Chủ nhật Ngày 08 Tháng 09 Năm 2024, 06:38:21

Nhận diện thủ đoạn lợi dụng mạng xã hội để xuyên tạc, chống phá sự nghiệp giáo dục ở nước ta hiện nay

Ngày đăng: 26/12/2023

QK2 – Thực hiện công cuộc đổi mới, nước ta đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Đặc biệt, lợi dụng sự phát triển của khoa học, công nghệ và mạng xã hội, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ở trong nước và ở nước ngoài đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền, tán phát nhiều thông tin sai trái, xấu, độc trên mạng xã hội nhằm chống phá sự nghiệp giáo dục ở nước ta hiện nay.

Nghiên cứu sinh bảo vệ Luận án Tiến sĩ tại Học viện Chính trị.

Hiện nay, mạng xã hội bùng nổ với số lượng người tham gia ngày càng lớn. Đặc biệt là các trang mạng như: Facebook, Zalo, Twitter, Instagram… Với đặc tính không biên giới, không gian mạng có phạm vi ảnh hưởng toàn cầu, đã và đang tác động đến mỗi chúng ta. Số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, hiện nay, số người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam là gần 76 triệu người. Vì vậy, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng các công cụ này để đẩy mạnh các hoạt động chống phá. Chúng tích cực xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thổi phồng những hạn chế, yếu kém trong quản lý, những sơ hở, thiếu sót trong thực hiện chính sách, pháp luật. Lợi dụng internet, mạng xã hội để lan truyền các clip, tài liệu xuyên tạc, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và địa phương,… nhằm gây hoang mang, hoài nghi, suy giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước.

Đối với ngành giáo dục và đạo tạo, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, bồi bút thường xuyên sử dụng các chiêu trò “thổi phồng” một số hiện tượng tiêu cực, hạn chế trong ngành giáo dục, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào giáo dục nước nhà. Với mưu đồ xuyên tạc tình hình đất nước, chế độ, một số người có cái nhìn thiếu khách quan, toàn diện, nhất là họ lợi dụng những yếu kém, khuyết điểm của ngành giáo dục trong thời gian gần đây để xuyên tạc, phủ nhận thành tựu to lớn của nền giáo dục nước ta. Từ đó, đưa ra những luận điệu: “Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục dối trá từ trên xuống dưới”, “công cuộc cải cách giáo dục đã hoàn toàn thất bại”… Có những ý kiến chỉ trích giáo dục Việt Nam lạc hậu, không theo kịp thế giới… Lợi dụng một số khó khăn, bất cập, hạn chế của nền giáo dục, trên nhiều trang mạng xã hội của các cá nhân, tổ chức chống đối, thù hằn với Việt Nam đã chụp mũ, đổ lỗi cho chế độ, cho Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị và rêu giảng rằng “chính quyền không quan tâm đến giáo dục; “nền giáo dục Việt Nam đầy bất công, tiêu cực”…

Điều đáng lo ngại, một số kẻ cơ hội đã mượn các thông tin, sự kiện có thật đã xảy ra, được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng để lồng ghép, sửa chữa và thêm thắt các tình tiết ngụy tạo, bóp méo rồi tung lên mạng xã hội “đánh đồng” với thông tin chính thống để xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo sự thật. Thông qua sự tương tác, bình luận ý kiến người đọc, người xem trên mạng xã hội để hướng lái dư luận, thậm chí gây nhiễu loạn dư luận, tạo hoài nghi trong nhân dân.

Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, một số yếu kém trong Giáo dục và Đào tạo đã được một số đối tượng bất mãn, chống đối khai thác triệt để để chống phá, xuyên tạc. Họ cố chấp, chỉ nhìn thấy hạn chế, khuyết điểm mà không ghi nhận những thành quả to lớn của giáo dục đã đạt được. Từ một vài hạn chế, tiêu cực đơn lẻ, chúng quy chụp cho cả hệ thống chính trị và ngành giáo dục, từ một vài hiện tượng để quy kết thành bản chất. Có thể khẳng định, đây là những luận điệu sai trái nhằm xuyên tạc, phủ nhận thành tựu của nền giáo dục nước ta. Mục tiêu mà chúng hướng đến là thông qua mạng xã hội để tăng cường chống phá, phủ nhận thành tựu giáo dục dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; kích động tư tưởng bất mãn, chống đối với chính quyền; chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Nhận thức được vị trí, vai trò đặc biệt của Giáo dục và Đào tạo, Đảng, Nhà nước và toàn dân ta đã cùng nhau chăm lo, xây dựng một nền giáo dục đại chúng, nhân văn và phát triển. Nhìn lại lịch sử phát triển giáo dục ở nước ta, không ai có thể phủ nhận được thành tựu to lớn mà ngành Giáo dục đã đạt. Từ một quốc gia có 95% dân số mù chữ, trải qua gần 80 năm với nhiều nỗ lực, nền giáo dục Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất quan trọng.

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo; coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu. Trong từng thời kỳ cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nền giáo dục của Việt Nam có sự cải cách, đổi mới và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới.

Lịch sử đã chứng minh, quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, thực hiện khát vọng phát triển đất nước. Kế thừa tinh thần các kỳ đại hội trước, Đại hội XIII của Đảng rất quan tâm đến phát triển giáo dục và đào tạo.

Văn kiện Đại hội XIII tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của giáo dục và đào tạo, yêu cầu phải “Xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước”. Từ đó đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ phát triển giáo dục và đào tạo; chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý dạy và học trực tuyến, qua Internet, truyền hình, các hoạt động xã hội, ngoại khoá, nghiên cứu khoa học; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. “Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế”.

Hiện nay, chúng ta đang tích cực tiến hành một “cuộc cách mạng” về giáo dục với việc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), bảo đảm cho giáo dục Việt Nam phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Nghị quyết đã xác định: “Hoàn thiện cơ chế hợp tác song phương và đa phương, thực hiện các cam kết quốc tế về giáo dục, đào tạo… Mở rộng liên kết đào tạo với những cơ sở đào tạo nước ngoài có uy tín, chủ yếu trong giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp… Có cơ chế khuyến khích các tổ chức quốc tế quản lý, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ ở Việt Nam. Tăng cường giao lưu văn hóa và học thuật quốc tế”. 

Thực tế cho thấy, nước ta đã từng bước thể chế hóa các quan điểm, nội dung của Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới giáo dục thành chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cụ thể, trong hai năm 2018 và 2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (năm 2018) và Luật Giáo dục (năm 2019) do Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo đã được Quốc hội thông qua và từng bước đi vào cuộc sống, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động đổi mới giáo dục đại học. Các cơ sở giáo dục được trải rộng khắp các miền đất nước, tạo điều kiện nâng cao tính công bằng trong việc tiếp cận loại hình giáo dục của người dân. Hiện hệ thống giáo dục ở nước ta đã khá hoàn chỉnh từ bậc mầm non đến sau đại học; hầu hết các bản, làng, xã, phường đều có trường lớp tiểu học; trường trung học cơ sở được xây dựng ở các xã hoặc cụm liên xã; trường trung học phổ thông được xây ở các huyện, một số huyện có 2 ÷ 3 trường. Hệ thống giáo dục ở nước ta về cơ bản đã đáp ứng được như cầu học tập của nhân dân. Đến nay, hầu hết người dân trong độ tuổi đi học đều được đến trường.

Đặc biệt, nước ta đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non; duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Công tác tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục ngày càng thực chất, hiệu quả hơn. Chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn đều được nâng lên, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Tự chủ đại học được đẩy mạnh, chất lượng đào tạo đại học có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên có nhiều chuyển biến tích cực. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành giáo dục. Chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục, đào tạo. 

Những kết quả đã đạt được là minh chứng sinh động về thành tựu to lớn của nền giáo dục Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Mặc dù trong thời gian qua, với nhiều nguyên nhân khác nhau, nền giáo dục nước ta còn tồn tại một số hạn chế, bất cập, song không vì thế mà xuyên tạc, phủ định nền giáo dục Việt Nam.

VŨ VĂN LONG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.