Chủ nhật Ngày 12 Tháng 05 Năm 2024, 01:38:52

“Gian khổ mình từ chối… sẽ dành phần cho ai”

Ngày đăng: 09/11/2019

Bài 2: Đối mặt với hiểm nguy

Sau khi gỡ xong quả mìn, Binh nhất Liệu Văn Thành, Đội rà phá vật cản của Sư đoàn 316 ra vị trí an toàn nghỉ giải lao. Bỏ chiếc mũ bảo hiểm và trang bị ra khỏi người, tôi thấy mặt Thành đỏ như gấc, mái tóc bết đẫm mồ hôi. Qua những giây phút căng thẳng, mệt nhọc, nét mặt Thành rạng rỡ như vừa lập được “chiến công”.

– Cảm giác của Thành khi gỡ xong quả mìn thế nào? – Tôi hỏi.

– Tôi cảm thấy như trút được gánh nặng trăm cân. Mỗi lần bước vào khu đất nhiễm mìn là tôi đã cảm thấy căng thẳng. Gặp phải mìn hồi hộp, lo lắng hơn gấp bội. Nhưng khi gỡ xong quả mìn thì tôi thấy như vượt lên được chính mình, vượt lên nỗi sợ hãi. Triệt phá được mối nguy hiểm cho người dân. Một cảm giác tự hào, sung sướng lắm!

– Khi gỡ mìn, Thành có suy nghĩ gì?

– Tôi thấy một thoáng lành lạnh. Tôi nghĩ tới những nạn nhân bị cụt tay, cụt chân do mìn nổ. Quả mìn nằm trong đất đã lâu năm, do phong hóa của thời gian nên có nhiều thay đổi về chất, rất dễ nổ bởi tác động ngoại lực. Nhưng ý nghĩ đó chỉ xuất hiện thoáng qua, vì rất căng thẳng nên tai tôi ù đặc, tôi không nghe, để ý gì xung quanh. Tôi nhớ lại kiến thức, kỹ năng được cán bộ tiểu đội, trung đội hướng dẫn, bình tĩnh tháo ngòi nổ…

– Công việc rà phá bom, mìn thường xuyên phải đối mặt với “tử thần”, có khi nào Thành nghĩ rủi ro xảy ra?

– Có chứ! Nhưng đã là người lính thì nhiệm vụ nào cũng phải hoàn thành. Gian khổ mình từ chối… sẽ dành phần cho ai. Vả lại, so với thế hệ cha ông đã hy sinh biết bao xương máu cho Tổ quốc thì công việc của chúng tôi hiện tại có thấm tháp gì.

Chiến sĩ Đội rà phá vật cản Sư đoàn 316 tiến hành gỡ mìn sót lại sau chiến tranh.

Tú và Thảo tham gia công tác rà phá bom, mìn đã được gần chục năm nay. Theo đánh giá của hai sĩ quan này thì ở Lào Cai, Lai Châu… lượng bom, mìn sót lại trong lòng đất còn khá nhiều. Tuy nhiên, nơi nóng bỏng nhất là ở tỉnh Hà Giang. Năm 2011, khi lần đầu tiên đặt chân lên huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang rà phá bom, mìn, Thảo đã một lần “chết hụt”. Năm đó, lượng mìn sót lại ở một số nơi thuộc huyện Xín Mần nhiều không sao kể siết. Nhất là các đường giao thông hào, lô cốt, một bước cũng có thể giẫm phải mìn. Mìn bố trí tầng tầng, lớp lớp. Có những vị trí cảm giác như người ta khoác cả túi mìn, đạn dược rồi đổ xuống đất, gồm cả đạn cối 60, cối 82, mìn 652A, K58, PPM2, MD82B… Sợ nhất là mìn 652B có cấu tạo mà chỉ cần nghiêng mặt mìn là gây nổ, không có cơ hội để gỡ. Nhiều vị trí bom, mìn còn sót lại sâu dưới đất đến 1,5m. Có ngày một chiến sĩ kỷ lục gỡ được gần 200 quả bom, mìn các loại.

Trong một lần Thảo theo lối đi đã được làm sạch lên bãi mìn. Những người đi trước không xảy ra vấn đề gì nhưng đến khi Thảo bước vào, một tiếng nổ trầm đục vang lên dưới chân. Mặc dù ở thời điểm đó, tất cả cán bộ, chiến sĩ đều rất quen tiếng nổ vì ngày nào cũng có bom, mìn được đem đi tiêu hủy. Nhưng khi nghe tiếng mìn nổ dưới chân, Thảo và mọi người đều kinh hoàng. Thảo ngã vật ra đất… Sau vài giây trấn tĩnh, Thảo nhìn xuống chân không thấy có vết máu, không có dấu hiệu bị thương. Không tin vào mắt mình, Thảo quay xuống sờ nắn bàn chân. Thật là sự may mắn hy hữu. Quả mìn Thảo giẫm phải chỉ nổ kíp do chưa được liên kết với thân mìn. Thoát chết trong gang tấc, ngay hôm đó, Thảo xuống bản mua một con lợn mổ khao bộ đội.

Sau sự cố, phân tích, rút kinh nghiệm, nguyên nhân đã được làm rõ. Thì ra, dù lối đi đã được bộ đội dò tìm kỹ, nhưng quả mìn này lại bị rễ cây vầu mọc trùm kín nên dù bộ đội và chính Thảo đã dùng mũi dao cắt rễ, vạch đất mà cũng không phát hiện ra. Từ sau lần “hút chết” đó, Thảo đã rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu, đặc biệt là tính cẩn thận, tỉ mỉ. Chính vì vậy, năm 2018, tính cẩn thận, tỉ mỉ đã cứu Thảo và đơn vị không để xảy ra sự cố đáng tiếc một lần nữa. Chuyện là năm 2018, Thảo được giao nhiệm vụ chỉ huy đơn vị lên dò phá bom, mìn ở xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Lán trại của đơn vị xác định dựng cách trận địa phòng ngự cũ của ta 700m. Theo lực lượng trinh sát, khu vực dự định dựng lán trại trước đó người dân đã cải tạo đất canh tác nên tin tưởng là đất sạch. Tuy nhiên, bằng trực giác của mình, Thảo vẫn quyết định cho bộ đội dò mìn khu đất một lần nữa. Nhiều anh em trong đơn vị có ý kiến “cẩn thận như vậy hơi thừa”, nhưng sau một thời gian dò, bộ đội đã phát hiện được hai quả mìn vẫn còn sót lại, nằm sâu trong đất. Đến lúc đó, mọi người mới khâm phục những kinh nghiệm của Thảo, nâng cao cảnh giác trong toàn đơn vị.

Quan sát quá trình rà phá bom, mìn, chúng tôi thấu hiểu hơn hiểm nguy trong từng động tác dò gỡ. Bởi bom, mìn, vật liệu nổ nhiều chủng loại vùi lấp lâu năm trong đất, qua tác động của môi trường và vật chất xung quanh luôn trong trạng thái sẵn sàng nổ. Hơn nữa bom, mìn, vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh nằm không theo quy luật nào, địa vật có nhiều thay đổi, cây cối mọc um tùm bao phủ, vì thế việc lần mò, dò gỡ từng quả mìn là nhiệm vụ hết sức khó khăn. Người lính công binh luôn trong trạng thái bị nguy hiểm rình rập. Dẫu vậy, ai cũng hiểu rằng, việc dò phá bom, mìn là việc làm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, không những góp phần mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế địa phương.

Bài, ảnh: VŨ THƯ – VĂN HIỆP

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.