Thứ bảy Ngày 11 Tháng 05 Năm 2024, 10:16:47

“Gian khổ mình từ chối… sẽ dành phần cho ai”

Ngày đăng: 10/11/2019

Bài 3: Bình yên đất mới

Tranh thủ buổi chiều, giờ bộ đội tăng gia sản xuất, tôi cùng Thiếu tá Nguyễn Văn Thảo, Đội trưởng Đội rà phá vật cản Sư đoàn 316 và Đại úy Nguyễn Thanh Tú, Đội trưởng Đội rà phá vật cản Lữ đoàn 543 đi thăm lại khu đất đã được các đơn vị dọn sạch bom, mìn.

Rừng núi Lùng Vai trùng điệp, vẽ nên bức tranh thiên nhiên, chia ra mảng miếng rõ rệt. Trên đỉnh núi là rừng cây rậm rạp, dưới chân, thung lũng, dốc thoải phủ xanh màu của chuối, dứa, chè… Là hai cán bộ dày dạn kinh nghiệm, có thâm niên nhiều năm rà phá mìn ở các tỉnh miền núi phía Bắc, Tú và Thảo cho biết, những nơi đất màu mỡ, yên ngựa thường là những nơi được bố trí mìn nhiều nhất.

– Khi đi rà phá bom, mìn, vật liệu nổ, thường dựa theo nguyên tắc nào? – Tôi hỏi.

– Người ta bố trí theo nguyên tắc nào thì mình làm ngược lại. Trước khi bố trí vật cản, cả ta và đối phương đều nghiên cứu rất kỹ địa hình. Những vị trí thuận tiện di chuyển, dễ ẩn nấp phòng ngự hoặc tấn công là nơi dễ bố trí mìn nhất. Chỉ huy bộ đội rà phá bom, mìn cần dựa theo nguyên tắc này, thường xuyên nhắc nhở bộ đội khi bước vào nơi nguy hiểm – Thảo trả lời.

– Về nguyên tắc là như vậy, nhưng thực tế có những điều bất quy tắc lại thành quy tắc. Tùy vào địa hình thực tế, mỗi người lại có tư duy chiến thuật và bố trí mìn khác nhau. Do vậy, kinh nghiệm của những người đi trước là điều hết sức quý giá đối với lính công binh. Vì chúng tôi không có cơ hội sửa sai từ lỗi của chính mình – Tú nói thêm.

Bộ đội hành quân lên núi dò gỡ bom, mìn sót lại sau chiến tranh ở xã Lùng vai, huyện Mường Khương.

Sau gần 3 tháng, các đội rà phá vật cản của Quân khu 2 làm việc cật lực, hơn 60ha đất ở xã Lùng Vai, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai đã được quét sạch bom, mìn. Đất sạch đến đâu, bà con trồng cây, tăng gia sản xuất đến đó. Có những vạt đồi, chuối được trồng ngay sau khi bộ đội vừa dọn xong bom, mìn, nay đã cao lút đầu người. Dấu hiệu màu xanh của sự sống, màu xanh no ấm đang hồi sinh theo từng dấu chân của họ.

Nghe Tú và Thảo chia sẻ những kinh nghiệm, tôi hỏi: “Đơn vị đi rà phá bom, mìn nhiều lần, đã bao giờ xảy ra mất an toàn chưa?”. Thoáng một nét buồn, Thảo chậm rãi: “Lượng bom, mìn sót lại sau chiến tranh còn nhiều, do phong hóa, xê dịch của môi trường theo thời gian, luôn tiềm ẩn nguy hiểm nên mất mát, hy sinh là điều khó tránh khỏi”. Ngay trong năm 2011, khi Thảo may mắn thoát nạn thì hai đồng đội của Thảo đã để lại một phần thân thể nơi thực địa. Một đồng chí bị mìn nổ cụt chân, một đồng chí bị giảm thị lực mắt 80%. Thảo còn nhớ mãi, chính anh là người trực tiếp cõng đồng đội đi cấp cứu. Vừa chạy, Thảo vừa khóc gọi tên đồng đội nói chuyện để bạn không bị lịm đi do mất máu.

Trước đó, năm 2001, Trung sĩ Trần Ngọc Dũng (Tiểu đoàn 17, Sư đoàn 316) đã hy sinh khi đang dò gỡ mìn ở mốc 13 thuộc xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên. Dũng hy sinh khi vừa làm xong thủ tục kết nạp Đảng… Không chỉ có chiến sĩ hy sinh mà cán bộ đơn vị cũng có người để lại một phần thân thể trên dải đất biên cương này của Tổ quốc. Lịch sử Tiểu đoàn 17, Sư đoàn 316 còn ghi lại, Thiếu tá Nguyễn Văn Hà, Bí thư Đảng ủy, Phó tiểu đoàn trưởng về Chính trị Tiểu đoàn 17, khi đi thị sát bộ đội rà phá bom, mìn, do lở đất bất ngờ, một quả mìn đột ngột nổ, cướp đi của anh một chân và làm giảm thị lực mắt. Anh Hà đã từng cầm súng tham gia bảo vệ biên giới, ngờ đâu thời bình anh lại trở về quê hương với tấm thẻ thương binh loại 2. Ở Sư đoàn 316, còn một số cán bộ, chiến sĩ nữa đã trở thành thương binh, liệt sĩ khi thực hiện nhiệm vụ rà phá vật cản; có những chiến sĩ tuổi mới đôi mươi…

Nghe Thảo kể chuyện, tôi chợt nghĩ tới một câu ai đó đã từng nói: “Vinh quang nào mà không có nước mắt, hạnh phúc nào mà không có đắng cay?”.

Bước vào nhiệm vụ rà phá vật cản như bước vào trận chiến thực sự, chỉ “sai một ly” cũng có thể đánh đổi bằng cả tính mạng. Vì thế, để hạn chế đến mức thấp nhất về thương vong, khi huấn luyện bộ đội, những cán bộ chỉ huy như Thiếu tá Nguyễn Văn Thảo, Đại úy Nguyễn Thanh Tú thường xuyên phải chú trọng làm tốt “3 thật”: Huấn luyện thật sát thực tế; thực hành thật chắc chắn; kiểm tra thật kỹ lưỡng. Để đạt được “3 thật”, chỉ có một cách duy nhất là cán bộ, chiến sĩ phải “đội nắng thắng mưa” huấn luyện công phu, tỉ mỉ, bền bỉ, nhẫn nại trên bãi tập, tích cực truyền thụ kinh nghiệm của người đi trước với người đi sau, tăng cường kèm cặp giữa chiến sĩ cũ với chiến sĩ mới và bảo đảm thống nhất, hiệp đồng chặt chẽ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Trao đổi với Đại tá Tô Quang Hanh, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 316, chúng tôi được biết, chỉ tính 6 tháng đầu năm 2019, Đội rà phá vật cản Sư đoàn 316 đã tiến hành dò gỡ, hủy gần 2.000 quả đạn cối, pháo, mìn bộ binh, lựu đạn và đạn M79… trả lại hàng chục héc-ta đất canh tác an toàn cho nhân dân các địa phương biên giới thuộc hai tỉnh Hà Giang và Lào Cai.

Tập kết mìn và vật nổ thu được sau một ngày làm việc.

Ông Sùng Seo Sài ánh mắt vui tươi cho biết: “Bộ đội Quân khu 2 về rà phá bom, mìn, bà con tin tưởng, vui mừng lắm. Thời gian trước, chính quyền địa phương đã nhiều lần khảo sát để xây dựng công trình nước sạch cho người dân, nhưng do nơi đây có nhiều mìn và các loại vật liệu nổ nên chưa thể triển khai. Rà phá hết bom, mìn thì vùng đất bỏ hoang trước kia sẽ được thay bằng những ruộng lúa, bãi ngô… Công trình nước sạch cũng sẽ được xã đầu tư. Cuộc sống của người dân trong bản chắc chắn được cải thiện”.

Lặng thầm với công việc trả lại bình yên và màu xanh cho đất, những người lính công binh các đơn vị thuộc Quân khu 2 đã và đang làm hồi sinh sự sống trên những dải đất biên cương Tây Bắc. Mồ hôi, nước mắt và xương máu của các anh đã góp phần để nhân dân dựng xây cuộc sống no ấm, bám đất, bám rừng, bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc.

Bài, ảnh: VŨ THƯ – VĂN HIỆP

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.