Thứ năm Ngày 09 Tháng 05 Năm 2024, 10:42:23

Học tiếng đồng bào để “nghe dân nói, nói dân hiểu”

Ngày đăng: 25/10/2023

QK2 – Sư đoàn 316 đứng chân và thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn Tây Bắc của Tổ quốc. Đây là địa bàn rộng với 34 dân tộc cùng chung sống. Việc đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và địa phương đến người dân nơi đây là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên, để người dân dễ hiểu và dễ tiếp thu là điều không hề dễ. Nắm bắt được vấn đề này, Sư đoàn 316 đã tổ chức lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc cho đội ngũ sĩ quan (SQ), quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) trong đơn vị nhằm thuận tiện trong công tác với mục tiêu học tiếng đồng bào để “nghe dân nói, nói dân hiểu”. Chia sẻ về hiệu quả của cách làm thiết thực đó, Đại tá Nguyễn Trung Đắc, Chính ủy Sư đoàn 316 đã có cuộc trao đổi với chúng tôi để làm rõ hơn về vấn đề này.

Phóng viên (PV): Xuất phát từ cơ sở nào để Sư đoàn 316 triển khai việc tổ chức lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc cho đội ngũ SQ, QNCN trong đơn vị?

Đại tá Nguyễn Trung Đắc: Thực tế cho thấy, Sư đoàn 316 đứng chân trên địa bàn 3 tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái. Tuy nhiên, do tính chất, yêu cầu nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ có mặt công tác ở khắp các địa phương trên địa bàn Tây Bắc; trong đó phần nhiều ở vùng sâu, vùng xa, nơi có đồng bào dân tộc sinh sống với phong tục, tập quán và tiếng nói khác nhau. Quá trình thực hiện nhiệm vụ buộc phải giao tiếp, trao đổi bằng tiếng dân tộc mới đạt được hiệu quả cao. Hơn nữa, hiểu được tiếng đồng bào sẽ hiểu được phong tục tập quán của họ. Và tất cả những vấn đề trên là điều kiện cần thiết để có thể giúp được đồng bào trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống.

Buổi lên lớp học tiếng Mông của sĩ quan, QNCN Trung đoàn 174, Sư đoàn 316.

Từ thực trạng, đội ngũ cán bộ SQ, QNCN trong đơn vị lại chưa hiểu và biết nói tiếng dân tộc, vì thế dẫn tới hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chưa cao, nhất là khi tham gia các nhiệm vụ tuyển quân, huấn luyện, diễn tập, hành quân dã ngoại làm công tác dân vận, cứu hộ cứu nạn, khắc phục thiên tai và việc quản lý, giáo dục các đồng chí cán bộ, chiến sĩ là người đồng bào dân tộc. Chính vì vậy, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn đã xây dựng kế hoạch và tổ chức lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc cho SQ, QNCN trong toàn Sư đoàn với mong muốn bồi dưỡng cho các đối tượng này khả năng nghe, nói tiếng dân tộc. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác nắm tình hình địa bàn, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; củng cố mối quan hệ đoàn kết quân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

PV: Để việc tổ chức lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc cho đội ngũ SQ, QNCN trong đơn vị đạt hiệu quả, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 316 đã có những giải pháp như thế nào, thưa đồng chí?

Đại tá Nguyễn Trung Đắc: Để tiết kiệm thời gian và kinh phí, chúng tôi đã chỉ đạo Phòng Chính trị Sư đoàn liên hệ các cơ quan chức năng địa phương sưu tầm bộ tài liệu tiếng dân tộc (trọng tâm là tiếng: Mông, Thái và Dao). Trên cơ sở các bộ tài liệu có sẵn, chúng tôi chỉnh sửa, bổ sung thành tài liệu giảng dạy phù hợp với nhiệm vụ và đối tượng học của đơn vị. Đồng thời chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các cấp tổ chức lấy ý kiến của cấp mình, đặc biệt là ý kiến của các đồng chí cán bộ là người dân tộc trên; đồng thời thành lập tổ giáo viên ở cấp tiểu đoàn do đồng chí chính trị viên hoặc chính trị viên phó tiểu đoàn đó phụ trách. Để đạt được hiệu quả cho cả người dạy và người học chúng tôi cũng quy định một lớp học không quá 10 đồng chí, mỗi đơn vị không quá 1/3 quân số, các lớp học được tiến hành kế tiếp nhau, bảo đảm 100% SQ, QNCN đều được học tiếng dân tộc. Kết thúc chương trình học tập, đơn vị tổ chức kiểm tra đánh giá kết quả, đồng chí nào không đạt yêu cầu thì học lại cùng lớp tiếp theo. Thời gian học vào buổi tối, bảo đảm không ảnh hưởng đến nhiệm vụ SSCĐ, huấn luyện và các nhiệm vụ thường xuyên khác của cơ quan, đơn vị.

PV: Đối với nội dung, phương pháp bồi dưỡng tiếng dân tộc cho đội ngũ SQ, QNCN, đơn vị đã và đang triển khai thực hiện linh hoạt ra sao, thưa đồng chí?

Đại tá Nguyễn Trung Đắc: Do đối tượng người học không thuộc hệ giáo dục quốc dân mà là SQ, QNCN của đơn vị. Mặc dù khả năng tiếp thu nhanh, nhưng mau quên, nên công tác giảng dạy luôn bám vào đặc điểm tâm lý của người học để đặt ra chương trình bồi dưỡng phù hợp. Chương trình bồi dưỡng của chúng tôi tập trung vào củng cố kỹ năng nghe và nói là chính, vì vậy, đòi hỏi tổ giáo viên khi truyền thụ cần phải gắn với đặc điểm, nhiệm vụ của đơn vị. Trên thực tế, công tác bồi dưỡng tiếng dân tộc không phải mới, vấn đề chính là các đơn vị cần phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa và thực hiện khoa học hơn, giúp đội ngũ SQ, QNCN biết cách phát âm, đánh vần, ghép câu hoàn chỉnh, am hiểu phong tục, tập quán của đồng bào, để “nghe dân nói, nói dân hiểu”, tạo được niềm tin yêu của quần chúng nhân dân. Bên cạnh sự hướng dẫn, chia sẻ của tổ giáo viên, đơn vị thường xuyên động viên, phát huy sự cố gắng, tinh thần chủ động tự học tập, nghiên cứu, học qua sách vở, qua đồng đội và qua thực tế những lần đi địa bàn tiếp xúc với đồng bào các dân tộc để nâng cao khả năng giao tiếp bằng tiếng địa phương. Nội dung, phương pháp bồi dưỡng được thực hiện linh hoạt, nhằm giúp cho SQ, QNCN sau khi nghe, nói được tiếng dân tộc có điều kiện được vận dụng thường xuyên, qua đó khi áp dụng vào thực tế khi đi cơ sở mới có thể vận động được đồng bào trên địa bàn đóng quân hoặc nơi công tác nhỏ lẻ…

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

TRƯỜNG DŨNG (Thực hiện)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.