọng vào chiến thắng thực dân Pháp xâm lược.
Cuộc kháng chiến thực chống dân Pháp xâm lược kết thúc thắng lợi, nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam tiến tới thống nhất đất nước. Theo quyết định của cấp trên, Phân viện 9 được lệnh chuyển về đóng quân ở Đồng Thóc, huyện Hạ Hoà; năm 1955, Phân viện 9 chuyển về thị xã Vĩnh Yên. Trong 6 năm (1954-1960), từ một đơn vị nhỏ, trang bị ngày đầu thô sơ, Viện Quân y 9 đã không ngừng lớn mạnh trưởng thành, trở thành trung tâm cứu chữa thương bệnh binh có uy tín của toàn quân và nhân dân địa phương. Ghi nhận những thành tích trong giai đoạn này, Viện được Tỉnh uỷ, UBND Tỉnh Vĩnh Phúc tặng bằng khen và cờ thi đua năm 1960; 6 năm liền (1958-1964), Cục Quân y công nhận Viện là đơn vị tiến tiến xuất sắc. Đặc biệt, Viện được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba năm 1962.
Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, nhiều đồng chí y sĩ, bác sĩ của Viện đã viết đơn tình nguyện xin được vào các chiến trường miền Nam để chiến đấu và cứu chữa, chăm sóc thương, bệnh binh, nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh… Nhằm phòng, tránh sự phá hoại của đòn không quân Mỹ, tháng 6/1965, Viện sơ tán lên xã Duy Phiên, huyện Tam Đảo (nay là huyện Tam Dương) tỉnh Vĩnh Phúc; tháng 7/1966, Viện đổi phiên hiệu thành Viện quân y 109; đến tháng 5/1967, Viện tiếp tục sơ tán lên xã Liên Hoa, huyện Phù Ninh. Song song với nhiệm vụ cứu chữa thương, bệnh binh, công tác đào tạo y sĩ, bác sĩ, huấn luyện chuyên môn cũng được chú trọng. Từ năm 1966 đến năm 1970, Viện đã đào tạo được 14 lớp y tá, 2 lớp y sĩ cho Bạn Lào.
Đầu năm 1969, Viện di chuyển trở về doanh trại cũ (thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay). Cuối năm 1969, Viện bắt đầu nhận nhiệm vụ xây dựng Bệnh viện chuyên khoa chấn thương chỉnh hình, tuyến cuối của toàn quân trên cơ sở Viện đa khoa khu vực 109. Từ đây, nhiệm vụ của Bệnh viện có bước phát triển mới, nặng nề hơn rất nhiều. Trong gần 3 năm, Bệnh viện đã khám và chữa bệnh cho hơn 20 ngàn lượt người, thực hiện thành công hơn 3 ngàn ca phẫu thuật, trong đó có nhiều ca bệnh nặng, phức tạp. Cùng với việc thực hiện tốt công tác thu dung, điều trị, cứu chữa thương, bệnh binh, Bệnh viện thường xuyên cử các đội công tác xuống các đơn vị khám sức khoẻ cho bộ đội và nhân dân, mở các lớp tập huấn về chuyên môn, bồi dưỡng tay nghề, phổ biến kinh nghiệm cho đội ngũ nhân viên y tế cơ sở và nhân dân. Những việc làm trên được bộ đội, cấp uỷ và Nhân dân tin yêu, mến phục.
Đầu năm 1972, Mỹ cho không quân, hải quân ném bom, bắn phá trở lại miền Bắc với tính chất ác liệt, Viện được lệnh sơ tán khẩn cấp về các địa phương như xã Hợp Thịnh, Duy Phiên, Hoàng Hoa, T50 và một số địa phương thuộc huyện Yên Lạc. Sau đó, Viện trở về vị trí cũ hoạt động bình thường…
Trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, thương binh chuyển về Bệnh viện rất đông, nhiều ca bệnh nặng hiểm nghèo. Bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho hàng ngàn lượt người. Do không đủ máu truyền, nhiều cán bộ, nhân viên, chiến sĩ của Bệnh viện đã tình nguyện hiến dâng dòng máu nóng của mình để kịp thời cứu chữa thương binh. Những lúc ngoài mặt trận diễn ra ác liệt, Bệnh viện đã cử các đội phẫu thuật cùng các đơn vị Quân y cơ sở cứu chữa thương binh ngay tại trận địa. Năm 1984, Bệnh viện vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì. Cũng trong năm này, trước yêu cầu và nhiệm vụ mới, Bộ Quốc phòng quyết định chuyển Bệnh viện từ trực thuộc Cục Quân y về thuộc Cục Hậu cần Quân khu 2. Là một Bệnh viện tuyến cuối có nhiệm vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho lực lượng vũ trang và nhân dân trên địa bàn.
Bước vào thời kỳ đổi mới, trước yêu cầu nhiệm vụ công tác khám chữa bệnh, Bệnh viện được đổi phiên hiệu từ Viện Quân y 109 thành Bệnh viện 109 (năm 1998), rồi thành Bệnh viện Quân y 109 (năm 2014). Được sự quan tâm của các cấp, Bệnh viện được đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế, thuốc men, nhiều máy móc hiện đại đã được đưa vào khai thác, sử dụng có hiệu quả, với đội ngũ y, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, có bề dầy về kinh nghiệm, vững vàng về chính trị. Từ năm 2018 đến nay, thực hiện nghị quyết của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bệnh viện thực hiện tự chủ một phần về tài chính. Đảng ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện đã có nhiều cố gắng lãnh đạo, chỉ đạo Bệnh viện hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, trọng tâm là công tác chuyên môn, công tác phòng chống dịch, bảo đảm tốt đời sống sinh, tinh thần cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ. Năm 2021, được Quân khu tặng Cờ thi đua, Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. Năm 2022 được Bộ Quốc phòng tặng Cờ thi đua, Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì vì đã có thành tích xuất sắc trong huấn luyện, phục vụ chiến đấu, xây dựng lực lượng Quân đội nhân dân, củng cố quốc phòng từ năm 2017 đến năm 2021, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá NGUYỄN QUỐC HÒA, Chính ủy Bệnh viện 109
 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.