Chủ nhật Ngày 28 Tháng 04 Năm 2024, 07:41:42

Làm báo Tết ở chiến trường

Ngày đăng: 13/02/2024

Lứa phóng viên chúng tôi về tòa soạn đến nay cũng đã ngoài 30 năm nên thật may mắn là còn được gặp nhiều bậc lão thành, hàng "cây đa, cây đề" của Báo Quân đội nhân dân và cũng là của làng báo chí cách mạng Việt Nam.

Chúng tôi thuở ấy, tuổi còn trẻ, kinh nghiệm còn non, thế nên khi được các bậc thầy về nghề báo của Báo Quân đội nhân dân như các nhà báo: Nguyễn Khắc Tiếp, Phạm Phú Bằng, Nguyễn Đức Toại, Hồng Phương, Đoàn Công Tính, Nguyễn Tư Đương, Lục Văn Thao… đến phòng làm việc chơi và kể chuyện thì cứ há hốc miệng ra nghe. Có lúc chúng tôi quên bẵng cả việc rót nước mời các cụ.

Nhà báo Trần Hồ Bắc vốn là người cẩn thận nên khi thấy chúng tôi cứ ngẩn mặt ra nghe thì lại đá đá vào chân chúng tôi, ý bảo “ghi lại, ghi lại!”. Thế nhưng ngày đó, chúng tôi chưa được tiếp xúc với hệ thống mạng xã hội nhốn nháo và rối ren như hiện nay, nên các cụ kể chuyện gì là có thể nhập tâm và nhớ được ngay, nhớ sâu, nhớ lâu cho đến tận bây giờ.

<a title="Báo Quân đội nhân dân | Tin tức quân đội, quốc phòng | Bảo vệ Tổ quốc" style="text-align:center;" href="https://www.qdnd.vn"><img src="https://file.qdnd.vn/data/images/0/2024/02/07/upload_2089/bannercmnm.jpg" class="vllogo"></a>

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tặng hoa chúc mừng Đại tá, nhà báo lão thành Nguyễn Khắc Tiếp (ngày 19-6-2023).

Cụ Nguyễn Khắc Tiếp vốn kiệm lời nên thi thoảng chỉ kể chút ít về việc làm báo ở mặt trận Điện Biên Phủ, chuyện đi theo Sư đoàn 308-Đại đoàn Quân Tiên Phong nghe Bác Hồ nói chuyện tại Đền Hùng trước khi về tiếp quản Thủ đô. Cụ Nguyễn Đức Toại hay kể về việc đi viết điển hình tiên tiến, chuyện đi bộ dọc ngang chiến trường Khu 4. Cụ Phạm Phú Bằng thì có rất nhiều chuyện để kể, chuyện nhảy tàu từ Huế ra Bắc đi theo cách mạng, chuyện vào chiến trường là “tùy quân ký giả”, chuyện làm báo ở mặt trận Điện Biên Phủ… Trong những câu chuyện của cụ Phạm Phú Bằng có chuyện làm số báo Tết Giáp Ngọ 1954 ở chiến trường Điện Biên Phủ.

Ngày ấy, để đáp ứng yêu cầu tuyên truyền về chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, tòa soạn Báo Quân đội nhân dân trên Chiến khu Định Hóa (Thái Nguyên) đã tách một bộ phận, thành lập Tòa soạn tiền phương, đặt tại Mường Phăng để xuất bản Báo Quân đội nhân dân ngay tại mặt trận. Chuyện này đã được nhiều nhà báo viết.

Riêng chuyện làm báo Tết Giáp Ngọ thì cụ Phạm Phú Bằng kể rằng: Ngày đó, phóng viên của Tòa soạn tiền phương chỉ có vài người làm tất cả công việc của một tòa soạn, nghĩa là vừa viết bài vừa trình bày, in ấn và phát hành. Số báo 120, ra ngày 1-2-1954 (tức ngày 28 Tết) là số báo Tết của Tòa soạn tiền phương. Bình thường thì các số báo xuất bản chỉ có 2 trang khổ A3, in đen trắng. Riêng số báo Tết Giáp Ngọ được in 4 trang, khổ báo vẫn như thế (vì ngày đó in bằng bàn đá nên rất khó thay khổ báo) nhưng có hai màu đỏ và đen. Trên trang nhất số báo có thơ chúc Tết và thư gửi cán bộ, chiến sĩ toàn quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thư của Tổng Bí thư Trường Chinh; thư của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp nhân dịp Tết Giáp Ngọ cũng được đăng trên trang nhất số báo này.

<a title="Báo Quân đội nhân dân | Tin tức quân đội, quốc phòng | Bảo vệ Tổ quốc" style="text-align:center;" href="https://www.qdnd.vn"><img src="https://file.qdnd.vn/data/images/0/2024/02/07/upload_2089/bannercmnm.jpg" class="vllogo"></a>

Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ cùng đoàn cán bộ Báo Quân đội nhân dân tặng hoa Đại tá, nhà báo Phạm Phú Bằng (tháng 6-2023).

Riêng bài thơ và bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì cụ Phạm Phú Bằng kể lại: “Chúng tôi đợi sốt cả ruột vì đã sắp đến ngày in báo mà chưa nhận được thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tới chập tối trước hôm in báo (tức ngày 27 Tết) mới thấy đồng chí quân bưu phi ngựa tới trao cho cái bì thư, trong đó có bản sao bức thư và bài thơ của Bác. Chúng tôi mừng quá bỏ cả ăn, lao vào khắc chữ, chế bản để in cho kịp số báo ra hôm sau”. Ngay hôm 28 Tết, sau khi báo in xong, cụ Bằng, cụ Tiếp… liền cho vào sọt, gánh chạy xuống trận địa để phát tới tay bộ đội.

“Nhiều anh vừa nhận được tờ báo là ngồi bệt xuống đất, mở ra đọc ngay. Nhìn những ánh mắt háo hức của bộ đội dõi theo từng dòng chữ trên mặt báo, ngay giữa chiến trường mà chúng tôi xúc động đến rơi nước mắt. Công sức của cả tòa soạn đã được đền đáp. Vừa đi phát báo vừa lấy tư liệu cho các số báo sau nên mãi tới chập tối 29 Tết chúng tôi mới lại về đến Tòa soạn tiền phương, may mà vẫn kịp chuẩn bị đón Giao thừa…”, nhà báo Phạm Phú Bằng kể.

Làm báo Tết ngày xưa quả là rất nhiều khó khăn. Thế nhưng những số báo Tết của Báo Quân đội nhân dân luôn có sức hút kỳ lạ, thực sự là món quà tinh thần không thể thiếu trong những ngày Tết của bộ đội và nhân dân.

Bây giờ, việc làm báo nói chung, làm báo Tết nói riêng đã thuận lợi hơn, tính chuyên nghiệp cũng cao hơn. Có một số nhà báo cho rằng làm báo Tết thì phải đến cuối năm mới đi lấy tư liệu để “viết báo Tết”. Tôi cho rằng quan niệm như thế chưa đúng và khó có thể sáng tác được tác phẩm báo chí chứa đựng vấn đề sâu, hay, nổi trội. Mà để có tác phẩm báo chí hay, ấn tượng đòi hỏi nhà báo phải trăn trở, tìm tòi, thậm chí mất cả năm trời suy nghĩ. Khi viết phải trau chuốt từng ý, từng từ, nhất là những bài viết cho số Tết, món quà mà nhà báo có thể phải ấp ủ rất lâu để dành tặng bạn đọc. Do đó, “không bao giờ có bài báo hay nếu người viết ra nó đơn giản và hời hợt”, câu nói mà nhà báo Phạm Phú Bằng hay nhắn nhủ chúng tôi.

Khi bài báo này lên khuôn thì mùa xuân đã thắp lửa trên những mắt đào. Những nhà báo lão thành, thế hệ đầu của Báo Quân đội nhân dân nay tuổi cũng đã cao, sức như ngọn đèn trước gió. Nhiều cụ đã nhẹ gót về với tiên tổ từ lâu. Thế nhưng mỗi lần đọc lại những bài viết của họ in trên Báo Quân đội nhân dân, chúng tôi lại thấy trí tuệ của họ lắng đọng trong bài viết, hiển hiện lên sau từng con chữ và cũng thấy được sức vóc, sự kỳ vĩ của dân tộc ta, chiến công huy hoàng của Quân đội ta khi thì lấp lánh như ánh sao, khi thì rực rỡ như ánh dương…

(Theo QĐND)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.