Thứ hai Ngày 29 Tháng 04 Năm 2024, 05:58:47

Chính sách đối ngoại quốc phòng “4 không” của Việt Nam

Ngày đăng: 01/09/2023

QK2 – Cách đây 10 năm, năm 2013, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Nghị quyết 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế. Đây là văn bản có ý nghĩa định hướng chiến lược, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong tư duy hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta; thống nhất nhận thức và hành động trong giai đoạn nước ta bắt đầu chuyển mạnh từ "hội nhập kinh tế quốc tế" sang "chủ động, tích cực hội nhập quốc tế" toàn diện, sâu rộng và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, quốc phòng, an ninh đến văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo… 

Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu động viên, giao nhiệm vụ lực lượng tham gia Đội Công binh số 2, gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Tại Khoản 1 Điều 14 Luật Quốc phòng 2018 có quy định về mục đích của việc đối ngoại quốc phòng: “Đối ngoại quốc phòng có mục đích là để thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”. 
Theo đó, đối ngoại quốc phòng có các nhiệm vụ chủ yếu là: Thiết lập, phát triển quan hệ quốc phòng với các quốc gia có chủ quyền và các tổ chức quốc tế; xây dựng, mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác quốc tế; thực hiện đối thoại về quốc phòng; xây dựng, củng cố lòng tin, sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, tình đoàn kết giữa Quân đội nhân dân Việt Nam với quân đội các nước trên thế giới; tham gia xây dựng và thực thi các cơ chế hợp tác quốc phòng song phương, đa phương, khu vực, liên khu vực và toàn cầu vì mục tiêu hòa bình, ổn định và phát triển; thông tin đối ngoại về quốc phòng…
Nghị Quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định những nguyên tắc nền tảng của công tác đối ngoại thời kỳ đổi mới là: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.  
Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019 chỉ rõ chính sách quốc phòng “4 không”, đó là: Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. 
Các hoạt động đối ngoại quốc phòng của Việt Nam nói chung, của Quân đội, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, trong đó có Quân khu 2 từ lâu nay luôn nhất quán quan điểm và dựa vào các nguyên tắc này để triển khai thực hiện.
Hội nghị sơ kết công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng 6 tháng đầu năm 2023 đã đánh giá, đối ngoại quốc phòng tiếp tục trở thành một trong những trụ cột quan trọng của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ Đảng, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, tăng cường tiềm lực quốc phòng của đất nước, trong đó, hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với các nước được củng cố, thúc đẩy, đạt hiệu quả thực chất, chú trọng vào các lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu và khả năng, như: Trao đổi đoàn các cấp; duy trì các cơ chế đối thoại, tham vấn; đào tạo; công nghiệp quốc phòng; hợp tác quân binh chủng; khắc phục hậu quả chiến tranh; quân y; gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Hoạt động đối ngoại biên phòng tiếp tục là điểm sáng, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị và tin cậy với các nước láng giềng, bảo vệ vững chắc vành đai an ninh của Tổ quốc. Hiện nay, Việt Nam đang tích cực phối hợp với các nước có biên giới liền kề để làm tốt công tác chuẩn bị tổ chức Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam – Trung Quốc lần thứ 8 và Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam – Lào – Campuchia cấp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng lần thứ nhất.
Cùng với đó, đối ngoại quốc phòng đa phương tiếp tục được chú trọng. Tại các hội nghị, diễn đàn quân sự – quốc phòng đa phương ở khu vực và quốc tế, Việt Nam đã đưa ra những đóng góp có giá trị, góp phần thúc đẩy các sáng kiến nhằm duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực, được các nước ghi nhận và đánh giá cao. Hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc được triển khai hiệu quả, nổi bật là tổ chức huấn luyện và Lễ xuất quân Đội Công binh số 2 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 5 đi làm nhiệm vụ tại các Phái bộ…
Thực tế cũng chứng minh, đối ngoại quốc phòng đã góp phần to lớn vào thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ xa, ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh và xung đột. Thông qua đẩy mạnh, mở rộng quan hệ về quân sự, quốc phòng, chúng ta có thêm điều kiện để giữ vững an ninh trên bộ, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo và tăng cường tiềm lực quốc phòng để nâng cao khả năng bảo vệ đất nước, cùng các quốc gia và đối tác quốc tế giải quyết các thách thức an ninh chung đang đặt ra cho toàn thế giới hiện nay.
ĐỨC ĐÀO

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.