Thứ hai Ngày 06 Tháng 05 Năm 2024, 02:34:05

Hoàn thiện thể chế phòng, chống tham nhũng

Ngày đăng: 25/11/2018

Với đại đa số đại biểu tán thành, tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV vừa thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Đây là một trong những đạo luật được soạn thảo công phu, tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp của nhân dân theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, góp phần hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng (PCTN).

 

Tạo cơ sở pháp lý đồng bộ về phòng, chống tham nhũng

Đại hội XII của Đảng đã phân tích rõ nguyên nhân dẫn đến tham nhũng ở nước ta, trong đó có nguyên nhân quan trọng từ hệ thống pháp luật còn thiếu đồng bộ. Vì vậy, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định cần hoàn thiện thể chế PCTN, triển khai đồng bộ Luật PCTN, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí kết hợp chặt chẽ với việc xử lý kiên quyết, kịp thời, công khai những người tham nhũng, bất kể ở chức vụ nào, đương chức hay đã nghỉ hưu, tịch thu, sung công tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng; những người bao che cho tham nhũng, cố tình ngăn cản việc chống tham nhũng.

Quang cảnh Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: quochoi,vn

Thực hiện các giải pháp PCTN của Nghị quyết Đại hội XII, các cơ quan chức năng của Nhà nước đã khẩn trương tiến hành sửa đổi, bổ sung một số văn bản pháp luật quan trọng, đóng vai trò chủ đạo trong công tác PCTN, điển hình là việc sửa đổi các quy định của Bộ luật Hình sự về các tội phạm về tham nhũng, chức vụ. Một số luật khác cũng được sửa đổi nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, qua đó góp phần phòng ngừa tham nhũng, như: Các quy định về việc tiếp cận thông tin, các quy định liên quan đến quản lý tài chính công, đấu thầu…

Việc sửa đổi một cách tổng thể các quy định pháp luật trên nhiều lĩnh vực đã góp phần tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh PCTN. Đặc biệt, việc sửa đổi toàn diện Luật PCTN để phù hợp với tình hình mới góp phần tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng.   

Thực tế trong gần 3 năm qua, việc hoàn thiện thể chế PCTN đã có những bước phát triển khá toàn diện, cơ bản, góp phần to lớn vào hiệu quả của công cuộc PCTN của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp của nhân dân

Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, ngay từ cuối năm 2015, Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng dự án Luật PCTN (sửa đổi). Quá trình chuẩn bị dự án luật được thực hiện theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Trong năm 2016 và 2017, Thanh tra Chính phủ tổ chức nhiều cuộc hội thảo để lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, đại diện các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương. Đồng thời, giới thiệu dự thảo trên Cổng thông tin điện tử của Thanh tra Chính phủ để lấy ý kiến nhân dân; tổ chức lấy ý kiến chính thức bằng văn bản của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan. Trên cơ sở đó, cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu tiếp thu hoàn chỉnh dự án luật.

Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) dự kiến được Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV (cuối năm 2016) nhưng do tính chất quan trọng và cần tiếp thu nhiều hơn sự đóng góp của nhân dân nên đến Kỳ họp thứ tư vào cuối năm 2017, Chính phủ mới chính thức trình Quốc hội.

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ: “Sau 10 năm thi hành Luật PCTN năm 2005, công tác PCTN đã đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; giúp cải thiện môi trường kinh doanh và đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Nỗ lực PCTN của Việt Nam cũng đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận trong khuôn khổ thực thi Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên và các diễn đàn quốc tế khác. Luật PCTN đã từng bước giúp tạo ra môi trường thể chế ngày càng công khai, minh bạch; từng bước tăng cường sự tham gia của người dân vào công tác PCTN; cơ chế kiểm soát đối với cán bộ, công chức, viên chức và chế độ công vụ cũng ngày càng được cải thiện; việc xử lý người có hành vi tham nhũng và tài sản tham nhũng cũng được chú trọng và nâng cao hiệu quả; bộ máy cơ quan PCTN bước đầu được củng cố, kiện toàn.

Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu, số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít, một số vụ việc xử lý còn kéo dài, chưa nghiêm, thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp, gây tâm lý bức xúc và hoài nghi trong xã hội về quyết tâm PCTN của Đảng và Nhà nước ta”.

Tờ trình của Chính phủ cũng khẳng định những bất cập của luật là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên và đề nghị Quốc hội sửa đổi Luật PCTN.

Thông thường, dự thảo luật được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại một đến hai kỳ họp nhưng dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) đã được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại 3 kỳ họp (thứ tư, thứ năm, thứ sáu), được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội và Chính phủ, nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của nhân dân.

Để Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đi nhanh vào cuộc sống

Luật PCTN (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua gồm 10 chương với 96 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2019. Luật PCTN (sửa đổi) có nhiều quy định mới về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng, xử lý tham nhũng.

Nội dung cốt lõi của Luật PCTN (sửa đổi) là lấy phòng ngừa tham nhũng là chính, cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những người có hành vi tham nhũng, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng; không có vùng cấm, vùng trống, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai.

Luật nêu rõ các hành vi tham nhũng, các hành vi bị nghiêm cấm. Về trách nhiệm của cơ quan báo chí, nhà báo, luật quy định: Cơ quan báo chí, nhà báo có trách nhiệm đấu tranh chống tham nhũng, đưa tin về hoạt động PCTN và vụ việc tham nhũng. Cơ quan báo chí, nhà báo có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin liên quan đến hành vi tham nhũng. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật về báo chí và quy định khác của pháp luật có liên quan. Cơ quan báo chí, nhà báo có trách nhiệm phản ánh khách quan, trung thực và chấp hành các quy định khác của pháp luật về báo chí, quy tắc đạo đức nghề nghiệp khi đưa tin về hoạt động PCTN và vụ việc tham nhũng.

Việc sửa đổi toàn diện Luật PCTN là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và tác động đến sự ổn định, phát triển của đất nước.

Để Luật PCTN đi nhanh vào cuộc sống, các cấp, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, chính sách có liên quan của Đảng, Nhà nước về công tác PCTN.

Các cơ quan chức năng của Nhà nước cần sớm xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật để đến khi luật có hiệu lực thi hành (ngày 1-7-2019) là có thể áp dụng được ngay.

Thể chế nói chung và thể chế về PCTN nói riêng cùng với chuẩn mực đạo đức trên các lĩnh vực là yếu tố cơ bản, nền tảng, có tác dụng ngăn chặn từ gốc hành vi tham nhũng. Cùng với việc hoàn thiện thể thế về PCTN, các cơ quan chức năng cần khẩn trương rà soát, bổ sung, khắc phục những sơ hở, bất cập trong tuyển dụng, đào tạo, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, quản lý cán bộ, đảng viên. Thực hiện nghiêm việc xử lý, điều chuyển, miễn nhiệm, thay thế những cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện tham nhũng gây nhiễu dư luận, làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, uy tín thấp.

(Theo QĐND)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.