Thứ bảy Ngày 27 Tháng 04 Năm 2024, 05:13:24

Phát thanh Quân đội đổi mới, không ngừng vươn xa

Ngày đăng: 16/03/2024

QK2 – Ngày 16/3/1959, Chương trình Phát thanh Quân đội nhân dân phát sóng lần đầu tiên trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Cũng từ đó, Chương trình Phát thanh Quân đội nhân dân đã hòa mình vào dòng chảy của Đài, góp phần ghi lại những sự kiện lịch sử hào hùng của đất nước. Bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập, Chương trình tiếp tục đổi mới, đưa Tiếng nói Việt Nam vang xa, lan tỏa, trở thành kênh thông tin chính thống, chuyên nghiệp và tin cậy về quân sự, quốc phòng trên làn sóng Đài Phát thanh Quốc gia. 

Phóng viên Phát thanh Quân đội tác nghiệp tại vùng cao biên giới tỉnh Hà Giang.

Phóng viên Phát thanh Quân đội phỏng vấn bộ đội Tăng – Thiết giáp.

Với sự phát triển bùng nổ của Internet, giờ đây, chỉ với chiếc điện thoại, máy tính có kết nối Internet, thính giả có thể nghe các Chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam mọi lúc, mọi nơi. Theo đó, Chương trình Phát thanh Quân đội nhân dân cũng được thính giả biết đến nhiều hơn, nghe nhiều hơn, thông qua các phần mềm ứng dụng nghe radio trực tuyến. Cùng với đó, Ban Biên tập Chương trình Phát thanh Quân đội nhân dân đã tận dụng được ưu thế của mạng xã hội, để lan tỏa các chương trình đã phát sóng. Như vậy, thay vì chỉ được nghe Chương trình trong một khung giờ cố định, thính giả có thể nghe lại các bài viết, phóng sự, phỏng vấn của Chương trình trên các nền tảng của mạng xã hội. Đặc biệt, các bài viết, phóng sự của Chương trình sau khi phát sóng, được chia sẻ trên nhóm zalo “Cánh sóng âm vang”, nhờ đó mà các đơn vị trong toàn quân có thể nghe lại Chương trình Phát thanh Quân đội nhân dân, qua hệ thống truyền thanh nội bộ. Cũng vì thế, Chương trình Phát thanh Quân đội đã tiếp cận được nhiều hơn đến với cán bộ, chiến sĩ. 
Trung tá Đào Văn Hảo, Chính trị viên Ban CHQS thành phố Hà Giang (Hà Giang) cho biết: Tôi cũng thường xuyên nghe Chương trình Phát thanh Quân đội nhân dân, nhiều nội dung phát sóng xong đã được cập nhật và chia sẻ trên nhóm zalo “Cánh sóng âm vang”. Chúng tôi thấy rất thuận lợi, có thể tải về để cho bộ đội được nghe nhiều hơn. Thường xuyên theo dõi, tôi thấy Chương trình cũng đã có rất nhiều những đổi mới. Trong đó có nhiều nội dung phỏng vấn các chuyên gia, nhà khoa học có chất lượng rất tốt. Và cũng qua đó, thì chúng tôi có thêm những tài liệu kiến thức, để học tập và vận dụng tiến hành có hiệu quả các hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị trong đơn vị.

Tác nghiệp tại Quần đảo Trường Sa.

… và với bà con người đồng bào trên miền Tây Bắc.


Thượng úy Phạm Duy Hải, Trợ lý Tuyên huấn Sư đoàn 316 cho biết: Phát thanh Quân đội còn là một kênh thông tin hữu ích để chúng tôi học tập, nhất là mục “Sự thật – luận bàn” chúng tôi thường nghe lại, để học tập. Ngoài ra, chúng tôi phát lại trên các trang mạng truyền thanh nội bộ của sư đoàn, vào các giờ buổi chiều, các ngày nghỉ, giờ nghỉ để bộ đội có thể nghe được nhiều hơn. Và các nội dung đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội, chúng tôi cũng chia sẻ, lan tỏa trên các trang nhóm của Sư đoàn để cho cán bộ, chiến sĩ trong sư đoàn nghe và học tập. 
Hiện nay, báo chí đang trong xu thế chuyển đổi số với yêu cầu đặt ra cho báo chí hiện đại cần phải thay đổi, điều chỉnh để phù hợp với thị hiếu của công chúng. Theo đó, Phát thanh Quân đội nhân dân cũng liên tục đổi mới trong thực hiện các tin, bài, phóng sự, phỏng vấn và các chương trình chuyên đề, tọa đàm. Phóng sự phát thanh được sử dụng tiếng động thường xuyên hơn. Thông qua đó, thính giả như đang được chứng kiến tận mắt, tận nơi quá trình diễn ra sự kiện. Đại tá Vũ Thị Hồng Linh, Phó Trưởng phòng Thời sự Phát thanh (Trung tâm Phát thanh – Truyền hình Quân đội) cho biết: Một trong những đột phá của Phát thanh Quân đội nhân dân là phải có tiếng động hiện trường trong phóng sự. Tức là thay vì tả những âm thanh ở đơn vị như là tiếng động cơ xe máy, tiếng bước chân của bộ đội, rồi là khẩu lệnh của người chỉ huy. Người viết thu những tiếng động đó ở hiện trường và sử dụng trong bài viết. Việc làm này đã làm cho phóng sự đúng là phóng sự của loại hình báo nói. Và nó làm cho các tác phẩm sinh động hơn, hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn mong muốn là tiếng động hiện trường phải được sử dụng với tần suất dày hơn, nhiều hơn trong cả tác phẩm chứ không chỉ là với 1 – 2 phân đoạn. Nghĩa là khi mà sử dụng tiếng động thì tác giả phải chọn được cái tiếng động đặc trưng nhất cho chi tiết mà người viết sử dụng trong phóng sự.

Chương trình Toạ đàm Phát thanh Quân đội trên sóng VOV.

Trong xu thế dòng chảy thông tin khổng lồ như hiện nay, Chương trình Phát thanh Quân đội cũng có sự mở rộng về biên độ nội dung phản ánh. Các vấn đề của xã hội, các vấn đề công chúng quan tâm, các vấn đề, sự kiện lớn của đất nước được tiếp cận dưới góc nhìn quân sự, quốc phòng. Do đó, nội dung được làm mới, với cách thức thể hiện đa dạng đã mang đến diện mạo mới trong 30 phút phát sóng của Chương trình.  
Đồng chí Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam ghi nhận: Trong những năm gần đây, Phát thanh Quân đội nhân dân cũng có rất nhiều những đổi mới, không chỉ trong các phóng sự, mà trong các Talk, những chương trình tọa đàm, những bài phỏng vấn, những phóng sự để chúng ta làm rõ hơn quan điểm về chiến lược quốc phòng của Việt Nam. Chúng ta làm với một sự sáng tạo, chúng ta thể hiện bằng nhiều hình thức, những thể loại phong phú, đa dạng đó, làm cho công chúng dễ tiếp cận hơn. 
Với sự tích cực, chủ động đổi mới, Chương trình Phát thanh Quân đội nhân dân đã hòa nhịp sâu hơn vào dòng chảy thông tin, trở thành một bộ phận hữu cơ của Đài Tiếng nói Việt Nam. Đưa Tiếng nói Việt Nam lan tỏa, vang xa, trở thành kênh thông tin chính thống, tin cậy về quân sự, quốc phòng, và là món ăn tinh thần không thể thiếu của nhiều thính giả, công chúng hiện nay.
Bài, ảnh: VĂN LỰC

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.