Thứ ba Ngày 30 Tháng 04 Năm 2024, 09:06:24

Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch: Châu Á – Thái Bình Dương đủ rộng cho tất cả các nước cùng chung sống hoà bình

Ngày đăng: 28/04/2016

Sáng 27-4, tại Cung hội nghị ở khách sạn Radisson, thủ đô Mát-xcơ-va đã diễn ra lễ khai mạc Hội nghị an ninh quốc tế Mát-xcơ-va lần thứ 5. Tham dự Hội nghị có hơn 500 đại biểu đến từ hơn 80 quốc gia, đại diện của các viện nghiên cứu, lãnh đạo các tổ chức Quốc tế như: Liên hợp quốc, Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu OSCE, Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể CSTO, Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế ICRC …

Đoàn đại biểu Việt Nam do Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch dẫn đầu, tham dự hội nghị.

Tham dự và đọc bài phát biểu trong lễ khai mạc có Bộ trưởng Quốc phòng Xéc gây Sôi-gu, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Xéc- gây La-vrốp. Cũng tại lễ khai mạc, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Liên bang Nga Ni-cô-lai Pa-trút-sép đã đọc thư chúc mừng của Tổng thống V. Pu-tin gửi Hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch phát biểu tại hội nghị an ninh quốc tế Mát-xcơ-va lần thứ 5.

Phó tổng thư ký Liên hợp quốc Giép-phrây Phen-tơ-man đại diện cho Tổng thư ký Liên hợp quốc có bài phát biểu chào mừng hội nghị.

Hội nghị an ninh quốc tế Mát-xcơ-va lần thứ 5 diễn ra trong hai ngày 27 và 28-4 có bốn phiên họp toàn thể với các chủ đề: Chủ nghĩa khủng bố, mối đe dọa chính đối với an ninh toàn cầu; Những thách thức an ninh và khả năng hợp tác quân sự quốc tế tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương; An ninh toàn cầu và hợp tác quân sự; Vấn đề chiến tranh và hòa bình tại châu Âu: Hệ thống an ninh mới tại châu Âu.

Ngoài các phiên họp toàn thể còn có các phiên họp đồng thời. Đoàn Việt Nam tham dự tất cả các phiên họp của Hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch trên diễn đàn hội nghị.

Trưa 27-4, trong phiên họp toàn thể thứ 2 của hội nghị với chủ đề: Những thách thức an ninh và khả năng hợp tác quân sự quốc tế tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng CHXHCN Việt Nam Ngô Xuân Lịch có bài phát biểu quan trọng với tiêu đề: Chung tay xây dựng châu Á – Thái Bình Dương thành khu vực hòa bình, hợp tác và phát triển.

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cảm ơn Đại tướng Xéc-gây Sôi-gu đã mời Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam tham dự Hội nghị và có bài phát biểu, với mong muốn thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với hoà bình, an ninh và ổn định của thế giới, trong đó có châu Á – Thái Bình Dương.

Đoàn đại biểu quân sự Việt Nam tham dự hội nghị.

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho rằng, Hội nghị lần này có những chủ đề rất thiết thực, bàn những vấn đề đang diễn ra trên toàn thế giới, cho thấy sự phức tạp của tình hình, những thách thức to lớn cần phải vượt qua, đồng thời cũng thể hiện mong muốn của toàn nhân loại vì mục đích hoà bình, hợp tác và phát triển, vượt qua các thách thức an ninh để châu Á – Thái Bình Dương trở thành khu vực hoà bình, hợp tác và phát triển.

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhận định châu Á-Thái Bình Dương là khu vực đang phát triển năng động và đầy tiềm năng, là nơi có thể chia sẻ nhiều lợi ích giữa các nước trong khu vực với nhau và với các nước ngoài khu vực. Tuy nhiên, châu Á- Thái Bình Dương cũng đang phải đối mặt với những thách thức an ninh như nguy cơ xảy ra xung đột, vũ khí hạt nhân, tranh chấp lãnh thổ, biển đảo, và những hành động không tuân thủ chuẩn mực và luật pháp quốc tế…

Bên cạnh đó là thách thức an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu như chủ nghĩa khủng bố, an ninh mạng, dòng người di cư ồ ạt… đang có xu hướng ra tăng, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định khu vực. Không một quốc gia đơn lẻ nào có thể tự giải quyết được những thách thức này mà đòi hỏi phải có sự chung tay hợp tác của tất cả các nước, đăc biệt là các nước trong khu vực; phát huy vai trò của các cơ chế an ninh khu vực, trong đó ASEAN đóng vai trò trung tâm là điều hết sức quan trọng. Nếu các nước không hợp tác để cùng nhau giải quyết thì “Thái Bình Dương” không còn “Thái bình” theo đúng nghĩa của nó.

Hội nghị an ninh quốc tế Mát-xcơ-va lần thứ 5.

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho rằng, là một quốc gia trải qua nhiều cuộc chiến tranh, chịu nhiều đau thương mất mát để giành và giữ độc lập dân tộc, Việt Nam thấu hiểu được giá trị của hòa bình và luôn khát khao hòa bình. Chính vì thế, để duy trì hòa bình, ổn định cho đất nước và đóng góp cho việc duy trì hòa bình của khu vực và thế giới, trong quan hệ đối ngoại, Việt Nam luôn kiên định nguyên tắc bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc phù hợp với luật pháp quốc tế, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi; thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các quốc gia và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch khẳng định, chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ. Việt Nam không đi với nước này để chống nước khác; quan hệ với quốc gia này không làm phương hại đến lợi ích của quốc gia khác; giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế.

Trong bài phát biểu, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhắc lại yếu tố lịch sử nước Nga là quốc gia châu Á – Thái Bình Dương, và Liên Xô trước đây từng đóng vai trò quan trọng góp phần dập tắt lò lửa chiến tranh ở châu Á – Thái Bình Dương trong thời gian chiến tranh thế giới thứ hai, có nhiều đóng góp cho hoà bình ở châu Á – Thái Bình Dương.

Trong những năm gần đây, vai trò, ảnh hưởng và sức mạnh của châu Á – Thái Bình Dương đang ngày càng tăng lên, thu hút sự quan tâm của thế giới, trở thành nơi giao thoa lợi ích chiến lược giữa các cường quốc. Châu Á – Thái Bình Dương là khu vực có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với tất cả các quốc gia trong và ngoài khu vực, đặc biệt là các nước lớn, trong đó có Nga, xét cả ở góc độ kinh tế, địa chính trị và an ninh quốc gia. “Chiến lược phát triển ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Nga trong thế kỷ 21” đã xác định việc Nga tăng cường hợp tác với khu vực châu Á – Thái Bình Dương không phải là đối sách tạm thời, mà là quyết định có ý nghĩa chiến lược.

Vì vậy, Việt Nam mong muốn Liên bang Nga đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hữu nghị với các nước trong khu vực, cả song phương và đa phương nhằm bảo đảm môi trường quốc tế thuận lợi để mở rộng hợp tác, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế – thương mại, tìm kiếm và mở rộng các hình thức hợp tác cùng có lợi với các nước châu Á – Thái Bình Dương. Các nước không quên sự đóng góp và những nỗ lực của Liên Xô trước đây cũng như Liên bang Nga ngày nay đối với châu Á – Thái Bình Dương, mong muốn Liên bang Nga tiếp tục là một quốc gia có trách nhiệm lớn hơn đối với khu vực, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, thông qua việc tham gia và đóng góp nhiều hơn vào các cơ chế an ninh khu vực như Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN Mở rộng (ADMM+)… mà trong đó ASEAN đóng vai trò trung tâm cũng như Đối thoại Shangri La; đây là nhân tố tích cực cùng ASEAN góp phần duy trì sự cân bằng trong khu vực, giải quyết các vấn đề an ninh toàn cầu, ngăn ngừa xung đột và chiến tranh, giảm chạy đua vũ trang, duy trì môi trường hoà bình, bảo đảm an ninh và ổn định ở khu vực.

“Châu Á – Thái Bình Dương đủ rộng cho tất cả các nước cùng chung sống hoà bình và cùng thu được lợi ích chiến lược to lớn”- Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch kết luận. Vì vậy, Việt Nam luôn mong muốn tất cả các quốc gia, đặc biệt là các cường quốc, trong đó có Nga, cần thể hiện rõ hơn vai trò trách nhiệm của các nước lớn đối với an ninh khu vực,  vì mục tiêu xây dựng châu Á – Thái Bình Dương thực sự thành một khu vực hoà bình, ổn định và phát triển. Việt Nam kêu gọi tất cả cùng nhau chung tay xây dựng châu Á – Thái Bình Dương thành một khu vực thực sự “thái bình”.

Tối 27-4, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Liên bang Nga A.An-tô-nốp đã mở tiệc chiêu đãi nhân dịp Hội nghị an ninh quốc tế lần thứ 5 diễn ra tại Mát-xcơ-va.

(Theo VĂN YÊN – QĐND)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

go top