Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 07:30:00

Xuân về bên những nhịp cầu

Ngày đăng: 31/01/2019

QK2 – Trong không khí se lạnh của những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp trở lại thôn Cu Vai, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu (Yên Bái). Thời điểm này, trên con đường dẫn vào các thôn, bản, những cánh hoa đào mỏng manh đã bắt đầu khoe sắc, gợi cảm giác Xuân mới đang đến rất gần. Năm nay, người dân các thôn Cu Vai, Háng Sê, xã Xà Hồ và khu vực Bản Hát, xã Hát Lừu thêm vui mừng, phấn khởi khi cây cầu thép qua suối đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng. Từ nay việc tới trường, tới lớp của các em học sinh và giao thương của nhân dân sẽ được đảm bảo an toàn và thuận tiện hơn đặc biệt là trong mùa mưa lũ.

Còn nhớ, cách đây gần nửa năm, mưa lũ đã gây thiệt hại lớn về của cải, vật chất, mùa màng cho người dân, hệ thống đường giao thông cũng bị hư hỏng nghiệm trọng, trong đó công trình ngầm tràn đi thôn Cu Vai bị phá hủy toàn bộ. Người dân nơi đây phải đóng tạm ván gỗ, ván tre để đi qua suối, điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới việc đi lại, nhất là đối với các cháu học sinh khi đến trường. Đã có nhiều vụ tai nạn xe lao xuống suối vì cầu tạm không có lan can, học sinh lội nước băng qua cầu đi học bị cuốn trôi, may mắn là tất cả đều không có thiệt hại về người…

Người dân thôn Cu Vai, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu phấn khởi bước đi trên cây cầu mới.

Nhưng mùa Xuân này đường đến thôn Cu Vai và các bản xung quanh trở nên dễ dàng, an toàn hơn, vì đã có cây cầu mới được xây dựng với kết cấu dầm thép, mặt thép, móng trụ bê tông cốt thép kiên cố. Cây cầu được xây dựng với kinh phí 500 triệu đồng do các nhà hảo tâm đến từ Hà Nội, Bắc Ninh, nhóm HQ571, Ban Thanh niên Quân đội và Ban Thanh niên Quân khu thực hiện có chiều dài 16m, rộng 3m, bảo đảm tải trọng cho xe dưới 10 tấn lưu thông. Có mặt tại buổi lễ khánh thành, chúng tôi ghi nhận được rất nhiều cảm xúc, niềm vui của người dân khi nhịp cầu đã nối đôi bờ. Anh Mùa A Đua, Trưởng thôn Cu Vai, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, không giấu nổi niềm vui, hồ hởi chia sẻ: “Ngày trước, khi chưa có cây cầu mới này, việc đi lại rất khó khăn. Nhất là vào mùa mưa lũ, nước dâng cao là thôn bị chia cắt, người dân trong thôn không xuống chợ buôn bán được, còn các cháu học sinh không thể đến trường, phải nghỉ học. Nay có cầu mới kiên cố, đi lại thuận tiện, an toàn, chúng tôi rất vui, phấn khởi lắm. Cũng nhờ cây cầu mới này mà nhiều gia đình có điều kiện trên bản đã thuê cả ô tô trở xi măng, cát sỏi lên làm lại cái nhà cho khang trang, sạch đẹp để chuẩn bị đón Tết đấy!”.
Ông Nguyễn Văn Liễu, Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu cho biết: “Chủ trương của huyện là phát triển nông, lâm nghiệp và chăn nuôi. Muốn phát triển bền vững thì đường giao thông tới các thôn, bản phải thông suốt. Công trình cầu qua suối đi thôn Cu Vai đã hiện thực hóa ước mơ của người dân nơi đây. Từ nay người dân các thôn Cu Vai, Háng Sê, xã Xà Hồ và bản Hát, xã Hát Lừu có thể an tâm đi lại, buôn bán, đẩy mạnh tăng gia sản xuất phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”. 

Có thể thấy, dự án xây dựng cầu dân sinh là việc làm hết sức cấp thiết, đáp ứng sự mong mỏi của người dân tại các địa phương vùng sâu, vùng xa. Khi những cây cầu được đưa vào sử dụng sẽ góp phần bảo đảm an toàn giao thông nông thôn, tạo điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Phạm Việt Tiệp, Trưởng Ban Thanh niên Quân khu cho biết: “Trong nhiều năm qua, Ban Thanh niên Quân khu đã phối hợp với Ban Thanh niên Quân đội tổ chức nhiều chương trình, hoạt động nhằm vận động các cơ quan, đoàn thể và các nhà hảo tâm trên khắp mọi miền Tổ quốc cùng chung tay hỗ trợ về vật chất cũng như tinh thần cho đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa. Cầu qua suối đi thôn Cu Vai là một trong những công trình được xây dựng chủ yếu nhờ sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm với mong muốn giúp đồng bào các xã khó khăn có điều kiện đi lại, giao thương thuận lợi hơn”. 
Thêm một mùa Xuân mới đang đến, tại nhiều địa phương trên địa bàn Quân khu vẫn còn rất nhiều cầu tạm bắc qua sông, suối, chỉ chực bị cuốn phăng khi mùa lũ đến. Vẫn còn đó, bao mơ ước về những cây cầu kiên cố mang đến sự bình an cho các thôn, bản bị cô lập bởi sông nước. Nhưng với tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, sự quan tâm của các ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền địa phương và những nhà hảo tâm, chúng tôi tin rằng thời gian tới sẽ có thêm nhiều cây cầu treo, cầu cứng thay thế cho những cầu tạm được xây dựng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng còn gặp nhiều khó khăn.
Bài, ảnh: TRẦN HÀO
 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.