Chủ nhật Ngày 12 Tháng 05 Năm 2024, 06:14:09

Nơi ấy có một trung đoàn

Ngày đăng: 22/12/2020

QK2 – Năm 1995, tôi được điều động về Trung đoàn 148 nhận công tác. Đơn vị vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham gia phục vụ đại lễ của quốc gia trên quê hương cách mạng Tân Trào kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 trở về. Cán bộ, chiến sĩ bắt tay chuẩn bị và tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống Trung đoàn (22/12/1995).

Doanh trại Trung đoàn 148 ngày càng chính quy, xanh, sạch, đẹp, đáp ứng tốt các hoạt động của bộ đội.

Kỷ niệm xúc động đầu tiên với Trung đoàn là chuyện ngập nước. Ở nơi cửa ngõ “Thủ đô xanh kháng chiến” ngày ấy, nước lụt là chuyện thường niên. Thành phố Tuyên Quang cùng các vùng lân cận dễ ngập chìm trong nước. Cán bộ, chiến sĩ cơ động từ Yên Sơn lên Tân Trào bằng xuồng, bằng bè mảng hoặc hành quân vòng tránh nước ngập. Trung đoàn chủ yếu nhà cấp bốn cũ kỹ, nhiều phân đội ở nhà tạm. Nước dâng cao, sau khi rút để lại những ngấn nước trên tường nhà và gốc cây cao ngang tầm ngực. Đồng chí Trần Xuân Tạng, Phó Trung đoàn trưởng về Chính trị ngày ấy được cán bộ cấp dưới gọi vui là “Anh Hai Lúa” bởi nước da bánh mật, bắp chân chắc vâm vâm, phong cách gần gũi, rất tận tâm với công việc. Anh cùng cấp dưới cởi giày lội chân trần đi kiểm tra, chỉ đạo các đơn vị bị ngập nước kê kích lương thực, vũ khí, trang bị, quần áo, quân tư trang. Anh bảo, nước ngập đe dọa tính mạng, tài sản của nhân dân, bộ đội vừa tự cứu mình, vừa tham gia giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt.

Bây giờ thì thủy điện Na Hang đã đẩy lùi những cơn lũ dữ. Thành phố “Thủ đô gió ngàn” cũng mở mang văn minh hiện đại hơn rất nhiều và cùng với đó, doanh trại Trung đoàn được đầu tư, xây dựng, được “lột xác” trở thành “công viên chiến sĩ”. Trung đoàn vẫn sống trong lòng dân Tuyên Quang. Các hoạt động kết nghĩa của đơn vị với trên dưới hai mươi đầu mối tổ chức, đơn vị, địa phương vẫn tươi mới, hấp dẫn và thắm tình quân – dân.

Suốt quá trình công tác, tôi được đi và đến nhiều miền đất đã in dấu chân chiến đấu và phát triển của Trung đoàn 148: Sơn La, Phú Thọ, Thanh Hóa, Hòa Bình, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang… và vẫn gặp gỡ một số cán bộ, chiến sĩ, người dân từng gắn bó trực tiếp với Trung đoàn. Nhiều câu chuyện chiến đấu, công tác dân vận, tiễu phỉ, hoạt động đội tuyên văn của Trung đoàn vẫn lưu lại trong lòng dân. Một trong những ấn tượng ấy câu chuyện “bà mẹ Bản Son” vắt sữa nuôi thương binh của Trung đoàn là một trong những biểu tượng tình nghĩa quân – dân, nhân dân che chở, đùm bọc, góp phần tạo sức mạnh chiến đấu cho Trung đoàn.

Sơn La, điểm khởi đầu của lịch sử Trung đoàn hai lần “Anh hùng”. Tại xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, Sơn La, nhà bia ghi dấu nơi Trung đoàn ra đời đã được dựng lên trở thành một thiết chế văn hóa lịch sử, được ngành văn hóa địa phương quản lý, phát huy hiệu quả giáo dục truyền thống. Biểu tượng logo gắn ở cổng Trung đoàn cũng như nhiều hoạt động của đơn vị vẫn thường sử dụng biểu tượng cánh hoa ban, một loài hoa đặc trưng vùng Tây Bắc nói chung, Sơn La nói riêng; một dấu ấn văn hóa rất riêng gieo tình yêu mến Trung đoàn mang tên Sơn La vào cán bộ, chiến sĩ. Trung đoàn từng vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng lá cờ thêu sáu chữ vàng “Trung đoàn Sơn La anh dũng”.

Một lần cùng chỉ huy Trung đoàn về “chiến trường xưa” ở thị trấn Sa Pa (nay là thị xã) dự lễ kỷ niệm truyền thống của địa phương, khi cùng các đại biểu dâng hương tưởng niệm các liệt sỹ tại nghĩa trang, tôi thấy xúc động với những hàng bia mộ gắn họ tên, quê quán của cán bộ chiến sĩ của Trung đoàn 148 đã chiến đấu anh dũng, hy sinh và nằm lại mảnh đất ấy, trong đó có Anh hùng liệt sỹ Phạm Xuân Huân, hy sinh khi là Đại đội trưởng Đại đội 10. Trong ký ức của nhiều người dân thị trấn Sa Pa thời ấy còn nhắc đến tình cảm và chiến công của bộ đội Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 148. Khi địch tấn công càn quét, nhân dân sơ tán để lại nhà cửa, tài sản, vật nuôi. Bộ đội 148 vừa chiến đấu, vừa bảo vệ, chăm sóc tài sản cho nhân dân. Khi nhân dân trở về, tài sản vẫn còn nguyên vẹn. Những năm còn công tác ở đơn vị, năm nào tôi cũng gặp các đại biểu đại diện cho chính quyền và nhân dân Sa Pa về thăm chúc tết đơn vị, mang theo cành đào rừng về làm quà cho bộ đội Trung đoàn và Tiểu đoàn 6 đón xuân.

Dịp kỷ niệm 22/12 hằng năm, tôi lại thấy trái tim mình thổn thức bởi nơi ấy có bóng dáng Trung đoàn. Tôi tin chắc rằng, nhiều đồng đội, lớp trước và lớp sau cũng có niềm xúc cảm ấy.

SONG VÂN

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.