Thứ sáu Ngày 26 Tháng 04 Năm 2024, 04:56:48

Lãnh đạo Đảng, Chính phủ đón, hội đàm, hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Ngày đăng: 06/11/2015

 Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang, ngày 5-11, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và Phu nhân đã tới Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.

Chiều 5-11, lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân được tổ chức trọng thể tại Quảng trường Phủ Chủ tịch theo nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân chủ trì lễ đón.

Tham dự lễ đón còn có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ; Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Quốc Vượng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Phạm Bình Minh, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Hoàng Bình Quân, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương; Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công Thương; Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; lãnh đạo Văn phòng Tổng Bí thư, Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các tỉnh biên giới tiếp giáp Trung Quốc; Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân nồng nhiệt chào đón Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân cùng các thành viên trong đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Trung Quốc sang thăm Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bước lên bục danh dự; quân nhạc cử quốc thiều hai nước. Lễ đón diễn ra trang trọng với 21 phát đại bác chào mừng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mời Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình duyệt Đội Danh dự và chứng kiến Đội Danh dự diễu hành. Các cháu thiếu nhi Hà Nội vẫy cờ, hoa nồng nhiệt chào đón Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Trung Quốc sang thăm Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình

Ngay sau Lễ đón, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiến hành hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tại Trụ sở Trung ương Đảng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh đồng chí Tập Cận Bình dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước Trung Quốc thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam; nhấn mạnh chuyến thăm lần này có ý nghĩa quan trọng, diễn ra vào năm hai nước kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hai Đảng, hai nước đang trên đà phát triển tốt đẹp, thể hiện sự coi trọng của Trung ương Đảng, Chính phủ Trung Quốc và cá nhân đồng chí Tập Cận Bình trong việc củng cố tình hữu nghị Việt-Trung, thúc đẩy phát triển hơn nữa quan hệ hai Đảng, hai nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Trọng Hải

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Trọng Hải

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ vui mừng thăm lại Việt Nam, tận mắt chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của đất nước Việt Nam; chân thành cảm ơn sự đón tiếp trọng thị, thân tình của lãnh đạo và nhân dân Việt Nam dành cho đoàn; chân thành chúc Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII vào đầu năm 2016; tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và sự nghiệp đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Trong bầu không khí chân thành, hữu nghị, hai Tổng Bí thư đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi Đảng, mỗi nước; đi sâu trao đổi và đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng về những định hướng và biện pháp lớn thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước trong thời gian tới.

Hai bên cùng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không ngừng củng cố tình hữu nghị truyền thống giữa hai Đảng, hai nước trong tình hình mới; nhất trí cho rằng tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông cùng các nhà lãnh đạo tiền bối hai nước đích thân xây dựng và dày công vun đắp là tài sản chung quý báu của Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước, cần được hai bên ra sức gìn giữ, kế thừa và phát huy; nhất trí nắm vững phương hướng đúng đắn của tình hữu nghị Việt-Trung, duy trì trao đổi cấp cao, củng cố tin cậy chính trị; tăng cường hợp tác trên các kênh Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và giữa các bộ, ngành, địa phương của hai nước; thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư phát triển hiệu quả, cân bằng, lành mạnh; mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực khoa học-công nghệ, giáo dục, văn hóa, du lịch; phối hợp thực hiện tốt 3 văn kiện về quản lý biên giới trên đất liền, thúc đẩy sự phát triển khu vực biên giới hai nước; cùng nỗ lực kiểm soát tốt và giải quyết thỏa đáng bất đồng trên biển, không để ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định, lành mạnh của quan hệ hai nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng việc duy trì quan hệ láng giềng hữu nghị với Trung Quốc; sẵn sàng cùng Trung Quốc đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung đi vào chiều sâu. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề xuất một số phương hướng lớn tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ giữa hai Đảng, hai nước thời gian tới, cụ thể như sau:

Một là, duy trì tiếp xúc cấp cao, tăng cường tin cậy chính trị; thúc đẩy hiệu quả các cơ chế hợp tác và tăng cường giao lưu hữu nghị nhân dân. Hai bên cần thường xuyên duy trì các chuyến thăm, gặp gỡ, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước với nhiều hình thức linh hoạt để trao đổi tình hình và các biện pháp thúc đẩy hợp tác, tìm biện pháp giải quyết các vấn đề tồn tại và nảy sinh; triển khai hiệu quả các chương trình, cơ chế giao lưu, hợp tác đã thỏa thuận giữa hai Đảng, hai nước; đẩy mạnh hơn nữa giao lưu, hợp tác giữa cơ quan Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc hai nước; phát huy vai trò của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc trong điều phối, thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác giữa hai bên; tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực quan trọng như ngoại giao, quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh các hoạt động giao lưu nhân dân, nhất là giữa thế hệ trẻ, nhân sĩ và trí thức hai nước, phối hợp tổ chức tốt Liên hoan Thanh niên Việt-Trung vào năm 2016, tăng cường tuyên truyền về tình hữu nghị truyền thống giữa hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước. Nhân dịp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã mời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình sang dự Hội nghị cấp cao APEC tổ chức tại Việt Nam vào năm 2017; bày tỏ hoan nghênh các đồng chí lãnh đạo cấp cao khác của Trung Quốc sang thăm Việt Nam vào thời gian thích hợp.

Hai là, thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác phát triển thực chất, cân bằng, hiệu quả. Lãnh đạo cấp cao hai nước quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận và nhận thức chung cấp cao đã đạt được, đồng thời tích cực triển khai các biện pháp hữu hiệu, mở rộng và thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác cùng có lợi. Đề nghị hai bên triển khai các biện pháp thiết thực thúc đẩy thương mại song phương phát triển ổn định, cân bằng và bền vững; phát huy vai trò của Nhóm công tác hợp tác về cơ sở hạ tầng và Nhóm công tác về hợp tác tiền tệ, tích cực nghiên cứu, thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác liên quan sớm có tiến triển thực chất; thúc đẩy các dự án hợp tác kết nối khuôn khổ “hai hành lang, một vành đai” với những nội dung phù hợp trong sáng kiến “một vành đai, một con đường” trên cơ sở tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, bình đẳng cùng có lợi; tăng cường hợp tác về năng lực sản xuất trên các lĩnh vực phù hợp với trình độ và nhu cầu của hai bên. Hoan nghênh Chính phủ Trung Quốc chuyển khoản vay ưu đãi bên mua 300 triệu USD sang sử dụng cho dự án đường cao tốc Móng Cái – Vân Đồn và bổ sung khoản vay ưu đãi Chính phủ 250 triệu USD cho dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông; cảm ơn Trung Quốc tuyên bố cung cấp viện trợ 1 tỷ nhân dân tệ trong 5 năm tới để giúp Việt Nam xây dựng các công trình cải thiện dân sinh như trường học, bệnh viện. Hai bên cần tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương hai nước, nhất là các địa phương chung biên giới thực hiện tốt 3 văn kiện về biên giới trên đất liền, tăng cường giao lưu, hợp tác hiệu quả, thực chất.

Ba là, kiểm soát tốt bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, không để vấn đề này ảnh hưởng đến quan hệ hai nước. Đề nghị hai bên phối hợp chặt chẽ để kiểm soát hiệu quả tình hình trên biển; tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau; thực hiện nghiêm túc các nhận thức chung và thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước; duy trì nguyên trạng, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, gây căng thẳng tình hình. Đề nghị Trung Quốc cùng Việt Nam đi đầu trong việc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm xây dựng hiệu quả Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC); không theo đuổi mục tiêu quân sự hóa ở Biển Đông; tăng cường xây dựng lòng tin để triển khai thuận lợi các dự án hợp tác trên biển mà hai bên đã nhất trí. Đề nghị hai bên triển khai hiệu quả, thực chất các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển, tích cực trao đổi tìm kiếm biện pháp cơ bản, lâu dài hai bên đều chấp nhận được. Việt Nam có thái độ tích cực đối với vấn đề hợp tác cùng phát triển trên biển tại khu vực thực sự có tranh chấp theo luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh, hai nước Trung – Việt có lợi ích chung rộng rãi, hợp tác hữu nghị luôn là dòng chảy chính trong quan hệ hai nước. Đảng, Chính phủ Trung Quốc coi trọng việc củng cố và phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung – Việt theo phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Hai bên cần nắm vững phương hướng phát triển đúng đắn của quan hệ Trung – Việt; tăng cường tin cậy chính trị, tăng cường đối thoại và hợp tác về ngoại giao, an ninh, quốc phòng, đẩy mạnh giao lưu nhân văn, thúc đẩy hợp tác thực chất cùng có lợi, kiên trì tôn trọng lẫn nhau, hiệp thương hữu nghị, cầu đồng tồn dị, kiểm soát bất đồng, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, góp phần đóng góp cho hòa bình, phát triển và phồn vinh của khu vực.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ tán thành những phương hướng và biện pháp lớn nhằm phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề xuất; cho rằng, hai bên cần tích cực nghiên cứu và thực hiện kết nối chiến lược phát triển và năng lực sản xuất, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển của mỗi nước, thúc đẩy hợp tác và kết nối kinh tế ở khu vực; khẳng định Trung Quốc không theo đuổi xuất siêu sang Việt Nam, sẵn sàng thúc đẩy cán cân thương mại song phương phát triển cân bằng, bền vững; sẽ khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường hợp tác về thương mại và mở rộng đầu tư tại Việt Nam; nỗ lực cùng Việt Nam kiểm soát tốt bất đồng trên biển, duy trì đại cục quan hệ Trung – Việt và hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề nghị, hai bên tăng cường phối hợp tại các cơ chế đa phương như Liên hợp quốc, APEC, ASEM, Trung Quốc – ASEAN; Trung Quốc và các nước ASEAN sẽ nỗ lực thúc đẩy đàm phán, xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), góp phần duy trì hòa bình, thịnh vượng và phát triển của khu vực và thế giới; khẳng định Trung Quốc ủng hộ việc xây dựng Cộng đồng ASEAN, ủng hộ Việt Nam đăng cai tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC 2017.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình bày tỏ vui vẻ nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sẽ sang tham dự Hội nghị cấp cao APEC tổ chức tại Việt Nam.

Ngay sau khi kết thúc hội đàm, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chứng kiến Lễ ký kết nhiều văn bản, thỏa thuận hợp tác giữa hai bên. Trong đó có: Kế hoạch hợp tác đào tạo cán bộ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc giai đoạn 2016-2020; Hiệp định về tàu thuyền đi lại tại khu vực đi lại tự do ở cửa sông Bắc Luân, giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHND Trung Hoa; Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Đức Thiên) giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHND Trung Hoa; Hiệp định giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Trung Hoa về việc thành lập Trung tâm Văn hóa nước này tại nước kia; Bản ghi nhớ về việc thúc đẩy hợp tác năng lực sản xuất giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc; Bản ghi nhớ về việc ưu hóa thiết kế dự án Cung Hữu nghị Việt-Trung giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Hoa; Công hàm trao đổi giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc về việc phía Trung Quốc cử Tổ chuyên gia sang Việt Nam khảo sát việc lập quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng; Bản Thỏa thuận giữa Tỉnh ủy Quảng Ninh, Đảng Cộng sản Việt Nam với Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Đảng Cộng sản Trung Quốc về thiết lập giao lưu hữu nghị giữa các tổ chức cơ sở Đảng địa phương; Thỏa thuận triển khai giao lưu hữu nghị Đảng bộ địa phương giữa Tỉnh ủy Lào Cai, Đảng Cộng sản Việt Nam và Tỉnh ủy Vân Nam, Đảng Cộng sản Trung Quốc; Bản ghi nhớ về việc hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng; Hợp đồng khoản vay 200 triệu USD giữa Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam là bên vay và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc là bên cho vay; Biên bản ghi nhớ về tài trợ vốn cho các dự án nhà máy nhiệt điện giữa Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc; Bản ghi nhớ về thỏa thuận đầu tư và thu xếp tài chính cho dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vĩnh Tân 3 giữa Công ty Cổ phần Năng lượng Vĩnh Tân 3 (Việt Nam) và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình

Cũng trong ngày 5-11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh đồng chí Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Trung Quốc thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc tốt đẹp tới Thủ tướng Lý Khắc Cường và các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước Trung Quốc.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thăm cấp Nhà nước Việt Nam. Ảnh: Trọng Hải.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thăm cấp Nhà nước Việt Nam. Ảnh: Trọng Hải.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, trong thời gian qua, quan hệ Việt – Trung có bước phát triển tích cực. Lãnh đạo cấp cao hai bên thường xuyên gặp nhau và đạt nhiều nhận thức chung quan trọng về việc thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước phát triển ổn định, bền vững và không ngừng đi vào chiều sâu. Giao lưu, hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương và giữa các tầng lớp nhân dân hai nước ngày càng mật thiết; hai bên tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa kỷ niệm 65 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Hợp tác kinh tế – thương mại tiếp tục có tiến triển với nhiều kết quả rất đáng khích lệ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cũng như những nhận thức chung quan trọng mà Tổng Bí thư hai Đảng đạt được trong cuộc hội đàm về phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên duy trì tiếp xúc và trao đổi cấp cao để tăng cường tin cậy chính trị và hiểu biết lẫn nhau; thúc đẩy các cơ chế giao lưu, hợp tác giữa các bộ, ngành và địa phương hai bên; tăng cường giao lưu nhân dân, nhất là giữa thế hệ trẻ và đẩy mạnh tuyên truyền về truyền thống hữu nghị Việt – Trung.

Về các lĩnh vực hợp tác, Thủ tướng đề nghị hai bên thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác thực chất đạt tiến triển mới phù hợp với tiềm năng, trình độ của hai nước, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên; phát huy hơn nữa vai trò của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc trong việc chỉ đạo, điều phối, đưa những thỏa thuận và nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước đi vào thực tế; thúc đẩy thương mại hai nước tăng trưởng bền vững, từng bước giảm nhanh nhập siêu của Việt Nam, tăng cường thương mại chính ngạch, quy phạm hóa và quản lý hiệu quả thương mại biên giới. Thủ tướng đề nghị phía Trung Quốc tạo thuận lợi hơn nữa cho hàng hóa Việt Nam, nhất là nông, lâm, thủy sản, trong đó có mặt hàng gạo nhập khẩu nhiều hơn vào Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam tiếp tục mở thêm các Văn phòng xúc tiến thương mại tại Trung Quốc. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh việc Chính phủ Trung Quốc nhất trí chuyển khoản vay ưu đãi bên mua trị giá 300 triệu USD cho dự án đường cao tốc Móng Cái – Vân Đồn và bổ sung khoản vay ưu đãi Chính phủ cho dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông; mong rằng đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam trong thời gian tới sẽ tăng mạnh, nhất là những dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, gắn với hình ảnh về trình độ phát triển tiên tiến của Trung Quốc; thúc đẩy các dự án triển khai thuận lợi, theo đúng thỏa thuận của hai bên. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên khuyến khích việc tăng cường giao lưu, hợp tác cùng có lợi giữa các địa phương; tích cực nghiên cứu các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho giao lưu, hợp tác và phát triển kinh tế ở khu vực biên giới như: Sớm hoàn thành thủ tục nâng cấp và mở mới các cặp cửa khẩu đã đủ điều kiện; tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông quan người, hàng hóa, phương tiện giao thông tại các cửa khẩu của hai nước; phối hợp chặt chẽ ngăn chặn buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng xâm nhập vào thị trường của nhau.

Về vấn đề trên biển, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, hai bên cần nghiêm túc thực hiện các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao về vấn đề trên biển; nhất là “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc” bằng các hành động thực tế, nhất quán; sử dụng tốt cơ chế đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt-Trung, kiên trì thông qua hiệp thương và đàm phán hữu nghị, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được. Duy trì hòa bình, ổn định và kiểm soát bất đồng trên biển; chân thành và thẳng thắn trao đổi, nghiên cứu vấn đề phi quân sự hóa ở Biển Đông; bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông; bảo đảm an toàn cho các hoạt động đánh bắt hải sản trên biển của ngư dân; tích cực đàm phán phân định đi đôi với hợp tác cùng phát triển ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, sớm đạt kết quả thực chất; nghiêm túc thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy đàm phán thực chất để xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ vui mừng thăm Việt Nam cũng như những thành tựu nổi bật mà nhân dân Việt Nam đã đạt được. Cho biết mục đích chuyến thăm là nhằm tăng cường trao đổi chiến lược, trao đổi các phương hướng mở rộng hợp tác toàn diện giữa hai nước Trung – Việt. Với nhận thức chung rộng rãi, từ độ cao và tầm nhìn chiến lược, hai bên đều đặt quan hệ hai nước ở vị trí đặc biệt; đồng thời cho rằng, quan hệ Trung – Việt phát triển ổn định, lành mạnh là phù hợp với lợi ích của hai nước và nhân dân hai nước.

Với tinh thần này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã đưa ra 4 phương hướng lớn hợp tác Trung – Việt trong thời gian tới. Theo đó, về chính trị hai bên cần tăng cường gặp gỡ cấp cao, trao đổi chiến lược. Đồng chí Tập Cận Bình hoan nghênh Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Trung Quốc vào thời điểm thích hợp. Về hợp tác kinh tế, hai bên cần thúc đẩy hợp tác thiết thực, kết nối chiến lược phát triển; hợp tác về năng lực sản xuất giữa hai nước trong các lĩnh vực; thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác trọng điểm và các dự án có tính chất tiêu biểu, cùng nhau tháo gỡ khó khăn để nâng cao hiệu quả của một số dự án hợp tác như: Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, Nhà máy Đạm Ninh Bình…; tăng cường hợp tác biên giới; tích cực giải quyết mất cân đối thương mại giữa hai bên; đi sâu hợp tác tiền tệ, đẩy mạnh tự do hóa thương mại, đầu tư song phương. Về vấn đề trên biển, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình cho rằng hai bên cần kiểm soát tốt các bất đồng; thông qua hiệp thương để duy trì, giữ gìn ổn định trên biển. Về các vấn đề khu vực và quốc tế, đồng chí Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc ủng hộ Việt Nam phát huy vai trò lớn hơn trong các tiến trình khu vực và quốc tế. Đề nghị tăng cường phối hợp tại các diễn đàn đa phương.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình bày tỏ tin tưởng với nhận thức chung quan trọng đạt được, với nỗ lực của hai bên, quan hệ song phương Trung Quốc – Việt Nam sẽ phát triển tốt đẹp, đem lại lợi ích cho nhân dân hai nước, đưa quan hệ hai nước tiếp tục tiến lên vững chắc.

Phát biểu cảm tưởng của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Sân bay Quốc tế Nội Bài, Hà Nội

Trước đó, trưa 5-11, Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình và Phu nhân đã tới Sân bay Quốc tế Nội Bài, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.

Ra đón Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân tại sân bay có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh; Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Hoàng Bình Quân… Tại Sân bay Nội Bài, Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có bài phát biểu cảm tưởng khi tới Việt Nam:

“Tôi rất vui mừng sang thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Nhân dịp này, tôi xin gửi tới toàn thể đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam anh em lời thăm hỏi chân thành và lời chúc tốt đẹp.

Năm nay là kỷ niệm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao 65 năm, 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 70 năm Ngày Quốc khánh, 40 năm Giải phóng miền Nam. Trung Quốc và Việt Nam là láng giềng hữu nghị núi sông liền một dải, chế độ chính trị giống nhau, con đường phát triển tương đồng, tiền đồ vận mệnh tương quan. Sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao 65 năm, nội hàm quan hệ Trung – Việt ngày càng phong phú. Bước vào thế kỷ mới, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện hai nước không ngừng đi sâu, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đóng góp quan trọng vào hòa bình, ổn định và phồn vinh của khu vực.

Tháng 4 năm nay, trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng tôi nhất trí củng cố mối tình hữu nghị truyền thống giữa Trung Quốc với Việt Nam, tăng cường tin cậy chính trị lẫn nhau, thúc đẩy sự hợp tác thiết thực trên các lĩnh vực, mở rộng giao lưu nhân văn. Hiện nay, những nhận thức chung mà lãnh đạo hai đảng, hai nước đã đạt được đang từng bước được thực hiện, quan hệ song phương đang không ngừng phát triển theo hướng xây dựng cộng đồng chung vận mệnh Trung Quốc và Việt Nam.

Phía Trung Quốc hết sức coi trọng tình hữu nghị truyền thống giữa Trung Quốc với Việt Nam, kiên trì coi quan hệ Trung – Việt từ tầm cao chiến lược và góc độ lâu dài, nguyện cùng với phía Việt Nam nhìn về đại cục, hướng về lâu dài, tôn trọng lẫn nhau, hiệp thương hữu nghị, cùng nhau thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện phát triển ổn định, lành mạnh và lâu dài.

Trong chuyến thăm lần này, tôi mong tiếp xúc rộng rãi với lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và nhân dân các tầng lớp xã hội Việt Nam, trao đổi sâu rộng về quan hệ hai đảng, hai nước và những vấn đề khu vực và quốc tế hai bên cùng quan tâm. Tôi hy vọng thông qua chuyến thăm lần này, củng cố mối tình hữu nghị truyền thống, quy hoạch sự phát triển tương lai, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung-Việt lên một tầm cao mới.

Chúc đất nước Việt Nam phồn vinh thịnh vượng, nhân dân hạnh phúc mạnh khỏe. Chúc tình hữu nghị Trung-Việt mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.

Gặp mặt nhân sĩ hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc

Trong khuôn khổ các hoạt động chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Phu nhân, sáng 5-11, tại Hà Nội, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã đón đoàn Hội Hữu nghị đối ngoại nhân dân Trung Quốc, do bà Lý Tiểu Lâm làm Trưởng đoàn và tổ chức Gặp mặt nhân sĩ hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc.

Tại cuộc gặp, nhân sĩ hai nước đã chia sẻ với nhau những kỷ niệm khi học tập, công tác, sinh sống tại Trung Quốc và Việt Nam trước đây; cùng bày tỏ, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, lãnh đạo hai nước sẽ có những quyết sách quan trọng nhằm phát triển quan hệ hai nước, trong đó có quan hệ nhân dân.

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Vũ Xuân Hồng đã điểm lại một số hoạt động tiêu biểu trong năm 2015 như: Kỷ niệm 65 năm Ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (18-1-1950/18-1-2015); Triển lãm ảnh Hồ Chí Minh với quan hệ Việt-Trung; Du lịch đỏ theo dấu chân Bác Hồ, nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; các hoạt động giao lưu, thăm nghĩa trang liệt sĩ nhân dịp tiết thanh minh và ngày thương binh-liệt sĩ…

Hội trưởng Hội Hữu nghị Đối ngoại nhân dân Trung Quốc Lý Tiểu Lâm bày tỏ mong muốn đại biểu nhân sĩ hai nước trên tinh thần hữu nghị cùng trao đổi thẳng thắn để tăng cường hợp tác thực chất giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Thúc đẩy giao lưu thanh niên hai nước Việt – Trung

Trong khuôn khổ Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt – Trung lần thứ 16, trong chiều 5-11, tại Hà Nội, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Nguyễn Đắc Vinh đã có cuộc hội đàm với Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Trung Quốc, Tần Nghi Trí.

Để các chương trình hợp tác giữa hai bên được sâu sắc, hiệu quả hơn, đáp ứng sự quan tâm của lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh mong muốn thời gian tới, hai tổ chức Đoàn của hai nước cần tiếp tục phối hợp tổ chức các hoạt động giao lưu hữu nghị. Theo đó năm 2016, dự kiến hai bên phối hợp tổ chức Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt – Trung lần thứ 17 tại Trung Quốc; Tổ chức Liên hoan thanh niên Việt – Trung lần thứ III tại Việt Nam; thúc đẩy hợp tác trên một số lĩnh vực cụ thể về đào tạo cán bộ Đoàn, doanh nhân trẻ, nhà báo trẻ, du lịch và một số lĩnh vực cụ thể khác. Trong đó, về hợp tác đào tạo, Việt Nam mong muốn cử học viên theo nhóm học tập một số chuyên đề ngắn hạn tại Trung Quốc; tăng cường hoạt động giao lưu hữu nghị giữa các tỉnh đoàn giáp biên; tăng cường hợp tác giữa doanh nhân trẻ hai nước…

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Trung Quốc, Tần Nghi Trí bày tỏ vui mừng khi dẫn đầu đoàn đại biểu 200 thanh niên Trung Quốc tham dự Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt – Trung lần thứ 16 tại Việt Nam. Đồng chí Tần Nghi Trí cho biết, Đoàn đại biểu thanh niên Trung Quốc đã có nhiều hoạt động ý nghĩa như thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm nơi ở và làm việc của Người; thanh niên hai nước đã cùng trao đổi kinh nghiệm về các lĩnh vực cùng quan tâm như: Thanh niên với phong trào xây dựng nông thôn mới và phong trào tình nguyện; hợp tác doanh nhân trẻ; báo chí của Đoàn Thanh niên trong công tác tuyên truyền giáo dục thế hệ trẻ… Các chương trình hội đàm giữa Đoàn đại biểu thanh niên hai nước là cơ hội để tăng cường giao lưu, mở rộng hiểu biết lẫn nhau và trao đổi kinh nghiệm công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi giữa hai tổ chức Đoàn; làm sâu sắc hơn tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống và hợp tác chặt chẽ giữa hai tổ chức Đoàn và thanh niên hai nước Việt – Trung.

* Tối cùng ngày, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân chủ trì chiêu đãi trọng thể chào mừng Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân cùng các thành viên trong đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Trung Quốc.

Trong phát biểu chúc mừng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt chào mừng Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam; đồng thời nêu rõ: “Hai nước Việt Nam – Trung Hoa núi sông liền một dải, có tình hữu nghị truyền thống lâu đời, nhân dân hai nước có mối quan hệ mật thiết, gắn bó. Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội chủ nghĩa của mỗi nước, hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước Việt – Trung với tất cả tấm lòng của những người đồng chí, anh em, đã dành cho nhau sự ủng hộ kiên định và sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn trân trọng sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn, quý báu của Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc đã dành cho sự nghiệp cách mạng của Việt Nam; luôn khắc sâu những tình cảm hữu nghị, chân thành giữa hai nước đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông cùng nhiều thế hệ lãnh đạo tiền bối hai nước dày công vun đắp. Chúng tôi trước sau như một, luôn sẵn sàng cùng các đồng chí Trung Quốc, nỗ lực hết sức mình, đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt – Trung không ngừng phát triển sâu rộng hơn nữa”.

Trong lời đáp, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu rõ: “Lần này tôi sang thăm Việt Nam nhằm củng cố tình hữu nghị truyền thống, đi sâu hợp tác thiết thực, quy hoạch ra viễn cảnh quan hệ Trung – Việt trong thời gian tới… Hai nước Trung Quốc và Việt Nam đều kiên trì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa, hai bên tăng cường đoàn kết hợp tác, cùng nhau phát triển, phù hợp lợi ích căn bản của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, ổn định, phát triển trên khu vực và thế giới. Phía Trung Quốc nguyện cùng với phía Việt Nam, tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung – Việt không ngừng phát triển”.

Theo QĐND

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.