Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 04:04:46

Nhớ buổi ban đầu

Ngày đăng: 15/08/2021

QK2 – Đầu năm 2002, tôi từ Bộ CHQS tỉnh Phú Thọ và anh Phùng Sang ở Sư đoàn 316 được điều động về đầu quân cho Báo Quân khu. Khi đó Báo Quân khu 2 do anh Vũ Viết Xô làm Trưởng Ban biên tập và các anh Nguyễn Quang Chung, La Quang Mão, Ngô Quang Bách, Nguyễn Văn Hải cùng hai chúng tôi là vừa tròn “mâm bẩy”. Cơ sở vật chất, vật tư, trang thiết bị Tòa soạn bấy giờ cực kỳ “khiêm tốn”, từ chỗ ăn, chỗ ở, làm việc cũng phải “một chốn, bốn nơi”.  Cả Tòa soạn chỉ có vài ba máy ảnh Zenit, Pentax chụp phim,  máy quay camera “băng cối” và chiếc máy đánh chữ giấy than… nhưng công việc lại hết sức “dồi dào” mỗi tháng cho ra 2 kỳ báo viết và đảm nhiệm hoạt động truyền hình gửi phát sóng truyền hình Quân đội.

Phóng viên Báo Quân khu 2 tham gia đoàn công tác của Trung ương và Quân khu trong chiến dịch chữa cháy rừng Hoàng Liên (tháng 2/2010).

Vốn là cộng tác viên của Báo nhiều năm và qua thực tế làm công tác tuyên truyền từ cơ sở cùng với sự dìu dắt, chỉ bảo tận tình của Trưởng Ban biên tập Vũ Viết Xô và các “đàn anh” đi trước nên chúng tôi đã nhanh chóng vào nghề, cùng nhau “xung trận”. Địa bàn rộng, nhiệm vụ nhiều, giao thông đi lại khó khăn cùng với trăm bề thiếu thốn, nhưng anh em chúng tôi thương quý nhau như ruột thịt một nhà. Đêm nào Tòa soạn cũng đỏ đèn, người “vắt chữ”, xếp trang, người dàn maket, đánh máy, nối băng… để báo kịp lên khuôn và tin truyền hình gửi đi phát sóng, phản ánh kịp thời các hoạt động của LLVT Quân khu đến với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc trên địa bàn.

Làm báo Quân khu, chúng tôi được đi nhiều nơi và đến nhiều nơi, tác nghiệp ở mọi vùng, miền Tây Bắc. Mỗi tên bản, tên làng, tên đường, tên suối đến các kỷ niệm vui, buồn; những lần cùng bộ đội dầm mình trong mưa giúp dân vượt lũ, những chuyến đi vượt suối, băng rừng vào tâm lũ quét Du Tiến, Du Già (Yên Minh, Hà Giang), Phìn Ngan, Trịnh Tường (Bát Xát, Lào Cai) đến những đêm cùng bộ đội “cắm bản” trằn trọc năm canh chờ tiếng gà gáy sáng nơi bản vùng cao ngã ba biên giới thuộc xã Sín Thầu (Mường Nhé, Điện Biên), hay cùng chiến sĩ Đồn biên phòng Ka Lăng (Mường Tè, Lai Châu) vượt suối  Nậm Sì Lường tuần tra giữ vùng biên ải Mường Tè (Lai Châu)… và cả phút đón giao thừa trên đỉnh Ô Quy Hồ, cùng quân – dân dập lửa cứu rừng Hoàng Liên (Lào Cai)… luôn hằn trong ký ức.

Trong số hàng trăm chuyến đi với hàng nghìn kỷ niệm, thì lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã luôn theo tôi trên khắp các chặng đường. Đó là vào dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tôi được Thủ trưởng Cục Chính trị Quân khu giao nhiệm vụ tham gia cùng Đoàn làm phim của Đài truyền hình Việt Nam “tháp tùng” Thượng tướng Hoàng Minh Thảo ngược miền Tây Bắc trong “sêri” phim truyền thống về 60 năm Quân đội anh hùng. Trưa ngày 17/4/2004, đang tác nghiệp tại Mường Phăng thì chúng tôi được thông báo chiều nay đi đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm lại chiến trường xưa- mảnh đất nơi tên tuổi Đại tướng gắn liền với những chiến công vĩ đại của dân tộc – Chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Trong thời gian ngắn ngủi, chúng tôi vinh dự được theo bước chân Đại tướng và phu nhân thăm lại chiến trường. Không chỉ riêng tôi mà tất cả các thành viên trong Đoàn khi đó đều vô cùng xúc động bởi lần đầu tiên được trực tiếp gặp Đại tướng, Tổng Tư lệnh văn, võ song toàn – Vị Đại tướng của Nhân dân và đặc biệt Ông còn là người thông tuệ nghề báo, một nhà báo trụ cột, một ngọn bút chiến binh, chiến lược Trí Dũng của Báo chí cách mạng Việt Nam.

Với chúng tôi, những người làm báo Quân khu 2,  được gặp Đại tướng còn là một điều vô cùng vinh dự, bởi Ông là người đã từng theo sát những bước đi chập chững và đã gửi thư chúc mừng Báo Chiến khu (tiền thân của Báo Quân khu 2 ngày nay) nhân dịp xuất bản số đầu tiên.

Thấm thoát 20 năm, quá nửa thời quân ngũ gắn bó với nghiệp làm báo Quân khu, từ mái đầu xanh nay đã tóc đã ngả mầu. Anh em chúng tôi buổi ấy, Anh cả Vũ Viết Xô, Trưởng Ban biên tập, rồi luân chuyển theo nhiêm vụ của trên; Anh Nguyễn Quang Chung sau này có thâm niên 15 năm làm “Chủ bút”; Anh La Quang Mão về đầu quân “Tổng quản” Báo Quốc phòng Thủ đô và Anh Ngô Quang Bách… tuy nay đã nghỉ hưu nhưng vẫn say nghề báo; Anh Phùng Sang, Nguyễn Văn Hải phát triển lên trên, hiện là thủ trưởng cấp phòng thuộc Điện ảnh Quân đội và Báo Quân đội Nhân dân. Nay nhắc lại nhau, anh em luôn trân quý buổi ban đầu.

Nhìn về buổi ấy – bây giờ, Báo Quân khu 2 đã từng ngày lớn mạnh. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện được chú trọng đầu tư cùng với nguồn nhân lực đức- tài hội đủ. Từ tờ báo xuất bản thưa kỳ, in đen trắng nay báo đã in mầu và xuất bản tháng 4 kỳ. Báo Quân khu hiện là cơ quan báo chí tích hợp đa phương tiện với hai loại hình báo chí chủ lực là báo in và báo điện tử; ngoài ra còn hoạt động truyền hình với các chuyên trang, chuyên mục “phủ sóng” khắp Quân khu.

75 năm ngày Báo Quân khu (tiền thân là Báo Chiến khu) xuất bản số đầu tiền, (19/8/1946 – 19/8/2021), ngược dòng thời gian trên trang Kỷ yếu “Người làm báo Quân khu 2”, xin được tri ân những người cha, người chú, người anh một thời làm Báo đã đặt những “viên gạch hồng”, xây đắp truyền thống Báo Quân khu.

 Bài, ảnh: NGÔ VĂN HÙNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.