Chìa khóa mở thành công
QK2 – Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, đã khẳng định: “Phê bình là cốt giúp nhau sửa chữa khuyết điểm…; là quyền lợi và nhiệm vụ của mọi người, là thực hành dân chủ”. Chính vì vậy, Người chỉ rõ: “Một tấm gương sống còn hơn cả một trăm bài diễn văn tuyên truyền” và yêu cầu: “Cán bộ cao cấp phải xung phong gương mẫu trong tự phê bình và phê bình”. Khắc ghi lời Bác dạy, cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp trong Đảng bộ Quân khu 2 đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong công tác tự phê bình và phê bình “tự soi, tự sửa”, tạo sức lan tỏa sâu rộng, trong đó phát huy vai trò nêu gương của người cán bộ, đảng viên.
Kỳ 2 – Nêu gương “tự soi, tự sửa”
Thời gian qua, công tác tự phê bình và phê bình nói chung, nêu gương “tự soi, tự sửa” nói riêng đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, tư tưởng, hành động của mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng; đã và đang lan tỏa đến các tổ chức, lực lượng trong từng cơ quan, đơn vị thuộc Quân khu 2 và được duy trì và mở rộng, góp phần thực hiện có hiệu quả nhiều phần việc khó, việc mới, triệt để khắc phục khâu yếu, mặt yếu. Với hiệu quả thiết thực, nêu gương “tự soi, tự sửa” được cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phổ biến, nhân rộng.
Theo đó, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, cán bộ đảng viên trong Đảng bộ Quân khu thường xuyên gương mẫu quán triệt, chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, quy chế lãnh đạo các mặt công tác trọng yếu; nêu gương chấp hành nền nếp, chế độ sinh hoạt Đảng; gương mẫu làm trước, thực hiện đúng chức năng, quyền hạn trong lãnh đạo thực hiện mọi nhiệm vụ, mọi lĩnh vực hoạt động; nội bộ đồng thuận, đoàn kết, thống nhất cao. Lãnh đạo thực hiện nghiêm kế hoạch kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, cấp uỷ viên là cán bộ chủ trì về thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng đảng, kịp thời chấn chỉnh khắc phục những hạn chế, khuyết điểm; kịp thời giáo dục, ngăn ngừa những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, không để tổ chức đảng, đảng viên vi phạm kỷ luật.
Cụ thể hóa đường lối, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định của các cấp vào quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, Đảng bộ Sư đoàn 316 (Quân khu 2) đã và đang thực hiện đồng bộ, hiệu quả trên tinh thần đổi mới, sáng tạo gắn với thực hiện nêu gương “tự soi, tự sửa” của tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp và cán bộ, đảng viên. Đại tá Đỗ Duy Chinh, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Sư đoàn 316 (Quân khu 2) chia sẻ: Tập thể Ban Thường vụ Đảng ủy và chỉ huy Sư đoàn, cấp ủy, chỉ huy các cấp giữ vững nguyên tắc lãnh đạo, luôn đoàn kết, thống nhất thực hiện nghiêm quy chế làm việc, quy chế lãnh đạo các mặt trọng yếu, các quy định và quy trình xử lý, giải quyết công việc; phát huy tốt trí tuệ tập thể của Ban Thường vụ Đảng ủy trong thảo luận, quyết định các chủ trương, biện pháp lãnh đạo. Tổ chức phân công giao nhiệm vụ cụ thể, quy rõ trách nhiệm cá nhân đối với khuyết điểm, hạn chế của cơ quan, đơn vị và lĩnh vực phân công phụ trách. Ban Thường vụ và từng đồng chí ủy viên gương mẫu trong thực hiện các nhiệm vụ, thường xuyên kiểm điểm tự phê bình và phê bình; hằng tháng đều tiến hành kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ theo chức trách và nhiệm vụ được phân công phụ trách, nhất là đối với các khuyết điểm hạn chế.
Thực hiện các quy định về trách nhiệm nêu gương, tinh thần nêu gương “tự soi, tự sửa”, hiện nay trong toàn Đảng bộ Sư đoàn không chỉ dừng lại ở các hội nghị, sinh hoạt chuyên đề kiểm điểm tự phê bình và phê bình mà tinh thần ấy đã trở thành việc làm thường xuyên và đối tượng không chỉ là cán bộ chủ trì, cấp ủy viên các cấp mà của từng cán bộ, đảng viên. Nêu gương “tự soi, tự sửa”, từng cán bộ chủ trì và từng đảng viên trên cơ sở chức trách được giao và mức độ hoàn thành nhiệm vụ để kiểm điểm, thẳng thắn, cầu thị, không che giấu khuyết điểm, đánh giá làm rõ những khuyết điểm, yếu kém, gắn trách nhiệm cá nhân đối với lĩnh vực được phân công phụ trách và kết quả khắc phục hạn chế, khuyết điểm của bản thân; tự nhận mức độ hoàn thành nhiệm vụ và xác định phương hướng, thời gian, biện pháp “tự sửa”. Trên cơ sở đó, cấp ủy, tổ chức đảng có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đánh giá, nhận xét cụ thể về kết quả khắc phục sửa chữa khuyết điểm của từng cán bộ, đảng viên.
Đặc biệt, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, cán bộ đảng viên trong Đảng bộ Quân khu luôn phát huy tốt trách nhiệm cá nhân, nêu gương, tự giác tự phê bình và phê bình, “tự soi, tự sửa”, nói đi đôi với làm, cách làm sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, phát huy trách nhiệm, trí tuệ tập thể; thường xuyên gương mẫu, điều chỉnh hành vi, phương pháp, tác phong công tác phù hợp; bám sát cơ sở, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt; chủ động kiểm tra nắm tình hình, kịp thời phát hiện, tham mưu đề xuất và chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết những vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ. Phát huy tốt vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ chủ trì trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gương mẫu về đạo đức, lối sống; tư duy, phong cách, phương pháp làm việc. Chủ động phát hiện, ngăn ngừa, đấu tranh có hiệu quả, không để cán bộ, đảng viên nói, viết, làm trái với quan điểm, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước, quy định của Quân đội; những biểu hiện chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, xa rời bộ đội, gia trưởng, lối sống thực dụng, cơ hội, vụ lợi thiếu trách nhiệm trong công tác.
Đẩy mạnh tự phê bình và phê bình “tự soi, tự sửa” đã và đang trở thành yêu cầu cấp thiết. Quá trình thực hiện ở Đảng ủy Lữ đoàn 297 (Quân khu 2) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng thông qua những cách làm sáng tạo, hiệu quả. Đại tá Bùi Văn Thủy, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn 297 chia sẻ: Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong toàn Đảng bộ Lữ đoàn 297 phát huy tốt vai trò nêu gương trong kiểm điểm tự phê bình và phê bình “tự soi, tự sửa”. Việc nêu gương được thực hiện tốt theo phương châm “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau”; cấp ủy viên nêu gương trước đảng viên; đảng viên nêu gương trước quần chúng. Để thực sự nêu gương tự phê bình và phê bình, từng tổ chức cũng như mỗi cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu tự giác, trung thực, tự phê bình nghiêm túc, khách quan có lý có tình, mang tính xây dựng. Bí thư, phó bí thư, cấp ủy viên công minh, không để công tư lẫn lộn, không dung túng, bao che; phải tạo được chỗ dựa tin cậy, khơi dậy được không khí dân chủ, thẳng thắn; không để tình trạng mất đoàn kết trong nội bộ. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp thường xuyên quán triệt và thực hiện nghiêm nguyên tắc, quy trình, nội dung, phương pháp kiểm điểm tự phê bình và phê bình “tự soi, tự sửa”; kiên quyết chống mọi biểu hiện, hành vi thiếu gương mẫu trong lời nói, việc làm, “nói nhiều, làm ít”, “nói mà không làm”, “nói một đằng, làm một nẻo”, “nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác”.
Trong sinh hoạt, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp luôn luôn phát huy tính tích cực, chủ động, gương mẫu tự phê bình và phê bình “tự soi, tự sửa” của cán bộ, đảng viên trên tinh thần động cơ trong sáng, thái độ chân thành, đánh giá đúng sự thật, không nể nang, né tránh, bao che khuyết điểm. Sau phê bình phải có biện pháp cụ thể, sát thực để khắc phục, sửa chữa khuyết điểm. Trên cơ sở đó, cấp ủy, tổ chức đảng có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đánh giá, nhận xét cụ thể về kết quả khắc phục sửa chữa khuyết điểm của từng cán bộ, đảng viên.
Thượng tá Đinh Quang Hải, Phó Chính ủy Đoàn KT-QP 356 (Quân khu 2) bộc bạch: Nêu gương tự phê bình và phê bình “tự soi, tự sửa”, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện nghiêm túc chế độ, nền nếp sinh hoạt Đảng; chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; thực hiện nghiêm quy chế làm việc; quy chế lãnh đạo các mặt công tác trọng yếu. Mọi chủ trương, biện pháp lãnh đạo đều được tập thể cấp uỷ thảo luận, quyết định theo đa số và được cụ thể hoá bằng các nghị quyết, kết luận, kế hoạch, chương trình hành động để tổ chức thực hiện; phân công giao nhiệm vụ cho cá nhân cấp ng ủy viên phụ trách; nêu cao tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình khách quan, trung thực, cầu tiến bộ; chấp hành nghiêm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội và Quy định những điều đảng viên không được làm; tích cực đấu tranh chống các biểu hiện gia trưởng, tiêu cực, cục bộ, bè phái, mất đoàn kết…
Bên cạnh đó, tổ chức đảng các cấp thường xuyên sơ, tổng kết việc tổ chức kiểm điểm tự phê bình và phê bình “tự soi, tự sửa”; qua đó đánh giá ưu, khuyết điểm, rút ra bài học kinh nghiệm. Trong quá trình sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm luôn khách quan, dám nhìn thẳng vào sự thật, khẳng định những việc đã thực hiện được, chỉ ra những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm để có biện pháp khắc phục tháo gỡ. Đồng thời, coi trọng tuyên truyền, biểu dương, phổ biến, nhân rộng gương người tốt, việc tốt, cách làm hay, sáng tạo trong công tác tự phê bình và phê bình “tự soi, tự sửa”; kịp thời phát hiện, phê phán các hành vi sai trái, nhận thức lệch lạc của cán bộ, đảng viên; kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện, hành vi tiêu cực, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ hoặc lợi dụng tự phê bình và phê bình để công kích, nói xấu đồng chí, đồng đội.
Bài, ảnh: ĐÀO DÂNG TRIỀU