Thứ ba Ngày 07 Tháng 05 Năm 2024, 12:01:30

Mặt trận Y13 trong Chiến dịch Tây Bắc 1952

Ngày đăng: 12/10/2022

Thu Đông năm 1952, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh quyết định mở chiến dịch Tây Bắc, nhằm giải phóng vùng rộng lớn địa bàn chiến lược quan trọng; làm thất bại âm mưu mở rộng chiếm đóng và lập “Xứ Thái tự trị” của thực dân Pháp; nối thông Tây Bắc với căn cứ địa Việt Bắc, vùng tự do Thanh – Nghệ – Tĩnh, Thượng Lào và căn cứ địa cả nước.
Thắng lợi của chiến dịch Tây Bắc là kết tinh sức mạnh tổng hợp của cả nước, trực tiếp là trên hướng chính Tây Bắc, bao gồm các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Lai Châu (nay là Lai Châu và Điện Biên); cùng với đó là hướng phối hợp trước, trong chiến dịch. Đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của quân đội ta; đồng thời thể hiện nét đặc sắc về nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Thực tế quân địch ở Tây Bắc lúc này được tổ chức thành khu tự trị Tây Bắc, gồm: 8 tiểu đoàn, 43 đại đội; bố trí thành bốn phân khu (Nghĩa Lộ, Sông Đà, Sơn La, Lai Châu). Ngoài ra còn có các tiểu khu (Tuần Giáo, Thuận Châu, Phù Yên) với 144 cứ điểm, phần lớn là trung đội, có 40 cứ điểm đại đội. Riêng ở Nghĩa Lộ và Mộc Châu, mỗi nơi có 1 tiểu đoàn (quá trình tác chiến, địch tăng cường lên tới 14 tiểu đoàn).

Bộ độiTrung đoàn 148, Đại đoàn 316 vượt sông Đà trong Chiến dịch Tây Bắc. (Ảnh: Tư liệu)

Đợt 1 chiến dịch, diễn ra từ ngày 14-23/10/1952, ta chủ trương tấn công tiêu diệt địch, giải phóng Phân khu Nghĩa Lộ và Tiểu khu Phù Yên, tạo điều kiện để tiến công đánh địch ở Sơn La. Hướng tiến công chủ yếu tại Nghĩa Lộ; hướng thứ yếu tại Quỳnh Nhai, Tuần Giáo. Hướng phối hợp, thọc sâu tại Lai Châu và Điện Biên Phủ, tại hướng này Bộ Tổng Tư lệnh giao cho Trung đoàn 165, Đại đoàn 312 và Tiểu đoàn 910, Trung đoàn 148, Đại đoàn 316, phối hợp với bộ đội địa phương tỉnh Yên Bái, Lai Châu do đồng chí Bằng Giang, Tư lệnh Khu Tây Bắc chỉ huy. 
Trước đó, ngày 10/10/1952, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh điện chỉ thị giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 165 và Tiểu đoàn 910, đó là: Tranh thủ và dựa vào nhân dân để xây dựng, củng cố, phát triển cơ sở chính trị, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương; có kế hoạch tiến công tiêu diệt sinh lực địch ở Lai Châu. Đồng chí Tổng Tư lệnh nhắc nhở: Lần này bộ đội các đồng chí vào sâu trong địch hậu, hoạt động ở một vùng cơ sở của ta còn mới, chưa vững chắc. Địch tuy yếu về số lượng, thành phần, nhưng trong hình thái bố trí như vậy, chúng có thể tập trung lực lượng để đối phó với ta. Việc tiếp tế lương thực, đạn dược nếu ta không giải quyết được tại chỗ mà chỉ dựa vào khu tự do đưa vào thì sẽ gặp khó khăn. Bộ đội tiễu phỉ một thời gian, có thành tích đến bây giờ rất dễ chủ quan, khinh địch. Do vậy, các đồng chí cần đánh giá đúng những khó khăn, thuận lợi để không chủ quan khinh địch, giữ vững tư tưởng, tinh thần, xây dựng kế hoạch đề phòng trong mọi tình huống.
Thực hiện Chỉ thị của Tổng Tư lệnh, đêm ngày 10/10/1952, đơn vị đã có mặt tại vị trí tập kết, triển khai công tác chuẩn bị. Ngày 14/10, đợt 1 của chiến dịch mới chính thức mở màn, nhưng ở hướng Lai Châu được lệnh nổ súng trước. Ngày 11/10, Tiểu đoàn 910 nổ súng tiến công Nậm Sỏ, tiêu diệt các mục tiêu căn cứ của địch, tên quan hai chỉ huy đồn bị tiêu diệt tại chỗ; thừa thắng ta tiếp tục phát triển tiến công tiêu diệt đại đội lính Thái ở Na Mu. Ngày 14/10, một đại đội thuộc Tiểu đoàn Thái số 2 đến tăng viện cũng bị đánh tan. Đại đội 225, nhanh chóng vượt qua Pắc Ma, Bản Mấn, đánh vào huyện lỵ Quỳnh Nhai. Khi đơn vị tiến công lên, lực lượng địch hoang mang bỏ đồn tháo chạy. Ngày 15/10, huyện Quỳnh Nhai được giải phóng.
Trước tình hình đó, ngày 19/10/1952, địch điều Tiểu đoàn Tabo 17 đến đánh chiếm lại Quỳnh Nhai. Theo dõi sát diễn biến chiến đấu, ngày 22/10, Đại tướng, Tổng Tư lệnh ra mệnh lệnh gửi đồng chí Bằng Giang, Bộ Tư lệnh Đại đoàn 312, Ban Cán sự Lai Châu và đồng chí Vũ Lập, Lê Thùy. Sau khi nhận định đánh giá về địch, Tổng Tư lệnh giao nhiệm vụ tác chiến trên hướng nam Lai Châu và bắc Sơn La, đó là: Lực lượng gồm Tiểu đoàn 910, Trung đoàn 148 và Trung đoàn 165, phối hợp với bộ đội địa phương Yên Bái, Lai Châu, trong quá trình chiến đấu có thể tăng cường thêm 1 tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 209 có nhiệm vụ: Lợi dụng sơ hở của địch để tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, tranh thủ nhân dân, phát động chiến tranh du kích, phối hợp với hướng Nghĩa Lộ và Sơn La tiến công tiêu diệt địch ở Than Uyên, củng cố cơ sở nhân dân; đồng thời tiến sang tiêu diệt địch, mở rộng, củng cố khu căn cứ Quỳnh Nhai thành chỗ đứng vững chắc, sau đó phát triển về huyện Luân Châu, Thuận Châu và Tuần Giáo. 

Bộ đội Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 truy kích địch trên đường số 41 trong Chiến dịch Tây Bắc. (Ảnh: Tư liệu)

Quán triệt và thực hiện mệnh lệnh của Tổng Tư lệnh, đêm 23/10, Tiểu đoàn 910 phối hợp với các đơn vị, tổ chức tiến công đánh chiếm lại đồn Pắc Ma. Trong trận chiến đấu này diễn ra rất ác liệt, bộ đội chủ lực đã phối hợp với dân quân du kích chiến đấu mưu trí, dũng cảm. Kết quả ta giành được thắng lợi, tiêu diệt Đại đội Âu – Phi của Tiểu đoàn Tabo số 17, lực lượng địch ở Quỳnh Nhai hoảng sợ bỏ chạy về hữu ngạn sông Đà. Phối hợp chiến đấu với Tiểu đoàn 910, Đại đội 820 tỉnh Lai Châu nhanh chóng làm chủ khu vực.
Trải qua 11 ngày đêm chiến đấu trong đội hình chiến dịch, các đơn vị tác chiến trên hướng nam Lai Châu và bắc Sơn La đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Kết quả, ta đã giải phóng được vùng hữu ngạn sông Thao, tả, hữu sông Đà từ Vạn Yên đến Quỳnh Nhai, tạo điều kiện cho các lực lượng chiến dịch vượt sông Đà tiến vào Lai Châu.
Sau những thất bại trong đợt 1 chiến dịch, địch điều thêm 9 tiểu đoàn cơ động xuống Tây Bắc, đưa số quân lên 16 tiểu đoàn, 32 đại đội; đồng thời mở cuộc hành quân Loren dùng 3 binh đoàn cơ động đánh Phú Thọ, nhằm phá hậu phương chiến dịch của ta. Nhưng cuộc hành quân của địch bị Trung đoàn 246 và Trung đoàn 176, Đại đoàn 316 cùng lực lượng dân quân du kích địa phương đập tan. Ta giữ vững thế chủ động về chiến lược và chiến dịch.
Bước vào đợt 2 chiến dịch Tây Bắc, Tổng Quân ủy chủ trương tập trung 6 trung đoàn mở hướng tiến công chủ yếu đánh vào cao nguyên Mộc Châu. Trên hướng Lai Châu, địch có nhiều sơ hở. Nên Bộ Chỉ huy Chiến dịch giao nhiệm vụ bổ xung đánh nghi binh chiến dịch và mang mật danh “Mặt trận Y13”, do đồng chí Bằng Giang chỉ huy. Lực lượng gồm: Tiểu đoàn 910, Trung đoàn 148, Đại đoàn 316 và Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Có nhiệm vụ: Nổ súng trước khi mở đầu đợt 2 chiến dịch, tiến công đánh địch tại Quỳnh Nhai, nhằm khai thông tuyến đường, tiến quân tiêu diệt địch tại Luân Châu, Thuận Châu, Tuần Giáo; đồng thời, làm nhiệm vụ nghi binh lừa địch, làm cho chúng phán đoán hướng Lai Châu là mục tiêu tiến công chủ yếu của ta.
Thực hiện nhiệm vụ của Bộ Chỉ huy chiến dịch, đêm 7/11, Ban Chỉ huy Mặt trận Y13, lệnh cho Tiểu đoàn 910 và Tiểu đoàn 542 vượt sông đánh tan Tiểu đoàn Thái khố xanh (BGT) ở Nậm Dín; sau đó phát triển, thọc sâu vào Quỳnh Nhai, mở đầu đợt 2 chiến dịch. Bị bất ngờ, địch ở cả hai Tiểu khu Luân Châu và Tuần Giáo đều bỏ chạy. Bộ Chỉ huy Pháp phán đoán Lai Châu là hướng tiến công chính của ta nên đã điều ngay 2 tiểu đoàn từ đồng bằng lên đối phó. Trong khi đó, hướng chủ yếu của chiến dịch, 6 trung đoàn của ta nhích dần đội hình, bí mật vượt sông Đà vào chiếm lĩnh trận địa xuất phát tiến công.
Trên hướng thứ yếu, trước sức tiến công mạnh mẽ của quân và dân ta, đến 2 giờ 15 phút ngày 20/11, lực lượng địch tại cứ điểm Mộc Châu xin đầu hàng. Một số tháo chạy đã rơi vào trận địa phục kích của Tiểu đoàn 439. Kết quả, ta loại khỏi vòng chiến đấu 309 tên, thu toàn bộ vũ khí. Sau khi các vị trí then chốt ở tuyến phòng ngự trên cao nguyên Mộc Châu bị tiêu diệt, địch ở Chiềng Pan, Ta Say, Sa Piệt, Tạ Khoa… vội vã rút chạy về tập trung ở Nà Sản.
Trên hướng Lai Châu, sau khi một tiểu đoàn địch bị ta tiêu diệt, địch hoảng loạn rút bỏ một loạt vị trí, thị xã Lai Châu bị uy hiếp, tuyến Đường 41 từ Sơn La đi Lai Châu bị ta cắt đứt một đoạn dài 60km. Lai Châu và Tiểu khu Điện Biên Phủ bị cô lập. Trước tình hình đó, ngày 14 và 15 tháng 11, chúng điều gấp 2 tiểu đoàn (Tiểu đoàn BGT và Tiểu đoàn Ngụy Thái từ Điện Biên Phủ ra tăng cường chiếm lại Luân Châu, Nậm Dín, nhằm khôi phục Tiểu khu Quỳnh Nhai khôi phục vùng hậu phương vừa bị mất.
Từ ngày 16-22/11, Tiểu đoàn 910 cùng hai tiểu đoàn 542 và 564 hình thành hai mũi tiến công. Tiểu đoàn 910 tiến công tiểu đoàn dù tại ngã ba Nậm Dín, tiêu hao 3 đại đội. Tiểu đoàn 542 đánh địch tại Nong Bò, Cha Mong, tiêu diệt một đại đội thuộc Tiểu đoàn 56 Ngụy. Thừa thắng ta phát triển đánh địch tại Thuận Châu, địch hoảng loạn bỏ chạy về Nà Sản. Ta tiến vào Thuận Châu và thị xã Sơn La, lùng quét và bắt gần 400 tàn binh địch. Kết thúc đợt 2 chiến dịch. Đến lúc này trước nguy cơ mất Tây Bắc, Bộ Chỉ huy quân sự Pháp quyết định xây dựng Nà Sản thành một tập đoàn cứ điểm mạnh. Bộ chỉ huy Pháp coi tập đoàn cứ điểm Nà Sản là “con đê ngăn sóng” ngăn chặn và đè bẹp mọi cuộc tiến công của ta. 
Bước sang đợt 3 chiến dịch, đêm 30/11/1952, ta bắt đầu nổ súng đánh 2 cứ điểm ngoại vi là Pú Hồng và Bản Hời. Tiểu đoàn 115, Trung đoàn 165 tấn công điểm tựa Bản Hời. Trong 7 giờ liên tục chiến đấu ta đã chiếm được vị trí nhưng bị thương vong nhiều. Ngày hôm sau, Pháp huy động máy bay ném bom và dùng hoả lực mạnh chi viện bộ binh chiếm lại. Lúc này, Bộ Chỉ huy chiến dịch nhận thấy ta chưa nắm chắc tình hình, trước mắt chưa đủ khả năng và điều kiện để tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Nà Sản. Để tránh thương vong thiệt hại, không có lợi cho việc xây dựng lực lượng lâu dài, Bộ Tổng tư lệnh quyết định kết thúc chiến dịch vào ngày 10/12/1952.
Kết quả, sau gần 2 tháng mở chiến dịch Tây Bắc (14/10/1951 – 10/12/1952), trên hướng phối hợp của chiến dịch, ta đã diệt 12 đại đội, bắt 1.750 tên (có 75 lính Âu – Phi), thu nhiều quân trang, quân dụng, giải phóng 6 huyện (Than Uyên, Quỳnh Nhai, Tuần Giáo, Mường La, Thuận Châu, Điện Biên Phủ) với diện tích trên 3.000km2 với 100.000 dân; đồng thời hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên hướng vu hồi, nghi binh chiến dịch. Các đòn tiến công của các đơn vị Mặt trận Y13 đã khiến cho chỉ huy quân Pháp phán đoán Lai Châu là hướng tiến công chủ yếu của ta. Thắng lợi của Mặt trận Y13, tạo điều kiện thuận lợi cho hướng chủ yếu Sơn La giành thắng lợi lớn, góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của chiến dịch Tây Bắc.
70 năm ôn lại bài học lịch sử, chúng ta vẫn luôn khẳng định: Chiến thắng Tây Bắc năm 1952 là bước ngoặt chiến lược quan trọng, mốc son trong lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam. Vận dụng, kế thừa thắng lợi của chiến dịch Tây Bắc, chính là những bài học về sự lãnh đạo của Đảng, về nghệ thuật chỉ đạo phối hợp chiến đấu của các lực lượng, phát huy sức mạnh chiến tranh nhân dân, đại đoàn kết toàn dân, tạo thành sức mạnh tổng hợp để giành thắng lợi vẫn giữ nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Đại tá LƯU QUỐC MINH
Trưởng phòng Khoa học quân sự Quân khu 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.