Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 03:51:24

Xung kích về nơi gian khó

Ngày đăng: 03/08/2016

QK2 – Cái nắng cháy của miền sơn cước và những cung đường quanh co, khúc khuỷu cũng không ngăn nổi bước chân các trí thức trẻ tình nguyện (TTTTN) Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 345 (Bộ CHQS tỉnh Lào Cai) về các xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Bát Xát. Phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ, họ lặng lẽ cống hiến tài năng, trí tuệ và nhiệt huyết của tuổi thanh niên, cùng với cán bộ, chiến sĩ đơn vị giúp nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng biên giới.

Bộ đội và TTTTN Đoàn KT-QP 345 giúp đồng bào xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tình Lào Cao xây dựng các công trình công cộng.

Bộ đội và TTTTN Đoàn KT-QP 345 giúp đồng bào xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tình Lào Cao xây dựng các công trình công cộng.

Tốt nghiệp Khoa Kế toán, Trường Đại học Chu Văn An năm 2015, Phạm Thị Thương Hiền (quê ở xã Hùng Quan, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) tình nguyện về gắn bó với mảnh đất vùng biên giới Lào Cai. Hiền tâm sự: “Cách đây hơn một năm, em có dịp lên Tây Bắc thăm người bạn thân học cùng trường đại học. Khi qua những bản làng vùng cao heo hút, em thấy cuộc sống của bà con các dân tộc nơi đây lạc hậu và khó khăn bộn bề. Ngay lúc ấy, trong suy nghĩ của em đã muốn ở lại, mong được góp một phần kiến thức, năng lực của mình để giúp bà con. Sau đó, em đã làm đơn tình nguyện gắn bó với dải đất biên cương xa xôi, đầy rẫy những khó khăn, thiếu thốn này. Trước lúc khăn gói lên đường, bạn bè cùng lớp, cùng trường với em ra sức khuyên nhủ, can ngăn, nhưng hình ảnh về vùng đất, con người Tây Bắc đã thôi thúc em lên đường”.
Người bạn thân của Hiền là Nguyễn Thị Thanh, quê ở xã Tứ Yên, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, chia sẻ: “Có đặt chân lên miền biên giới xa xôi này, chúng em mới thấy hết được sự khắc nghiệt của khí hậu nơi đây. Mùa hè thì nắng nóng, không khí ngột ngạt khó chịu vô cùng; mùa đông lại lạnh đến thấu xương, nhức buốt như có kim châm”. Qua tâm sự của Thanh, chúng tôi được biết, chuyến công tác đầu tiên của cô về cơ sở là bản Nhìu Cồ San, vùng đất xa nhất của xã Y Tý, huyện Bát Xát với nhiệm vụ tìm hiểu phong tục tập quán của đồng bào Hà Nhì và vận động trẻ em đi học đúng độ tuổi. Mặc dù điều kiện đi lại, sinh hoạt hết sức vất vả, nhưng trong đợt “sát hạch” tinh thần đầu tiên ấy, Thanh đã vận động được 8 gia đình cho con quay trở lại lớp học, 7 trường hợp đi học đúng độ tuổi. Kỷ niệm đáng nhớ đối với cô cử nhân Ngữ văn là hai bàn chân bị phồng rộp, nhức mỏi gần như không bước nổi khiến Thanh phải nghỉ một tuần.
Y sĩ Nguyễn Thùy Linh, quê ở xã Pom Hán, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai thì không sao quên được chuyến đi cơ sở lên bản Nậm Mít, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát cùng cán bộ, nhân viên Đội sản xuất số 2. Nhiệm vụ đơn vị giao cho Linh là tuyên truyền cho chị em trong bản về kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản, cách nuôi dạy, chăm sóc con cái, bình đẳng giới… Một lần, Linh cùng Trưởng bản Phà Thó Lúy đến nhà chị Có Gà Be, dân tộc Hà Nhì, hộ khó khăn nhất trong bản, vận động chị cho con đi tiêm chủng mở rộng định kỳ. Đến nơi, thấy hai cháu nhỏ con chị ăn mặc phong phanh, đầu tóc rối bù, da dẻ sần mốc do lâu ngày không được tắm, Linh liền nhờ anh Phà Xe Hờ, chồng chị nấu giúp nồi nước lá thuốc rồi không ngần ngại tắm rửa kỹ càng cho từng cháu. Sau đó, Linh gọi hai vợ chồng lại nhẹ nhàng nói với anh chị cách tránh thai an toàn, việc kế hoạch hóa gia đình… Thái độ ân cần, gần gũi như chuyện trò với người thân trong gia đình của Linh khiến Trưởng bản Phà Thó Lúy phải thốt lên: “Thầy thuốc bộ đội khéo quá thôi, ở nhà chắc là chăm sóc cho chồng con giỏi lắm phải không!”. Câu nói thật thà của trưởng bản khiến đôi má cô y sĩ trẻ ửng hồng vì xấu hổ. Trung tá Phạm Lê An, Đội trưởng Đội sản xuất số 2 đỡ lời: “Cô y sĩ đây chưa lập gia đình đâu trưởng bản à”. Nghe thế, trưởng bản Lúy càng thấy ngạc nhiên: “Chưa có chồng con sao mà chăm sóc trẻ con giỏi thế”.
Tâm sự với chúng tôi, Nguyễn Thùy Linh cho biết, phần lớn chị em người dân tộc thiểu số không có điều kiện đi học, lại lấy chồng từ rất sớm, do đó, kiến thức về sức khỏe sinh sản rất hạn chế. Vì vậy, mỗi lần về cơ sở, Linh đều gặp gỡ từng người, phân tích cặn kẽ cho chị em hiểu những tác hại của việc sinh con mau, sinh tại nhà…, đồng thời phổ biến cho các chị cách phòng ngừa những bệnh thường gặp ở phụ nữ, cách tắm rửa, chăm sóc cho trẻ vào các mùa… Với Linh, mỗi chuyến đi cơ sở tuy vất vả nhưng cô luôn coi đó là niềm vui, là trách nhiệm phải làm để giúp chị em người dân tộc thiểu số vơi đi phần nào khó khăn trong cuộc sống.
Chia tay mảnh đất A Mú Sung, chúng tôi ấn tượng mãi với những chia sẻ chân tình của ông Đặng Hồng Sinh, Chủ tịch UBND xã: “Những năm qua, TTTTN Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 345 đã góp công không nhỏ trong triển khai thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, giúp đồng bào các dân tộc trên địa bàn ổn định cuộc sống. Nhiều mô hình đã mang lại hiệu quả tích cực, như: Trồng cây dược liệu húng sần, thảo quả, sắn cao sản, ngô lai T10; nuôi ong, lợn sinh sản, lợn thịt… Ngoài ra, các đội viên TTTTN còn tích cực tuyên truyền cho người dân hiểu về Luật Bình đẳng giới, Luật Biên giới quốc gia; cùng với bà con vệ sinh thôn, bản, làm chuồng trại chống rét cho trâu, bò; mở nhiều lớp xóa mù chữ cho người dân… Những việc làm thiết thực ấy của bộ đội và TTTTN đã tô thắm thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ và thể hiện rõ tinh thần xung kích của tuổi trẻ”.
Bài, ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.