Thứ bảy Ngày 04 Tháng 05 Năm 2024, 06:56:27

Những “địa chỉ đỏ”

Ngày đăng: 23/04/2024

QK2 – Chiến thắng Điện Biên Phủ đã trở thành tiếng sấm rền vang làm rung chuyển thế giới, xé toạc đám mây đen của chủ nghĩa thực dân – đế quốc, mang đến nguồn cổ vũ động viên to lớn cho các dân tộc bị áp bức đứng lên giành độc lập. 70 năm đã trôi qua, Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên vẹn những giá trị lịch sử to lớn, trong đó có những “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc cho các thế hệ người Việt Nam. Mỗi địa danh là một câu chuyện hào hùng của ý chí bất khuất, kiên cường, một lòng cống hiến và hi sinh vì độc lập dân tộc.

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 741 (Bộ CHQS tỉnh Điện Biên) tham quan Đồi A1.

Quần thể di tích Chiến trường Ðiện Biên bao gồm các di tích nổi bật như: Đồi A1, đồi Ðộc Lập, cứ điểm Hồng Cúm, Him Lam, cầu Mường Thanh, hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (hay hầm Đờ Cát), Tượng đài chiến thắng, Tượng đài kéo pháo, Sở chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ… Những di tích này đã để lại ấn tượng sâu sắc, thu hút nhiều du khách tham quan khi đến với Điện Biên.

Đồi A1: Nằm ở phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, là cứ điểm quan trọng bậc nhất trong tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ. Đồi A1 nằm dài theo hướng Tây Bắc -Đông Nam, bao gồm 2 đỉnh: Tây Bắc cao hơn 490m, Đông Nam cao hơn 493m. A1 là ký hiệu mà Quân đội ta đặt cho quả đồi. Sáng ngày 7/5/1954, ta đã chiếm được đồi A1. Hiện nay, trên đỉnh Tây Bắc của đồi A1 có đài kỷ niệm được xây theo kiểu "Tam sơn", ở giữa cao, hai bên thấp và đều có hình mái đầu đạo. Phía trước là lư hương, ở giữa là tấm bia, phù hiệu Quốc kỳ, sao vàng nền tròn đỏ, xung quanh là vòng hoa. Bên cạnh đài kỷ niệm là xác một trong hai chiếc xe tăng nặng 18 tấn mà tên Quan Ba Hécvuê đưa từ trung tâm Mường Thanh lên để phản kích Quân đội Việt Nam. Một di tích quan trọng nữa là cái hố hình phễu to bằng cái "ao đình" cạn. Đó là dấu tích trận nổ khối bộc phá nghìn cân của quân ta mà chiến sĩ ta thường gọi "đào hầm để trị hầm", trị cả hầm, cả lô cốt cố thủ của giặc.

Hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát: Nằm ở trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thuộc cánh đồng Mường Thanh, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Cấu trúc và cách bố trí, sắp xếp của căn hầm vẫn còn được giữ nguyên. Xung quanh hầm là hàng rào phòng thủ với hệ thống dây kẽm gai dày đặc và bốn chiếc xe tăng. Hầm Đờ Cát dài 20m và rộng 8m, bao gồm bốn gian dùng cho cả nơi ở và làm việc. Vào lúc 17h30 ngày 7/5/1954, đồng chí Tạ Quốc Luật, Chỉ huy trưởng Đại đội 360, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 đã bắt sống tướng Đờ Cát tại bàn làm việc.

Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ: Nằm trong một khu rừng nguyên sinh tại địa phận xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, cách thành phố Điện Biên Phủ 25 km. Có hệ thống hầm hào và lán trại liên hoàn. Đi từ ngoài vào trong, Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ được phân bố theo thứ tự: Trạm gác tiền tiêu, lán và hầm làm việc của cơ quan thông tin và Cục trưởng Cục Thông tin liên lạc Hoàng Đạo Thúy, lán và hầm làm việc của sĩ quan liên lạc, lán và hầm làm việc của cơ quan chính trị, lán và hầm làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nằm ngay trung tâm của Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên phủ là lán ở và nơi làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong 105 ngày. Chiếc lán đơn sơ và giản dị là nơi Đại tướng đã đưa ra phương án tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Chính quyết định lịch sử này đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu.

Bảo tàng Điện Biên Phủ: Nằm đối diện với nghĩa trang liệt sỹ trên đồi A1, ở trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Bảo tàng Điện Biên Phủ được xây dựng vào năm 1984 nhân dịp kỷ niệm 30 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Bảo tàng có 5 khu trưng bày với 274 hiện vật và 122 bức tranh theo từng chủ đề: Vị trí chiến lược của Điện Biên Phủ; tập đoàn cứ điểm của địch tại Điện Biên Phủ; Đảng chuẩn bị đường lối chỉ đạo cho Chiến dịch Điện Biên Phủ; ảnh hưởng của Chiến thắng Điện Biên Phủ; Điện Biên Phủ ngày nay.

Bức tranh Panorama: Bức tranh Panorama được xây dựng tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là bức tranh lớn tầm cỡ thế giới vẽ về đề tài chiến tranh, tái hiện lại toàn cảnh chiến thắng Điện Biên Phủ. Đây là một tác phẩm nghệ thuật được đầu tư công phu, hoành tráng và được coi là tài sản vô giá, khiến cho thế hệ hôm nay càng thêm trân quý những giá trị lịch sử, cùng những hy sinh mất mát lớn lao của các bậc cha anh. Nội dung bức tranh được chia thành 4 trường đoạn: Toàn dân ra trận; Khúc dạo đầu hùng tráng; Cuộc đối đầu lịch sử và Chiến thắng Điện Biên. Tất cả các hình ảnh và sự kiện được xâu chuỗi, kết nối liền mạnh theo diễn biến của chiến dịch, tạo cho người xem một cái nhìn đầy đủ, trực quan và sinh động, nhiều cảm xúc, là nguồn tư liệu quý góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ.

THU THỦY

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.