Thứ bảy Ngày 27 Tháng 04 Năm 2024, 02:14:41

Kết quả và kinh nghiệm phong trào thi đua: “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”

Ngày đăng: 22/05/2020

QK2 – Trong những ngày tháng 5 lịch sử kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 / 19-5-2020); trước thềm hội nghị sơ kết  phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” cấp Quân khu, Báo Quân khu có cuộc phỏng vấn đồng chí Đại tá Nguyễn Hữu Trung, Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu xoay quanh kết quả phong trào thi đua. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu trả lời phỏng vấn Báo Quân khu.

PV: Kính thưa đồng chí Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu, từ phong trào thi đua Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy, đồng chí có thể khái quát kết quả bảo đảm hậu cần thường xuyên và đột xuất như thế nào thưa đồng chí?

Đại tá Nguyễn Hữu Trung: Trước hết phải nói đến sự nhất quán trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự thống nhất đồng lòng của toàn LLVT Quân khu trong thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của phong trào thi đua. Thực hiện lời Bác Hồ dạy “Thực túc binh cường”, việc tăng gia lao động sản xuất cũng quan trọng như việc đánh giặc ngoài mặt trận. Xác định tốt yêu cầu công tác hậu cần ngày càng cao, phong trào đã được lãnh đạo, triển khai thực hiện một cách toàn diện ở cả 3 tiêu chí, trong đó tiêu chí “bảo đảm hậu cần thường xuyên và đột xuất” đạt được kết quả nổi bật. Theo đó, các cơ quan, đơn vị thường xuyên bảo đảm hậu cần đầy đủ, kịp thời cho các nhiệm vụ. Thực hiện đột phá nâng cao chất lượng bảo đảm đời sống bộ đội đi vào chiều sâu vững chắc. Hoàn thiện, nâng cao chất lượng mô hình TGSX 5 cơ bản theo hướng thâm canh, chuyên canh và đa dạng sản phẩm phù hợp với điều kiện của từng đơn vị. Chính vì vậy, các đơn vị luôn thực hiện tốt công tác nuôi dưỡng bộ đội; đời sống cán bộ, chiến sĩ thường xuyên giữ ổn định và có cải thiện, các định lượng chính trong khẩu phần ăn như thịt, cá, đậu, trứng đều vượt từ 5-18%, nhiệt lượng bình quân chiến sĩ bộ binh đạt 3.256 Kcalo, vượt 56 kcalo/người/ngày so với quy định… Cùng với đó, bằng sự đầu tư của trên, kết hợp với nội lực của đơn vị, đến nay toàn Quân khu đã xây dựng được hệ thống nhà ăn, nhà bếp khang trang, trang bị dụng cụ cấp dưỡng đồng bộ, chính quy. 100% các đơn vị đạt tiêu chuẩn “Đơn vị nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt”…

PV: Đồng chí có thể cho biết rõ hơn về kết quả công tác bảo đảm hậu cần cho nhiệm vụ SSCĐ được thể hiện như thế nào?

Đại tá Nguyễn Hữu Trung: Bám sát nhiệm vụ quân sự – quốc phòng, Ngành Hậu cần Quân khu đã chủ động điều chỉnh, bổ sung hệ thống văn kiện hậu cần SSCĐ, kế hoạch hậu cần phòng, chống, ứng phó với sự cố, thiên tai, thảm họa; đồng thời tổ chức luyện tập các phương án sát với tình huống, nâng cao khả năng chỉ huy, điều hành và thực hành bảo đảm cho các nhiệm vụ. Hàng năm, Ngành Hậu cần đã bảo đảm đầy đủ, kịp thời mọi mặt về hậu cần cho cho nhiệm vụ SSCĐ, luyện tập, diễn tập, nhiệm vụ “C” và các nhiệm vụ đột xuất khác của Quân khu; điều chỉnh phân cấp dự trữ hậu cần hợp lý trên các hướng phòng thủ Quân khu, thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo các đơn vị luân phiên, đổi hạt bảo đảm luôn đủ về số lượng, tốt về chất lượng; hoàn thành quy hoạch căn cứ hậu cần bảo đảm cho tác chiến phòng thủ, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra. Chỉ đạo Bộ CHQS 9 tỉnh đã tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương thành lập Hội đồng cung cấp KVPT, duy trì hoạt động hiệu quả, xây dựng lực lượng hậu cần quân sự, hậu cần nhân dân địa phương, cơ sở hậu cần tại chỗ, bảo đảm nhân lực, vật lực, tài chính cho nhiệm vụ quốc phòng; thực hiện hiệu quả nội dung công tác kết hợp quân dân y, các chương trình, dự án xóa đói, giảm nghèo, trồng rừng, xây dựng nông thôn mới… vừa nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, vừa góp phần xây dựng thế trận lòng dân và tạo ra tiềm lực, thế trận hậu cần liên hoàn, vững chắc và rộng khắp trong khu vực phòng thủ.

PV: Đồng chí có thể chia sẻ về những kinh nghiệm được rút từ thực tiễn như thế nào thưa đồng chí?

Đại tá Nguyễn Hữu Trung: Trước hết phải tăng cường vai trò lãnh đạo, điều hành của cấp uỷ, chỉ huy các cấp; thường xuyên quán triệt mục đích yêu cầu, ý nghĩa, nội dung của phong trào thi đua cho cán bộ, chiến sĩ, động viên, khơi dậy tinh thần thi đua ở mọi cấp, mọi ngành và mọi người thực hiện;

Hai là: Thường xuyên đổi mới tư duy và phong cách làm việc có kế hoạch cụ thể cho từng nội dung thi đua; tích cực chỉ đạo và hướng dẫn, đầu tư xây dựng điểm, chú trọng đầu tư cho các đơn vị khó khăn; xây dựng các điển hình tiên tiến làm nòng cớt cho phong trào;

Bà là: Phát huy tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo của mọi cấp, mọi ngành; tổ chức phong trào thi đua bằng nhiều hình thức và phương pháp đa dạng. Phải thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo tổ chức tiến hành sơ kết, rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng kịp thời. Phát động các đợt thi đua đột kích tập trung vào các khâu còn yếu, làm chuyển biến tình hình, nhất là vào các dịp kỷ niệm ngày truyền thống của đơn vị, ngày lễ lớn của Nhà nước, của Quân đội;

Bốn là: Luôn gắn PTTĐ của Ngành Hậu cần với các phong trào thi đua quyết thắng, các cuộc vận động và các phong trào thi đua khác, nhất là việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới, lấy xây dựng chi, đảng bộ trong sạch vững mạnh và đơn vị vững mạnh toàn diện, mẫu mực, tiêu biểu làm mục tiêu phấp đấu; khơi dậy và phát huy tinh thần tự lực, tự cường, ý chí quyết tâm vượt mọi khó khăn, góp phần vào việc hoàn thành tốt nhiệm vụ của LLVT Quân khu.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí Chủ nhiệm!

TRUNG HIẾU (thực hiện)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.