Thứ ba Ngày 30 Tháng 04 Năm 2024, 03:02:26

Đột phá đổi mới giáo dục chính trị ở Sư đoàn “Quả đấm thép”

Ngày đăng: 08/01/2024

QK2 – Công tác giáo dục chính trị ngày càng khẳng định vai trò, tầm quan trọng. Chính vì vậy, các cơ quan, đơn vị Sư đoàn 316 thường xuyên đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ hình thức, phương pháp giáo dục chính trị. Quá trình đổi mới bảo đảm khoa học, linh hoạt, dễ vận dụng, sát thực tiễn, phù hợp với đối tượng, đặc thù, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị.

Bài 3: Tích cực đổi mới phương pháp

Có thể khẳng định, hiệu quả công tác giáo dục chính trị tại Sư đoàn 316 đã trực tiếp nâng cao nhận thức, trách nhiệm, xây dựng bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm, củng cố niềm tin cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, góp phần tích cực vào việc xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, “Mẫu mực, tiêu biểu”. Kết quả vững chắc đó khẳng định tính đúng đắn, khoa học, sáng tạo của quá trình đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục chính trị của đơn vị.

Trao đổi với Đại tá Nguyễn Trung Đắc, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Sư đoàn 316, chúng tôi được biết: Để nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, cùng với việc “mềm hóa” nội dung, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn yêu cầu các đơn vị phải tích cực, thường xuyên đổi mới cách thức, phương pháp tiến hành. Với phương châm “thực hiện phương pháp giáo dục tổng hợp, áp dụng linh hoạt mọi hình thức, phương tiện dạy và học theo hướng giáo dục “mở” có tổ chức”, công tác giáo dục chính trị được các cơ quan, đơn vị chủ động gắn giáo dục cơ bản với giáo dục thường xuyên, giáo dục theo nhiệm vụ; kết hợp giữa phương pháp truyền thống với hiện đại; gắn giáo dục chung với giáo dục riêng theo đối tượng; giáo dục thông qua các hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, diễn tập, hội thi, hội thao, xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật, làm công tác dân vận, các phong trào thi đua, cuộc vận động; giáo dục thông qua các hoạt động thực tiễn, như: Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu; hành quân về nguồn, tham quan khu di tích lịch sử; giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; diễn đàn, tọa đàm, nói chuyện truyền thống; sinh hoạt ngày chính trị văn hóa tinh thần, ngày pháp luật; thông tin thời sự, thông báo chính trị… Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức chính trị cho bộ đội và chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị tại đơn vị. 

Trung đoàn 148 (Sư đoàn 316) chú trọng giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ.

Với đặc điểm quân số của đơn vị đông; đóng quân phân tán; đối tượng huấn luyện đa dạng; hạ sĩ quan, binh sĩ là con em đồng bào dân tộc ít người chiếm tỷ lệ cao (trên 60%), nhận thức không đồng đều… Vì vậy, để tạo tâm lý thích thú, hứng khởi học tập chính trị cho cán bộ, chiến sĩ, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục chính trị thì việc đa dạng hóa các hình thức, phương pháp giảng dạy chính trị có vai trò hết sức quan trọng. Sư đoàn đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt các bước trong chuẩn bị bài giảng, trong đó chú trọng nghiên cứu nắm chắc đối tượng, xác định rõ nội dung và phương pháp lên lớp phù hợp. Đặc biệt, quá trình giảng dạy chính trị nói chung hoặc trong từng bài giảng nói riêng, cán bộ giảng dạy đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thụ kiến thức với trao đổi kinh nghiệm thực tiễn; vận dụng linh hoạt giữa thuyết trình, phân tích, kết hợp với trình chiếu, lấy ví dụ, dẫn chứng minh họa bằng hình ảnh trực quan sinh động, xem băng đĩa hình, phim bổ trợ theo các chủ đề bài học. Sau khi lên lớp, tổ chức thảo luận, ôn tập theo đầu mối cơ quan, đơn vị; kết thúc buổi học, tập trung lớp học thống nhất nội dung, giải đáp thắc mắc, định hướng tư tưởng và hành động…, từ đó gúp bộ đội dễ tiếp thu bài giảng, dễ hiểu, dễ nhớ, nắm được nội dung cơ bản. Bên cạnh đó, Sư đoàn bước đầu triển khai hình thức học tập qua khai thác thông tin trên các trang mạng chính thống phục vụ quá trình học tập, công tác.

Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh, khí hậu thời tiết diễn biến phức tạp, Sư đoàn đã chỉ đạo, điều hành công tác giáo dục chính trị, nhất là công tác giảng dạy chính trị một cách linh hoạt, phù hợp với đặc điểm tình hình, thực hiện chia nhỏ, luôn phiên, bảo đảm chất lượng, hiệu quả… Mặt khác, để nâng cao chất lượng giảng dạy chính trị, hàng năm, Sư đoàn coi trọng tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cán bộ theo phân cấp, với phương châm: Cơ quan bồi dưỡng cho đơn vị, cấp trên bồi dưỡng cho cấp dưới, yếu khâu nào bồi dưỡng khâu đó. Chú trọng bồi dưỡng về phương pháp sư phạm, quy trình chuẩn bị tài liệu, biên soạn giáo án; tổ chức thông qua bài giảng, giảng thử. Định kỳ tổ chức hội thi cán bộ giảng dạy chính trị để đánh giá kết quả công tác giảng dạy chính trị một cách chặt chẽ, chính xác.

Các cơ quan, đơn vị Sư đoàn 316 thường xuyên lồng ghép nội dung giáo dục chính trị trong các hoạt động                                     của đơn vị.

Bên cạnh đó, Sư đoàn triển khai đồng bộ nhiều cách làm sáng tạo để nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tại đơn vị. Thượng tá Phạm Hồng Dự, Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 316 chia sẻ: Để đánh giá thực chất hiệu quả công tác giáo dục chính trị, việc kiểm tra nhận thức chính trị đã được các cơ quan, đơn vị đổi mới, chú trọng kết hợp nhiều hình thức, như: Kiểm tra chung với kiểm tra riêng; kiểm tra định kỳ, theo kế hoạc với kiểm tra đột xuất; kiểm tra thông qua viết thu hoạch, kiểm tra viết, vấn đáp, trắc nghiệm… Cùng với đó, các đơn vị duy trì nghiêm nền nếp công tác thi đua, khen thưởng, sơ, tổng kết rút kinh nghiệm, kịp thời phát hiện, tháo gỡ vướng mắc, tập trung giải quyết khâu yếu, mặt yếu. Tổ chức phát động phong trào hiến kế các mô hình hay, cách làm sáng tạo trong công tác giáo dục chính trị, giáo dục pháp luật, quản lý kỷ luật (hiện nay, Sư đoàn đang duy trì hiệu quả các mô hình: “Mỗi tuần một câu chuyện về Bác Hồ và ghi nhớ một lời dạy của Bác”; “5 phút lắng đọng”; “Ba cùng, hai trước, hai sau”; “Ba đồng hành, một mục tiêu”, “Hồ sơ thông tin chiến sĩ”, “Hồ sơ quản lý chính trị nội bộ giành cho sĩ quan, QNCN”, “Mỗi tuần một điều luật”, “Mỗi tuần học tập một phương pháp xử lý một tình huống tư tưởng”, “Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý quân nhân”…). Thường xuyên phợp với chính quyền, đoàn thể địa phương và gia đình cán bộ, chiến sĩ nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của từng quân nhân để có biện pháp giáo dục phù hợp, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa cán bộ với chiến sĩ và gia đình chiến sĩ, cũng như giữa đơn vị với cấp ủy, chính quyền địa phương.

Với cách làm sáng tạo, hiệu quả, nhiều năm qua, công tác giáo dục chính trị tại Sư đoàn 316 được triển khai thực hiện đồng bộ, đi vào nền nếp và có chiều sâu. Đó là nền tảng vững chắc để xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, tư tưởng, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Bài, ảnh: VŨ THƯ – HOÀNG OANH

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.