Thứ sáu Ngày 26 Tháng 04 Năm 2024, 12:35:25

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác bầu cử

Ngày đăng: 12/03/2016
Tiến tới bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác bầu cử

Theo Nghị quyết số 105/2015/QH13 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngày 22-5-2016 sẽ là ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Đây là sự kiện chính trị quan trọng diễn ra trong thời điểm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng vừa thành công tốt đẹp…

Trong hệ thống chính trị nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng, là yếu tố quan trọng nhất, hạt nhân lãnh đạo của cả hệ thống chính trị. Vai trò lãnh đạo của Đảng với Nhà nước và xã hội đã được quy định tại Hiến pháp, được khẳng định qua thực tiễn đấu tranh cách mạng và quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 thành công, cần tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng về công tác bầu cử, bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ; phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của đội ngũ đảng viên…

Theo Nghị quyết số 105/2015/QH13 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngày 22-5-2016 sẽ là ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Đây là sự kiện chính trị quan trọng diễn ra trong thời điểm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng vừa thành công tốt đẹp; toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

 Ảnh minh họa/ dangcongsan.vn 


Ảnh minh họa/ dangcongsan.vn

 Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng đã khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Hiến pháp năm 2013 cũng đã nêu rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.

Trước khi nắm chính quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam vận động quần chúng bằng cách tuyên truyền đường lối của mình, giáo dục, thuyết phục bằng sự gương mẫu của đảng viên. Sau khi trở thành Đảng cầm quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nên phương thức lãnh đạo của Đảng phải chủ yếu bằng Nhà nước và thông qua Nhà nước. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng đã xác định: “Đảng lãnh đạo bằng Cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên. Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực và phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo của hệ thống chính trị. Đảng lãnh đạo thông qua các tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các tổ chức của hệ thống chính trị, tăng cường chế độ trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu. Đảng thường xuyên nâng cao năng lực cầm quyền và hiệu quả lãnh đạo, đồng thời phát huy mạnh mẽ vai trò, tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị”.

Chính vì những lý do trên đây, vai trò lãnh đạo của Đảng trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của sự kiện chính trị quan trọng này.

Trong những năm qua, cùng với quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội, HĐND các cấp, hoạt động của Quốc hội và HĐND các cấp ngày càng đổi mới, dân chủ, vai trò, chức năng của Quốc hội, HĐND các cấp ngày càng được phát huy. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã ban hành các nghị quyết để đưa ra Quốc hội những định hướng lớn về bổ sung, sửa đổi Hiến pháp và các đạo luật quan trọng; những định hướng, yêu cầu về tổ chức bầu cử Quốc hội cho từng nhiệm kỳ; các định hướng phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và hằng năm. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị quyết định việc giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu vào các chức vụ: Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ; Phó chủ tịch nước, Phó chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội…

Các cấp ủy Đảng ở các địa phương cũng ban hành các nghị quyết để đưa ra HĐND những định hướng lớn về cơ cấu tổ chức bộ máy chính quyền; định hướng lớn về những giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh để HĐND thảo luận và quyết định. Các cấp ủy Đảng ở các địa phương giới thiệu nhân sự để HĐND cùng cấp bầu hoặc phê chuẩn.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đang diễn ra tại Hà Nội là việc giới thiệu nhân sự lãnh đạo cấp cao của các cơ quan nhà nước để kỳ họp Quốc hội sắp tới (dự kiến khai mạc vào ngày 21-3) bầu hoặc phê chuẩn.

Phát biểu tại Phiên khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Bộ Chính trị đã xem xét cẩn trọng cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn của việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước ngay sau Đại hội toàn quốc của Đảng, và thống nhất cao là cần sớm kiện toàn, sắp xếp lại các chức danh lãnh đạo cơ quan nhà nước một cách đồng bộ, đáp ứng kịp thời yêu cầu triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Bộ Chính trị đề nghị Trung ương cho thực hiện kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XIII theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước”.

Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, ngày 4-1-2016, Bộ Chính trị đã có Chỉ thị số 51-CT/TW yêu cầu các cấp ủy, các tổ chức Đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt những yêu cầu nhiệm vụ trước, trong và sau bầu cử. Trong đó, phải có kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử; bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân. Lãnh đạo tốt công tác nhân sự, bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ; gắn kết quả nhân sự của đại hội Đảng các cấp và quy hoạch cán bộ với công tác chuẩn bị nhân sự để giới thiệu những người tiêu biểu, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có năng lực, điều kiện thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Không đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; đã bị các cơ quan có thẩm quyền kết luận không trung thực; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra những vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết nghiêm trọng.

Bộ Chính trị cũng yêu cầu các cấp ủy Đảng, các tổ chức Đảng phải lãnh đạo bầu đủ số lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, đặc biệt coi trọng chất lượng đại biểu. Đồng thời, bảo đảm cơ cấu hợp lý về số đại biểu là người đang công tác ở cơ quan Đảng, nhà nước, lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, giảm hợp lý số đại biểu công tác tại cơ quan hành chính; tăng số lượng đại biểu chuyên trách; bảo đảm tỷ lệ người ứng cử là phụ nữ, người dân tộc thiểu số theo đúng quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; có tỷ lệ hợp lý đại biểu các tôn giáo, đại biểu tái cử, đại biểu trẻ tuổi, đại biểu là các nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ, đại biểu xuất thân từ công nhân, nông dân, doanh nhân, đại diện các hiệp hội, nghiệp đoàn về các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử và việc tự ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND phải bảo đảm theo đúng quy trình pháp luật quy định và hướng dẫn của các cơ quan Trung ương có thẩm quyền. Lãnh đạo tốt việc tổ chức hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong công tác bầu cử; bảo đảm các điều kiện thuận lợi để mọi công dân thực hiện đầy đủ quyền ứng cử, bầu cử theo quy định của pháp luật.

Bộ Chính trị yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đề cao trách nhiệm, tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia bầu cử.

 Cùng với thành công của đại hội Đảng các cấp, tổ chức tốt cuộc bầu cử lần này là dịp để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Vì vậy, việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới là một nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong năm nay. Để hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm này, vai trò tiền phong gương mẫu của đội ngũ đảng viên phải được thể hiện trong các quy trình ứng cử, đề cử, giới thiệu người ra ứng cử và tổ chức bầu cử.

(Theo QĐND)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

go top