Thứ sáu Ngày 03 Tháng 05 Năm 2024, 11:55:04

Quá trình chuẩn bị Chiến dịch Điện Biên Phủ của quân và dân Khu Tây Bắc

Ngày đăng: 11/04/2024

QK2 – Chiến cuộc Đông – Xuân 1953 – 1954, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi vẻ vang cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta. Thắng lợi này là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó quá trình tổ chức chuẩn bị chu đáo mọi mặt, từ hạ quyết tâm, xây dựng kế hoạch tác chiến, chuẩn bị chiến trường, vật chất, lực lượng đến cơ quan chỉ huy và triển khai sở chỉ huy… là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho Chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi. Bởi công tác chuẩn bị càng chu đáo, toàn diện càng dễ giành được thắng lợi triệt để. Nhận thức rõ điều đó, Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Quân ủy và Tổng Tư lệnh đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo việc chuẩn bị mọi mặt cho Chiến dịch Điện Biên Phủ chu đáo, toàn diện, bảo đảm yêu cầu phải đánh thắng, không thắng không đánh.

Đoàn xe thồ vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Trước diễn biến của tình hình, ngày 6 tháng 12 năm 1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, thông qua phương án tác chiến, thành lập Bộ Chỉ huy Chiến dịch, Đảng ủy Mặt trận do đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy. Lực lượng tham gia chiến dịch gồm Đại đoàn 308 (3 Trung đoàn 102, 88 và 36), Đại đoàn 312 (3 Trung đoàn 141, 209 và 165), Đại đoàn 316 (2 Trung đoàn 174 và 98), 1 tiểu đoàn của Trung đoàn 176 và Trung đoàn 57 thuộc Đại đoàn 304. Hỏa lực có Đại đoàn Công – Pháo 351, gồm Trung đoàn Pháo binh 45 (có 2 tiểu đoàn pháo 105mm, 24 khẩu), Trung đoàn Sơn pháo 675 (có 5 đại đội sơn pháo 75mm, 15 khẩu), Trung đoàn Pháo cao xạ 367 có 2 tiểu đoàn cao xạ 12,7mm. Tổng số quân chủ lực của ta khoảng hơn 40.000 người, nếu tính cả tuyến hai thì số quân lên tới 55.000 người. Lực lượng, phương tiện phục vụ chiến dịch cũng rất lớn: 628 ô tô vận tải, 21.000 xe đạp thồ, 261.500 dân công cùng nhiều tàu thuyền, lừa, ngựa… Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng Cung cấp Mặt trận do đồng chí Phạm Văn Đồng – Phó Thủ tướng làm Chủ tịch. Công tác chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ được tiến hành khẩn trương với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, các đơn vị bộ đội chủ lực nhanh chóng tập kết, bạt rừng, xẻ núi mở đường kéo pháo, xây dựng trận địa; dân công, thanh niên xung phong bất chấp bom đạn bảo đảm hậu cần phục vụ chiến dịch.

Thực hiện quyết tâm Chiến dịch, quân và dân các dân tộc Khu Tây Bắc cùng với quân và dân cả nước khẩn trương chuẩn bị cho cuộc tiến công Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Cùng với việc hình thành phương án và kế hoạch tác chiến tại Mặt trận Điện Biên Phủ, quân và dân Khu Tây Bắc đã làm tốt công tác giữ vững, ổn định hậu phương kháng chiến, đảm bảo công tác hậu cần tại chỗ phục vụ chiến dịch.

Lực lượng vũ trang Tây Bắc được khẩn trương xây dựng, chuẩn bị về chiến thuật, kỹ thuật, tinh thần, tư tưởng, hậu cần, kỹ thuật; không ngừng phát triển lực lượng cả bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích, tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp trên địa bàn. Nếu cuối năm 1952, Khu Tây Bắc có 14 đại đội chủ lực, thì đến cuối năm 1953, Khu đã xây dựng được 28 đại đội bộ đội chủ lực tỉnh, huyện và 1 tiểu đoàn chủ lực khu, với tổng quân số 2.883 người. Khu ủy còn đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng và phát triển dân quân du kích, tính đến cuối năm 1953, toàn Khu có 3.863 du kích, 4.420 dân quân, trang bị 1.569 súng.

Sau khi được Bộ Chính trị phê chuẩn Chiến dịch mang mật danh “Chiến dịch Trần Đình”, ngày 14 tháng 1 năm 1954, tại Thẩm Phúa, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Chiến dịch mở hội nghị cán bộ phổ biến kế hoạch tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ theo phương châm “Đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Ý định ban đầu của ta là “Tập trung ưu thế binh lực, hỏa lực đột phá chủ yếu từ phía Tây đánh thẳng vào trung tâm Mường Thanh, đồng thời từ phía Đông giáp công”, dự kiến ngày 20 tháng 1 năm 1954 sẽ nổ súng.

Trước sự tăng cường phòng ngự của địch và những khó khăn của ta về kéo pháo, Bộ Chỉ huy Chiến dịch nhận thấy nếu đánh theo phương châm “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” thì không đảm bảo chắc thắng. Đúng 15 giờ 45 phút ngày 25 tháng 1 năm 1954, Bộ Chỉ huy Chiến dịch quyết định hạ lệnh đình chỉ cuộc tiến công, kéo pháo ra, rút bộ đội, dân công về vị trí tập kết và tiến hành mọi công tác chuẩn bị theo phương châm “Đánh chắc, tiến chắc”. Quân và dân Khu Tây Bắc tích cực chuẩn bị theo phương châm tác chiến mới. Đại đoàn 308 được lệnh tiến công sang Thượng Lào nhằm giúp Bạn mở rộng vùng giải phóng và nghi binh thu hút địch, tạo điều kiện cho các đơn vị ở Điện Biên Phủ rút ra chuẩn bị tiếp.

Theo kế hoạch mới, việc chuẩn bị chủ yếu là làm đường vận chuyển, xây dựng các trận địa pháo binh kiên cố, bí mật, triển khai đội hình bao vây khống chế sân bay. Lần này ta chủ trương bố trí pháo phân tán trên các điểm cao thành một vòng cung bao quanh Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Qua nghiên cứu thực địa, ta tìm được 6 trận địa cho các đại đội lựu pháo 105mm. Cự ly từ các trận địa pháo đến trung tâm Mường Thanh khoảng 6 đến 8km. Pháo và đạn đặt trong hầm khoét sâu vào triền núi và được ngụy trang kín đáo. Để đưa pháo lớn vào các trận địa, ta mở 5 tuyến đường cơ động với tổng chiều dài 63km. Đường phải đủ rộng cho xe pháo cơ động dễ dàng và giữ bí mật. Do các con đường mới đều qua sườn núi, ngọn đèo và nằm trong tầm hoạt động của phi pháo địch nên công việc hết sức khó khăn. Nhiệm vụ làm đường do Trung đoàn Công binh 151, Đại đoàn 312, Đại đoàn 316, cùng quân và dân Khu Tây Bắc có mặt tại chiến trường đảm nhiệm.

Cùng với việc xây dựng trận địa pháo, các đại đoàn bộ binh, quân và dân Khu Tây Bắc còn tổ chức xây dựng một hệ thống công sự trận địa tiến công quy mô lớn. Các sở chỉ huy, hầm thương binh, hầm nghỉ đều được cấu trúc kiên cố.

Công tác bảo đảm hậu cần cho chiến dịch theo phương châm “Đánh chắc, tiến chắc” tăng vọt lên gấp hai, ba lần. Riêng về lương thực, tổng số gạo cần huy động không phải là trên 7.000 tấn như trước mà là 20.000 tấn. Trung ương Đảng và Chính phủ đã động viên toàn Đảng, toàn dân, đặc biệt là Khu ủy, các Tỉnh ủy, quân và dân Khu Tây Bắc tập trung toàn lực chi viện cho tiền tuyến, đảm bảo cho Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Hệ thống đường vận chuyển cơ giới, đường thủy và đường bộ tổ chức chặt chẽ để đảm bảo cho chiến dịch.

Tổng cục Cung cấp tiền phương được tăng cường thêm lực lượng (tổng quân số 3.168 cán bộ, chiến sĩ và hơn 30 nghìn dân công) để tổ chức lại bộ máy hậu cần chiến dịch, gồm: Sở Chỉ huy hậu phương, các kho, các tuyến vận tải, các đội điều trị… Ta tổ chức ba tuyến hậu cần chiến dịch, mỗi tuyến có một ban chỉ huy riêng để đảm nhiệm công tác vận tải quân sự, bảo đảm hậu cần, thống nhất chỉ huy các ngành hậu cần trên toàn tuyến.

 Do nhu cầu về lương thực, thực phẩm rất lớn và gấp, nên ngoài Hội đồng Cung cấp mặt trận Trung ương do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch, còn thành lập Hội đồng Cung cấp mặt trận các cấp. Trung ương đã chỉ đạo các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu… động viên toàn thể cán bộ và nhân dân ra sức huy động triệt để khả năng nhân lực, vật lực ở địa phương cung cấp cho tiền tuyến. Việc đảm bảo nhu cầu các mặt phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ với quân số hơn 40.000 người, thời gian chuẩn bị lại gấp (hơn một tháng), phải đạt chỉ tiêu ban đầu là 7.730 tấn gạo, 140 tấn muối, 465 tấn thực phẩm khô, 434 tấn đạn dược… là một nhiệm vụ nặng nề đối với Tây Bắc.

Hội đồng Cung cấp mặt trận Trung ương giao nhiệm vụ cụ thể cho 3 tỉnh Sơn La, Yên Bái, Lai Châu huy động 6.963 tấn gạo, 310 tấn thịt, 3.000 dân công bảo đảm giao thông trên Đường số 13, Đường số 41, 1.600 dân công ra hỏa tuyến. Ngoài ra còn huy động nhiều ngựa thồ, thuyền mảng ở vùng mới giải phóng phía bắc Lai Châu phục vụ cho tuyến Pa Nậm Cúm – Lai Châu.

Nhân dân các dân tộc Tây Bắc vốn có lòng yêu nước nồng nàn, chí căm thù giặc sâu sắc, một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, nên khi Đảng yêu cầu, đồng bào sẵn sàng tự nguyện tham gia đóng góp cho kháng chiến. Dưới sự chỉ đạo và tổ chức chặt chẽ của Khu ủy và các Tỉnh ủy, các chỉ tiêu trên giao cho đều vượt cả về số lượng, chất lượng, thời gian. Gạo 7.310 tấn (vượt 347 tấn), thịt 389 tấn (vượt 79 tấn).

Lửa đạn, gian khổ, khó khăn không ngăn cản được bước tiến của các đoàn dân công, các đoàn vận tải ngày đêm vận chuyển lương thực, thực phẩm đạn dược đến Điện Biên Phủ cho bộ đội đánh giặc; đã xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu, phục vụ chiến đấu, tận tụy quên mình cho chiến dịch. Dân công chở thuyền, mảng trên sông, suối phần lớn là phụ nữ, sức vóc có hạn, nhưng vẫn vượt qua biết bao nhiêu dòng nước chảy xiết, thác ghềnh hiểm trở mang hàng hóa tới đích an toàn. Nhân dân Tây Bắc không những cung cấp cho bộ đội mọi nhu cầu chiến đấu, mà còn vừa tham gia chiến đấu, vừa chăm lo cho bộ đội từ cái kim sợi chỉ, viên thuốc chữa bệnh, gửi hàng chục nghìn bức thư cổ vũ thăm hỏi chiến sĩ.

Đầu tháng 3, với sự nỗ lực cố gắng liên tục, không biết mệt mỏi, vượt gian khổ, hy sinh của quân, dân cả nước nói chung, quân và dân Khu Tây Bắc nói riêng, đã hoàn thành tốt công tác chuẩn bị mọi mặt cho cuộc tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thế trận chiến dịch đã triển khai xong, các đơn vị đã sẵn sàng nổ súng vào đúng ngày quy định.

Với sự chuẩn bị chu đáo, toàn diện, các lực lượng vũ trang nhân dân ta đã tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Tổng số quân địch bị tiêu diệt và bị bắt 16.200 tên, gồm 17 tiểu đoàn bộ binh và lính dù, 3 tiểu đoàn pháo binh, 10 đại đội ngụy vừa bổ sung và các đơn vị công binh, vận tải, xe tăng… Ta đã thu hoàn toàn vũ khí kho tàng của địch.

Phát huy tinh thần, khí thế khẩn trương chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi năm xưa, quân và dân Quân khu 2 nguyện tiếp nối truyền thống, ra sức thi đua hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, kinh tế, văn hóa, xã hội… góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng quê hương Tây Bắc ngày càng phồn vinh, thịnh vượng.

Đại tá LƯU QUỐC MINH, Trưởng phòng Khoa học Quân sự
 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.