Thứ hai Ngày 29 Tháng 04 Năm 2024, 05:58:53

Sơn La – Địa bàn chiến lược quan trọng trong Chiến dịch Thượng Lào

Ngày đăng: 12/04/2023

QK2 – Thắng lợi của Chiến dịch Thượng Lào năm 1953 đã để lại nhiều bài học quý đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay; trong đó, thành công nổi bật của chiến dịch là nghệ thuật chuẩn bị chiến trường và thực hành tác chiến. Với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, tỉnh Sơn La đã đóng góp sức người, sức của làm nên thắng lợi của chiến dịch. 

 

Sơn La là tỉnh thuộc địa bàn Tây Bắc của Tổ quốc. Đặc biệt, phía Tây và phía Nam tỉnh Sơn La có chung đường biên giới dài hơn 274 km, giáp hai tỉnh Hủa Phăn, Luông Pha Băng, nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào. Có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, Sơn La là hậu phương vững chắc, địa bàn chiến lược trong các cuộc chiến tranh. Thắng lợi của Chiến dịch Thượng Lào năm 1953, quân và dân Sơn La cùng nhân dân cả nước, các đơn vị bộ đội tình nguyện Việt Nam tự hào đã đóng góp một phần sức người, sức của, phối hợp với quân và nhân dân Lào giữ vững địa bàn chiến lược trong chiến dịch.

Trong chiến dịch, thực hiện nhiệm vụ giúp Bạn, tỉnh Sơn La tạo nên những căn cứ đứng chân đầu tiên. Điểm xuất phát là các tuyến trung chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược. Từ Mộc Châu, các đơn vị tiến công đánh Sầm Nưa – địa bàn quân Pháp xây dựng thành tập đoàn cứ điểm mạnh (tương đương với Nà Sản trong Chiến dịch Tây Bắc) làm khu vực phòng thủ chủ yếu. Tham gia chiến dịch Thượng Lào, quân và dân ta được che chở, đùm bọc, giúp đỡ và bảo vệ bởi đồng bào các dân tộc thuộc bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, Sơn La (trước đây là bản Phiêng Sa, xã Chiềng On, Yên Châu) và nhân dân các địa phương lân cận, đặc biệt là gia đình cụ Tráng Lao Khô, những hạt nhân đầu tiên của Ban Xung phong Lào Bắc, gây dựng cơ sở cách mạng trong vùng đồng bào các dân tộc Lào.

Đoàn cán bộ Bộ CHQS tỉnh Sơn La trao đổi kinh nghiệm công tác với Đoàn cán bộ Bộ CHQS tỉnh Luông Pha Băng tại Hội nghị giao ban định kỳ giữa hai đơn vị. (Ảnh: HOÀNG HÀ)

Trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân tỉnh Sơn La cùng với nhân dân cả nước vừa là hậu phương, vừa là tiền tuyến, đồng thời là một trong những địa bàn tổ chức thực hiện mối đoàn kết liên minh chiến đấu của hai nước Việt Nam – Lào, cùng chống kẻ thù chung xâm lược, giải phóng đất nước. Nhận rõ âm mưu, thủ đoạn trước mắt cũng như lâu dài của địch, trước tình hình phát triển có lợi cho cách mạng hai nước Việt – Lào, từ đó ta và Bạn đã có những chủ trương và biện pháp nhằm tiếp tục củng cố và mở rộng vùng giải phóng. Để phát huy có hiệu quả vai trò vị trí địa lý chiến lược của tỉnh Sơn La đối với sự nghiệp cách mạng Lào trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, những cơ sở cách mạng của Lào sát biên giới Sơn La không ngừng được mở rộng, đã tiếp sức mạnh hỗ trợ cách mạng Lào phát triển chiến tranh du kích dọc tuyến biên giới và vùng Thượng Lào.

Thực hiện liên minh đoàn kết chiến đấu Việt – Lào, quân và dân Sơn La vừa chiến đấu trong địa bàn của tỉnh, đồng thời phối hợp với lực lượng vũ trang Lào đẩy mạnh tác chiến với nhiều hình thức chiến thuật: Phục kích, tập kích, đánh du kích và càn quét… thu được nhiều thắng lợi. Dọc tuyến biên giới, phong trào cách mạng ngày càng phát triển và lan rộng.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng Lào, Pháp đã mở nhiều cuộc hành quân càn quét vào những nơi có phong trào kháng chiến như Sầm Nưa, Xiêng Khoảng, Bắc Viêng Chăn… Bộ đội và du kích đã chiến dấu dũng cảm “bẻ gẫy” nhiều cuộc càn quét của địch, mở rộng căn cứ kháng chiến. Lực lượng kháng chiến không ngừng phát triển, quần chúng nhân dân được tuyên truyền, giác ngộ, tự nguyện đi theo kháng chiến ngày càng nhiều. Đảng bộ, quân và dân Sơn La đoàn kết, sát cánh với nhân dân Bạn Lào phối hợp chiến đấu hiệu quả. Xây dựng lực lượng chi viện giúp Thượng Lào, nhiều cán bộ, chiến sĩ tỉnh Sơn La đã tình nguyện sang giúp Bạn. Từ cơ sở cách mạng tại bản Lao Khô, căn cứ vùng Bắc Lào được mở rộng như: Lao Hùng, Moong Nặm, Xiềng Khọ, rồi nhanh chóng phát triển ra khu vực Sầm Nưa, Xiêng Khoảng, Phông Xa Lỳ và Luông Pha Băng để chống kẻ thù chung của hai dân tộc.

Thắng lợi của Chiến dịch Thượng Lào một lần nữa khẳng định tình hữu nghị đặc biệt Việt – Lào nói chung, giữa quân, dân Bắc Lào và Sơn La nói riêng được hun đúc qua chiến đấu, được tôi luyện qua chiến tranh, ngày càng bền chặt. Đó là nền tảng quan trọng để quân và dân hai nước tiếp tục xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh. Qua chiến dịch này bộ đội ta đồng thời đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu; nghệ thuật tác chiến, trình độ chiến đấu của lực lượng vũ trang được nâng lên bảo đảm cho nhiệm vụ tiếp theo.

CAO MẠNH TƯỜNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.