Thứ bảy Ngày 27 Tháng 04 Năm 2024, 09:57:36

Những phụ nữ vượt lên hoàn cảnh

Ngày đăng: 06/03/2019

QK2 – Với hơn 1500 cán bộ hội viên, phụ nữ Quân khu 2 có mặt hầu khắp trên các lĩnh vực công tác và giữ vai trò quan trọng trong các nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị. Trong số cán bộ, hội viên, nhiều chị em bản thân, chồng, con mắc bệnh hiểm nghèo, khuyết tật bẩm sinh, hoàn cảnh gia đình còn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên luôn nêu cao trách nhiệm, đoàn kết, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; vượt lên trên hoàn cảnh xây dựng gia đình hạnh phúc.

MỖI CÂY MỖI HOA…

Thượng úy QNCN Đỗ Thị Hằng, Nhân viên Nuôi quân thuộc Phòng Tham mưu, Lữ đoàn 297 sinh được hai cậu con trai. Cậu lớn là Đỗ Quang Huy, năm nay 16 tuổi và bị bại não từ nhỏ, nếu đi học được thì đã vào trung học phổ thông, nhưng việc đến trường chỉ là ước mơ xa vời vợi. Huy không tự điều khiển được lời nói của mình, bạ đâu nói đấy, chân tay yếu, đi lại rất khó khăn. Theo bà Nguyễn Thị Thanh, ở khu 4, xã Vĩnh Phú, Phù Ninh, Phú Thọ, bà nội của cháu thì Huy ăn không biết no, không biết ngon, không biết tự đi vệ sinh; thỉnh thoảng lại khùng lên với người thân. Còn em trai của Huy, cậu bé Đỗ Minh Hoàng năm nay 11 tuổi. Đồng trang lứa với Hoàng đã học đến lớp 5, nhưng cậu bé mắc bệnh tự kỷ, chỉ được thầy cô, nhà trường cho theo lớp 3 để tạo điều kiện cho Hoàng được được giao tiếp. Gần hết năm học mà nhiều quyển vở của Hoàng vẫn để trống trơn. Gia đình nội ngoại không ở cận kề, thường đến giờ làm việc, chị Hằng đưa con con trai lớn sang gửi nhờ hàng xóm vừa làm, vừa để mắt giúp, còn cháu nhỏ nhờ phụ huynh có con cùng học đưa đến trường.

Chị Đỗ Thu Hằng, Lữ đoàn 297 kiên trì chăm sóc con bị bệnh.

Còn Trung úy Hoàng Thị Thu Hiền, Nhân viên Quản lý Trường Quân sự tỉnh Sơn La năm nay mới 29 tuổi, nhưng chị trở thành vợ liệt sĩ từ tám năm trước. Hai vợ chồng cùng quê Việt Trì, Phú Thọ, sống tại thành phố Sơn La không người thân ruột thịt bên cạnh. Cuộc sống của vợ chồng trẻ còn nhiều khó khăn, phải đi thuê nhà ở. Anh Nguyễn Lê Giang, chồng chị Hiền hi sinh khi đang làm nhiệm vụ trên đất Bạn Lào, cháu Nguyễn Lê Anh mới được hơn hai tuổi, một mình chị gánh vác.

Trung úy CN Hoàng Thụ Thu Hiền, Trường Quân sự Sơn La trách nhiệm với công việc.

Với Đại úy CN Đặng Thị Phương Thúy – Nhân viên Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 98, Sư đoàn 316, những căn bệnh liên tiếp giáng xuống đầu cả vợ, cả chồng. Chồng của Thúy làm công nhân cơ khí, từ khi có con, năm 2010, anh bỗng mắc căn bệnh liên quan đến hệ thần kinh, cơ bản không tự chủ được bản thân, rất ít nói, hầu như không chủ động chia sẻ lời nói cũng như việc làm với mọi người xung quanh, bảo gì làm nấy và chỉ giúp được nhưng công việc giản đơn. Bản thân chị Thúy cũng mắc căn bệnh suy thận từ năm 2011, là căn bệnh mà nhiều người nói chỉ nên dành cho người giàu bởi phải chữa trị trường kỳ, tốn kém.

Đại úy CN Đặng Thị Phương Thúy luôn khắc phục khó khăn vươn lên thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Trường hợp của Thiếu tá CN Nguyễn Thị Thanh, Nhân viên Văn thư Bảo mật Trung đoàn 121, Bộ CHQS tỉnh Yên Bái thì khác. Chị Thanh cùng chồng là bộ đội nghỉ hưu vốn có cuộc sống bình lặng, hạnh phúc, con cái ngoan ngoãn, học hành tử tế. Gần ba năm trước, Chị Thanh vô tình đi thăm khám bệnh và được phát hiện ung thư cổ tử cung. Chị đã từng rất sốc, không muốn làm việc gì.

Thiếu tá Nguyễn Thị Thanh vượt lên bệnh tất, lạc quan sống và làm việc

Còn nhiều, nhiều hoàn cảnh rất khó khăn của chị em phụ nữ ở các cơ quan, đơn vị như bản thân hoặc chồng, con mắc bệnh hiểm nghèo, chồng mất, tạo áp lực cho chị em trong cuộc sống cũng như công việc.

VƯỢT LÊN HOÀN CẢNH BẰNG NGHỊ LỰC

Tìm hiểu những hoàn cảnh khó khăn của chị em phụ nữ thấy rằng, đại đa số các chị không chịu khoanh tay, đầu hàng trước số phận. Chị Thanh ở Trung đoàn 121, sau một thời gian sốc vì bệnh trọng, được sự động viên, hỗ trợ của đơn vị, người thân đã dần lấy lại tâm thế, chưa trị theo phác đồ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hiện nay, ngoài thời gian đi thăm khám, chữa bệnh, chị lấy việc công việc làm niềm vui. Vợ chồng sống lạc quan, có trách nhiệm với cộng đồng, với đơn vị.

Với hoàn cảnh của gia đình chị Thúy, nhiều năm trước, Trung đoàn 98 đã chủ động cho anh chị mượn đất để làm nhà ở; tận dụng vật liệu cũ do nâng cấp doanh trại và huy động ngày công của cán bộ, chiến sĩ cất cho gia đình căn nhà ở tạm, ấm cũng, tiện nơi làm việc của vợ, chồng và con đi học. Chị Thúy được đồng đội tin tưởng, quý mến bởi sự cần mẫn, chỉn chu công việc. Còn vợ liệt sĩ Hoàng Thị Thu Hiền, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh Sơn La, Trường Quân sự tỉnh luôn quan tâm thăm hỏi, động viên cả về vật chất và tinh thần, giúp đỡ chị yên tâm công tác, giảm bớt khó khăn nuôi dạy con ăn học. Chị cũng coi cán bộ, nhân viên nhà trường như những người thân, gắn bó và có trách nhiệm với công việc được giao.

Chị Đỗ Thị Hằng, Lữ đoàn 297 với hoàn cảnh rất bi đát như vậy nhưng chị vượt qua chán nản, quyết không bi quan để đi làm và tiết kiệm tối thiểu để chăm sóc con bị bệnh. Trung tá Vi Văn Sơn, Phó Tham mưu trưởng Lữ đoàn nhận xét, chị Hằng là nhân viên có trách nhiệm với công việc, với bữa ăn bộ đội. Mặc dù hoàn cảnh rất khó khăn nhưng chị Hằng vẫn trụ vững chưa bao giờ bê trễ, để ảnh hưởng đến bữa ăn bộ đội.

Đến thăm các chị Thanh ở Yên Bái, chị Hằng ở Lữ đoàn 297, chị Thúy ở Trung đoàn 98, chị Hiền ở Sơn La cũng như nhiều phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn thấy rằng, các chị can đảm vượt khó vươn lên, chủ đọng sắp xếp vẹn toàn việc nhà, việc đơn vị. Chị nào cũng được tặng nhiều bằng, giấy khen trong thực hiện nhiệm vụ cũng như trong công tác hội phụ nữ. Với người bình thường, được khen thưởng đã là đáng trân trọng,  nhưng những chị em có hoàn cảnh khó khăn mà vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được khen thưởng, đấy là thành quả, là sự cống hiến từ sức mạnh nội lực của các chị.

Chia sẽ với chúng tôi, Thiếu tá Nguyễn Thị Lý, Trưởng Ban Phụ nữ Quân khu cho biết: Trong mỗi gia đình, mỗi mái ấm, dù có thể thiếu khuyết, dù còn có những nhọc nhằn, nhưng sự động viên, bao bọc, chia sẻ từ người thân, từ đồng đội, cộng đồng giúp các các chị rèn nên những phẩm chất chung, đó là nghị lực vượt lên hoàn cảnh, để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Phẩm chất ấy rất đáng trân trọng và rất cần sự thương yêu, chia sẻ và tôn vinh, học tập.

Bài, ảnh: VIỆT LONG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.