Thứ bảy Ngày 27 Tháng 04 Năm 2024, 06:42:26

Công đoàn đồng hành với Chính phủ

Ngày đăng: 25/09/2018

Trong phiên làm việc chiều 24-9, Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, nhiệm kỳ 2018-2023 đã thảo luận với chủ đề “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì buổi thảo luận. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trương Thị Mai, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Vương Đình Huệ, Phó thủ tướng Chính phủ. Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Vũ Đức Đam, Phó thủ tướng Chính phủ; Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và Thành phố Hà Nội.

Cởi mở và thân thiện

Giờ nghỉ giải lao của Đại hội trong phiên làm việc buổi sáng 24-9, chúng tôi có cuộc trao đổi với các đại biểu về mục tiêu các tổ chức công đoàn cần hướng tới trong thời gian tới. Nhiều đại biểu mong muốn đại hội nắm chắc, hiểu rõ những khó khăn, thách thức của đất nước, của tổ chức công đoàn, để kịp thời tham mưu, có được những giải pháp cụ thể chỉ đạo, giúp đỡ tổ chức công đoàn đồng hành cùng người lao động (NLĐ) vượt qua. Mong muốn của các đại biểu được làm rõ hơn khi đại biểu Trần Quang Huy, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Công thương Việt Nam trả lời khá đầy đủ, khúc triết câu hỏi đầu tiên mà Thủ tướng Chính phủ nêu ra: Các đồng chí hãy nói về thời cơ và thách thức đối với nước ta và NLĐ trong những năm tới.

Thủ tướng Chính phủ chủ trì thảo luận.

Đại biểu Trần Quang Huy nói rõ: Những năm tới, tình hình thế giới sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn. Dự báo kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi và tăng trưởng. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động sâu sắc đến sản xuất, đời sống, việc làm của NLĐ. Các quốc gia tham gia ngày càng sâu rộng vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Cùng với kinh tế, thương mại, thị trường, công nghệ, cạnh tranh về nguồn nhân lực chất lượng cao diễn ra gay gắt giữa các nước. Đất nước đang tích cực tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Lực lượng lao động dịch chuyển nhiều hơn, yêu cầu việc làm bền vững từng bước thay cho việc làm ổn định, doanh nghiệp nhà nước giảm, doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước phát triển đa dạng, tăng đơn vị sự nghiệp tự chủ, lao động khu vực phi chính thức tăng, đòi hỏi mô hình tổ chức và nhiệm vụ của các cấp công đoàn cần được chủ động điều chỉnh linh hoạt.

Tại phiên thảo luận, với tinh thần tiếp thu ý kiến từ NLĐ, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đại biểu nhận xét, đánh giá về: Công tác điều hành của Chính phủ trong thời gian qua; kết quả thực hiện Chương trình phối hợp giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam, việc ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ vào sản xuất và công tác; năng suất lao động, đổi mới và nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp ở nước ta… Các vấn đề Thủ tướng nêu được các đại biểu: Nguyễn Khoa Hoài Hương, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên – Huế; Trần Qúy Dân, Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty May 10, Công đoàn Dệt may Việt Nam…trả lời cụ thể, rõ ràng.

Sau khi nói về những thách thức, khó khăn của đất nước, Thủ tướng thông báo với các đại biểu về kết quả thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011- 2020 và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Những năm qua, Chính phủ đã tập trung đổi mới mạnh mẽ với mục tiêu xây dựng Chính phủ với tư duy và cách thức điều hành mới, đó là Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân. Chính phủ đã kiên trì phương châm đổi mới, tranh thủ thuận lợi, vượt mọi khó khăn dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, sự giám sát của Quốc hội, sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân cả nước, đã chỉ đạo, điều hành đất nước đạt nhiều thành quả đáng trân trọng. Xu hướng phát triển kinh tế đất nước và tinh thần khởi sự của các doanh nghiệp là tích cực. Quản lý xã hội có chuyển biến tốt, an sinh xã hội được chăm lo và đạt nhiều kết quả. Tỷ lệ đói nghèo giảm nhanh, đời sống người dân, trong đó có công nhân lao động tiếp tục được nâng cao. Việc làm được quan tâm giải quyết, nhiều năm vượt kế hoạch đề ra; tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng giảm, chất lượng việc làm được nâng lên, tỷ lệ người lao động qua đào tạo tăng đáng kể. Chương trình phối hợp giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam được triển khai thực hiện hiệu quả, thực chất, góp phần chăm lo tốt hơn cho NLĐ.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao Công đoàn Việt Nam đã có nhiều đổi mới trong tổ chức và hoạt động trước bối cảnh tình hình mới, mang lại lợi ích thiết thực và bảo vệ quyền lợi NLĐ; tích cực xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động giáo dục, giác ngộ, tham gia xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh, góp phần vào những thành tựu chung của đất nước. Thủ trướng trân trọng cám ơn và nhiệt liệt biểu dương những đóng góp to lớn của tổ chức Công đoàn Việt Nam và công nhân viên chức lao động cả nước đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong suốt quá trình phát triển và nhiệm kỳ qua.

Trách nhiệm với người lao động

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Thắng, Công đoàn Khu Công nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai chia sẻ với Thủ tướng: Những năm qua, Đảng và Chính phủ đã rất quan tâm, chăm lo vấn đề nhà đối với người có công và nửa triệu nhà ở cho người nghèo, đến nay cơ bản hoàn thành. Riêng vấn đề nhà ở và các thiết chế công đoàn dành cho công nhân dù đã được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm và chỉ đạo rất quyết liệt, nhưng nhiều địa phương, nhất là ở các thành phố lớn, vẫn chưa thể bố trí được đất để Tổng LĐLĐ Việt Nam xây dựng các thiết chế Công đoàn. Đại biểu Nguyễn Văn Thắng mong muốn, thời gian tới Chính phủ sẽ có những giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề này.

Đại biểu Phạm Quân Ca, Công nhân Công ty Trách nhiệm Hữu hạn sản xuất phanh Nissin Việt Nam, LĐLĐ tỉnh Vĩnh Phúc, đề nghị Chính phủ có giải pháp để ngăn chặn tình trạng thông tin không chính xác, bịa đặt và những lời kêu gọi trái pháp luật đối với công nhân để công nhân yên tâm làm việc, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước và chế độ. Đại biểu Cao Thị Thắm, Chủ tịch CĐCS, LĐLĐ tỉnh Quảng Nam mong muốn Chính phủ sẽ có định hướng chính sách và ứng dụng công nghệ để giúp NLĐ thích ứng với nền kinh tế có sức cạnh tranh cao, có tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Chính phủ cần có định hướng và giải pháp trong việc phân phối thành quả phát triển kinh tế cho NLĐ, tạo động lực để NLĐ nỗ lực, cống hiến.

Sau khi mới các thành viên Chính phủ trả lời rõ các câu hỏi của đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đã tự nhận một phần trách nhiệm của mình trong những vấn đề mà các đại biểu quan tâm và xin chia sẻ với những khó khăn của một bộ phận công nhân, viên chức, NLĐ. Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Chính phủ đã, đang và sẽ nỗ lực hết sức mình để góp phần giảm thiểu khó khăn, mang lại cuộc sống ngày càng no đủ, sung túc cho người dân, trong đó có anh chị em công nhân, viên chức, NLĐ. Thông qua buổi thảo luận, Thủ tướng Chính phủ mong muốn, công nhân, viên chức, NLĐ cả nước mỗi người một tay, góp sức chung tạo thành sức mạnh cả dân tộc tham gia nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước. Mỗi người phải thường xuyên học tập để thích nghi với bối cảnh tình hình mới, với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, học để nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, tay nghề, để hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp. Mỗi ĐVCĐ và NLĐ phải đổi mới tư duy, nhận thức về tinh thần phụng sự, khát vọng cống hiến, lòng tự trọng, sự liêm chính và trung thực, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội. Tất cả NLĐ Việt Nam dù khu vực công hay tư đều phải nâng cao ý thức kỷ luật lao động, trang bị kiến thức pháp lý, tuân thủ giờ giấc, xây dựng tác phong lao động công nghiệp, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí; phải biết trân trọng và tự hào về kết quả công việc hay sản phẩm mà mình góp phần tạo nên. Cần coi trọng phương thức làm việc theo nhóm và xây dựng tập thể đoàn kết, gắn bó với cơ quan, doanh nghiệp, nỗ lực không ngừng vì lợi ích chung. Phải luôn đổi mới, sáng tạo, tích cực ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, công tác; nghiêm khắc đấu tranh với căn bệnh bảo thủ, trì trệ, quan liêu, sách nhiễu, vô cảm, vô trách nhiệm trong chính bản thân và đồng nghiệp của mình.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị Công đoàn Việt Nam tiếp tục đổi mới tổ chức và có bước đột phá trong nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn. Cần quan tâm đầu tư xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động ứng phó với tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, về nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động, về công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật và nghề nghiệp cho đoàn viên, người lao động, về xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đáp ứng yêu cầu mới… Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành cùng chính quyền các cấp tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với Công đoàn Việt Nam, hỗ trợ công đoàn trong tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ, nhất là việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, vấn đề quản lý nhà nước của ngành và địa phương, hỗ trợ đất đai, tài chính xây dựng các thiết chế công đoàn…Đề nghị Đại hội nghiên cứu, thảo luận đưa chủ đề “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước” thành một chương trình hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong nhiệm kỳ tới.

(Theo QĐND Online)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.