Thứ năm Ngày 28 Tháng 03 Năm 2024, 10:03:10

Xóa bản trắng đảng viên- Nhìn từ thực tiễn Sơn La và Điện Biên

Ngày đăng: 05/08/2020

Đẩy mạnh việc phát triển Đảng ở các vùng xung yếu, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, gian khổ, ở các cơ sở còn ít đảng viên là nhiệm vụ quan trọng của Đảng ta. Thời gian qua, cấp ủy Đảng hai tỉnh Sơn La và Điện Biên, đã thường xuyên coi trọng công tác phát triển đảng, với quyết tâm xóa bản trắng đảng viên, tổ chức đảng, nhất là đối với những bản làng xa xôi, hẻo lánh; làm cho đời sống đồng bào các dân tộc ngày một thay đổi theo hướng tích cực…

Tuy nhiên, việc xóa bản trắng đảng viên còn nhiều khó khăn, bấp cập, nguy cơ tái bản trắng đảng viên, tổ chức đảng sẽ còn, nếu không có sự kiên trì, quyết liệt của các cấp ủy đảng, của cả hệ thống chính trị… Đây cũng chính là những vấn đề Báo Quân đội nhân dân đề cập đến trong vệt bài: “Xóa bản trắng đảng viên-Nhìn từ thực tiễn Sơn La và Điện Biên”.

Bài 1: Gian nan “đưa” chi bộ về bản

Là người con của địa phương, hiểu tường tận những khó khăn, vất vả của đồng bào các dân tộc ở từng bản làng, anh Lò Văn Loan, Bí thư Đảng ủy xã Mường Sai, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La luôn đau đáu, trăn trở: Làm sao để bà con thoát được cái nghèo, hết được cái khổ, không còn tệ nạn và hủ tục đeo bám?… Muốn làm được điều này, không có cách nào khác, phải xây dựng bằng được các chi bộ Đảng. Chỉ có Đảng lãnh đạo, nhân dân mới hết đói nghèo lạc hậu.

Có dân là có Đảng

Đem những trăn trở chia sẻ với chúng tôi, anh Lò Văn Loan khẳng định: Nói thì dễ lắm nhưng làm thì khó quá. Hàng chục năm qua, Đảng ủy xã cùng với cấp ủy các cấp kiên trì vận động, bám bản, bám dân để phát triển đảng nhưng đến năm 2018, Đảng bộ xã Mường Sai vẫn còn một bản chưa có chi bộ. Đó là bản Co Đứa, bản người Mông có 100% hộ gia đình sinh hoạt tôn giáo.

 

Xóa bản trắng đảng viên- Nhìn từ thực tiễn Sơn La và Điện Biên

Đảng ủy xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) họp ra Nghị quyết lãnh đạo tháng và bàn biện pháp xỏa bản trắng đảng viên, tổ chức Đảng.

Không để bản Co Đứa thiếu chi bộ đảng, nên ngay sau khi có quyết định của tỉnh, của huyện về cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho nhóm đạo Tin Lành trên địa bàn xã, Đảng ủy xã Mường Sai đã nhanh chóng bàn biện pháp thành lập Chi bộ bản Co Đứa. Trước mắt, Đảng ủy xã lâm thời lựa chọn đảng viên không phải người tại chỗ để thành lập chi bộ, đó là những đảng viên được tăng cường xuống cắm bản, là giáo viên, lực lượng nghiệp vụ đang làm nhiệm vụ trên địa bàn… Đến năm 2019, bản Co Đứa đã thành lập được chi bộ với 7 đảng viên, trong đó có 2 đảng viên dự bị. Điều đáng mừng là 2 đảng viên dự bị đều là con em của bản và là người theo đạo, tin Đảng.

Ngồi trong ngôi nhà của Trưởng bản Co Đứa, Giàng A Gâu, Bí thư Đảng ủy xã Lò Văn Loan hồ hởi nói: Co Đứa giờ đã có chi bộ, tuy các đảng viên phần lớn không phải người của bản, nhưng có Đảng lãnh đạo, bộ mặt Co Đứa sẽ thay đổi. Chi bộ bản Co Đứa được thành lập, Đảng bộ xã Mường Sai đã có 100% các bản có chi bộ. Các tổ chức đảng đều phát huy được năng lực lãnh đạo của mình, ra nghị quyết lãnh đạo sát đúng, vạch đường, chỉ lối cho nhân dân làm ăn. Còn nhân dân hết lòng tin tưởng vào đảng, bám đất, bám rừng trồng trọt, không còn du canh, du cư nay đây mai đó nữa.

Sau khi Chi bộ bản Co Đứa được thành lập, công tác phát triển đảng trên địa bàn xã cũng thuận lợi hơn nhiều. Hôm chúng tôi đến UBND xã Mường Sai làm việc, có hai quần chúng ưu tú đến hoàn tất hồ sơ kết nạp vào đảng, đó là Vừ Thị Lầu, 24 tuổi ở bản Lọng Lót và Sòng A Chua, 32 tuổi ở bàn Nà Un Trong.

Hồi hộp chờ đợi ngày kết nạp Đảng, Sòng A Chua chia sẻ: Vợ mình vào Đảng lâu rồi, nó thấy được cái hay cái tốt trong Đảng nên vận động mình vào. Vợ nó bảo: Vào Đảng học được nhiều, biết giữ vững quan điểm lập trường, hiểu được chủ trương đường lối. Và quan trọng, Đảng dạy cho mình biết cách làm ăn, biết lo liệu cuộc sống tốt đẹp. Bản thân mình cũng đã có cảm tình với Đảng từ lâu nên kiên trì rèn luyện, vượt qua thử thách…

Cũng giống như xã Mường Sai (huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La), xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên là một xã biên giới đặc biệt khó khăn, thuộc vùng ngoài của huyện Điện Biên. Bí thư Đảng ủy xã Chào Anh Nguyên là người dân tộc Cống, một dân tộc đang được bảo tồn. Nguyên còn rất trẻ, nhưng năng lực và sự tâm huyết, trách nhiệm trước dân được thể hiện rõ trong lời nói và việc làm của anh.

 

Xóa bản trắng đảng viên- Nhìn từ thực tiễn Sơn La và Điện Biên

Đảng viên thuộc Đồn Biên phòng Mường Mươn (Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Điện Biên) phụ trách hộ gia đình tuyên truyền pháp luật, kết hợp bồi dưỡng nguồn kết nạp đảng tại xã Ma Thì Hồ, huyện Mường Chà (tỉnh Điện Biên).

Đưa chúng tôi xuống bản Đỉnh Đèo, một bản thuộc diện khó khăn nhất của xã, Chào Anh Nguyên thẳng thắn chia sẻ: Cho đến quý 1 năm 2016, toàn xã Mường Pồn còn 1 bản trắng đảng viên, đó là bản Đỉnh Đèo. Người dân sinh sống tại bản chủ yếu là dân tộc Mông. Trước đây, dân bản thường hay du canh du cư, phá rừng làm rẫy. Thanh niên trong bản đi làm nương cả tháng mới về, hoặc bỏ bản đi làm ăn xa. Bản Đỉnh Đèo chỉ có vài nóc nhà nhưng có cả tệ nạn nghiện hút… Vì vậy, việc tìm nguồn phát triển đảng để thành lập chi bộ ở bản gặp rất nhiều khó khăn.

Đến tháng 6- 2016, bản Đỉnh Đèo có một đảng viên chuyển về sinh sống, cũng là người dân tộc Mông. Nhân dịp này, Đảng ủy xã ra quyết định thành lập chi bộ và bước đầu thống nhất: Lâm thời bố trí đảng viên là cán bộ, công chức của xã đến sinh hoạt thời gian đầu, qua đó kiên trì vận động, bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển đảng tại chỗ. Cho đến nay, Chi bộ bản Đỉnh Đèo đã đi vào hoạt động có nền nếp, phát huy được năng lực lãnh đạo. Điều đáng mừng là Trưởng bản kiêm bí thư chi bộ hiện nay là anh Thào A Xá, nguyên là bộ đội xuất ngũ, được dân bản tin yêu, tín nhiệm; bản cũng đã phát triển được đảng viên tại chỗ, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng.

Phấn khởi trước sự đổi thay của bản Đỉnh Đèo, Bí thư Đảng ủy xã Chào Anh Nguyên tâm sự: Xóa bản trắng đảng viên cần sự kiên trì, bền bỉ. Để làm được điều này, Đảng ủy xã Mường Pồn đã ra nghị quyết lãnh đạo, phân công các đồng chí đảng ủy viên, trưởng các đoàn thể xuống từng bản, đến từng nhà, thậm chí theo lên tận nương rẫy để động viên, nắm tâm tư, nguyện vọng, tạo điều kiện giúp đỡ các thanh niên ưu tú có lý tưởng, nguyện vọng phấn đấu vào Đảng. Chúng tôi cũng dành nhiều ưu tiên, cởi mở hơn đối với quần chúng ưu tú là người dân tộc thiểu số, là người theo đạo khi xem xét, giới thiệu kết nạp vào Đảng.

Tìm cách mở lối

Đưa chúng tôi đi thâm nhập thực tế tại một số huyện của tỉnh Điện Biên, đồng chí Lò Thị Minh Phượng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy rất trăn trở với công tác xóa bản trắng đảng viên, tổ chức đảng của tỉnh nhà. Qua câu chuyện của chị, chúng tôi biết, vượt lên những khó khăn, phức tạp trong thực hiện nhiệm vụ này, nhiều cấp ủy địa phương trở thành điểm sáng trong xóa bản trắng đảng viên. Điển hình như huyện Mường Chà.

 

Xóa bản trắng đảng viên- Nhìn từ thực tiễn Sơn La và Điện Biên

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Huyện ủy và lãnh đạo xã Thanh Luông, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) thăm gia đình đảng viên làm kinh tế giỏi.

Chị Phượng kể: Vào thời điểm đầu năm 2016, Đảng bộ huyện Mường Chà còn 6 bản “trắng” đảng viên. Đây là bài toán nan giải đặt ra với cấp ủy địa phương bởi, Mường Chà là huyện biên giới, hơn 95% người dân là đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng núi cao, trình độ dân trí không đồng đều, nhiều hủ tục còn đè nặng trong cộng đồng dân cư… Điều đáng nói là 6 thôn bản khi chưa có vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng, các hoạt động phong trào ở cơ sở đều thiếu và yếu so với các thôn, bản khác, việc tuyên truyền, vận động người dân vào các tổ chức hội, đoàn thể gặp rất nhiều khó khăn.

Trước thực trạng trên, để hoàn thành mục tiêu 100% số thôn, bản có đảng viên, Ban Thường vụ Huyện ủy Mường Chà đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các Đảng bộ xã còn thôn bản chưa có đảng viên, chưa có chi bộ quan tâm công tác phát triển đảng viên; phân công các đồng chí Huyện ủy viên, các ban Đảng, các ban, ngành, đoàn thể, các đồng chí được phân công phụ trách thôn, bản đưa nội dung phát triển đảng viên, xóa bản trắng đảng viên, bản chưa có chi bộ vào chương trình công tác hằng năm; trực tiếp giao và gắn trách nhiệm cho từng người trong thực hiện nhiệm vụ này.

Nhớ lại thời điểm đó, đồng chí Lò Thị Minh Phượng cho biết: Khi ấy, Bản Huổi Hạ, xã Na Sang (Mường Chà) là bản khó khăn nhất trong việc xóa bản trắng đảng viên. Cái khó nhất của Huổi Hạ là thiếu nguồn phát triển Đảng, bởi đa số thanh niên đi làm ăn xa, không cố định nên việc theo dõi, quản lý chưa được thường xuyên; một số ít thanh niên ở nhà nhưng không tham gia hoạt động đoàn thể, không có hướng phấn đấu vào Ðảng. Bên cạnh đó, là bản vùng sâu, vùng xa, biên giới, giao thông đi lại khó khăn, khó theo dõi sát sao trong quá trình phấn đấu của quần chúng…

Không bó tay trước khó khăn, Đảng ủy xã Na Sang đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn đưa ra các giải pháp cụ thể để bản Huổi Hạ sớm có nguồn ưu tú đủ điều kiện kết nạp đảng. Đảng ủy xã giao nhiệm vụ cho cấp ủy viên phụ trách bản tăng cường bám nắm cơ sở, cùng dự sinh hoạt với chi bộ bản Nậm Bó là bản liền kề với bản Huổi Hạ để tìm cách tháo gỡ khó khăn trong công tác tìm và tạo nguồn phát triển đảng viên; chú trọng đến nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức hội, đoàn thể, đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động, mở rộng diện tạo nguồn hội viên phụ nữ, nông dân… Với cách làm này, hoạt động của các tổ chức chi hội, đoàn thể ở bản Huổi Hạ nói riêng và 10/10 bản của xã nói chung đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều đoàn viên, hội viên đã nâng cao nhận thức, từ đó có hướng phấn đấu để được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Đến cuối năm 2017, bản Huổi Hạ đã có một quần chúng ưu tú vinh dự được kết nạp vào Đảng và thành lập được chi bộ.

Câu chuyện Mường Nhé là ví dụ điển hình về địa bàn trọng điểm khó khăn trong việc xóa bản trắng đảng viên. Huyện nằm ở “ngã ba biên giới”, với nhiều dân tộc sinh sống, lại chịu nhiều ảnh hưởng từ làn sóng dân di cư tự do nên luôn tiềm ẩn các yếu tố gây bất ổn về an ninh trật tự, nhất là các hoạt động của một số người xấu, chúng lén lút kích động, lôi kéo đồng bào các dân tộc ít người, nhằm chống phá Đảng, Nhà nước. Do vậy, có nhiều ảnh hưởng tác động trực tiếp đến công tác xây dựng đảng của Đảng bộ huyện.

Trước thực trạng trên, Huyện ủy Mường Nhé xác định, việc tăng cường công tác phát triển đảng viên ở những thôn, bản còn khó khăn và ít đảng viên, hoặc chưa có đảng viên là vô cùng cấp thiết và quan trọng để tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội ở mỗi thôn, bản; cùng với đó là nâng cao nhận thức cho các cấp ủy đảng, đảng viên về tầm quan trọng của việc phát triển đảng viên, đặc biệt là ở những vùng khó khăn; xóa bản trắng đảng viên, bản trắng chi bộ đảng, nhằm đảm bảo tất cả các khu dân cư đều có sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ đảng.

Để thực hiện mục tiêu này, Đảng ủy Mường Nhé xác định, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng phải đẩy mạnh công tác hướng dẫn đảng bộ, chi bộ trực thuộc xây dựng kế hoạch phát triển đảng viên, khảo sát lập danh sách đoàn viên, thanh niên, hội viên, lực lượng công an viên, quân nhân hoàn thành nghĩa vụ, dân quân tự vệ, các quần chúng ưu tú là nữ, những quần chúng đang sinh sống, gắn bó lâu dài ở địa phương… qua đó, rà soát, phân loại đối tượng “nguồn” để có định hướng lựa chọn bồi dưỡng giáo dục, kết nạp đảng. Tổ chức phát động các phong trào thi đua ở cơ sở (phong trào bảo vệ an ninh trật tự, lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới…), từ đó thu hút quần chúng nhân dân tích cực tham gia nhằm phát hiện, lựa chọn quần chúng ưu tú, phân công đảng viên giúp đỡ quần chúng bằng những việc làm cụ thể, giao nhiệm vụ cho các đoàn thể để giới thiệu đoàn viên, hội viên cho Đảng.

Từ những biện pháp trên, Huyện ủy Mường Nhé đã từng bước xóa được bản trắng đảng viên, tổ chức đảng; xây dựng hệ thống chính trị ngày một vững chắc, là cơ sở quan trọng để người dân yên tâm bám bản, chí thú làm ăn sinh sống.

Quyết tâm của mọi cấp ủy

Chia sẻ với chúng tôi những thành tựu cũng như khó khăn trong việc xóa bản trắng đảng viên, tổ chức đảng, đồng chí Lò Văn Muôn, Phó bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND tỉnh Điện Biên cho biết: Đầu năm 2016 toàn tỉnh Điện Biên có 95/1.786 thôn, bản chưa có đảng viên, (chiếm 5,31% số thôn, bản), trong đó tập trung chủ yếu ở 2 đơn vị là huyện Mường Nhé 38 bản, huyện Nậm Pồ 37 bản; 328 thôn, bản chưa có tổ chức đảng, (chiếm 18,36% số thôn, bản). Thực trạng trên đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác lãnh đạo phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh; tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đồng bào các dân tộc nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới.

 

Xóa bản trắng đảng viên- Nhìn từ thực tiễn Sơn La và Điện Biên

Đại úy Vừ Quyền Mua, Phó bí thư Đảng ủy xã Mường Sai, huyện Sông Mã (tỉnh Sơn La) hướng dẫn quần chúng làm thủ tục kết nạp đảng.

Với quyết tâm, không để các bản làng thiếu ánh sáng của Đảng, ngay trong năm 2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Điện Biên đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 04-NQ/TU về xóa thôn, bản trắng đảng viên và tổ chức đảng. Nghị quyết đã được các cấp ủy, tổ chức đảng các cấp quán triệt sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tăng cường xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ và phát triển đảng viên, tổ chức đảng ở cơ sở trực thuộc xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị chưa có đảng viên, chưa có chi bộ, từ đó cụ thể hóa để tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiên phù hợp với thực tiễn từng địa bàn, đơn vị cơ sở.

Điều đáng mừng là sau gần 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, đến tháng 6-2020, đã có 100% thôn, bản đã có đảng viên (Mường Nhé hoàn thành xóa bản trắng đảng viên quý I- 2020; Nậm Pồ hoàn thành trong 6 tháng đầu năm 2020). Số thôn, bản chưa có tổ chức đảng từ 328 hiện còn 87 thôn, bản, giảm 241 thôn, bản chưa có chi bộ.

Cũng từ cuối năm 2019, Đảng bộ tỉnh Sơn La đã hoàn thành nhiệm vụ xóa bản trắng đảng viên, tổ chức đảng. Đạt được kết quả này, Tỉnh ủy Sơn La luôn xác định, công tác phát triển đảng là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng đảng, nhằm củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của đảng. Các cấp ủy đảng luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển đảng viên; nhằm thực hiện thắng lợi chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác xây dựng đảng theo tinh thần nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp đề ra.

Đồng chí Lường Trung Hiếu, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sơn La cho biết: Để xóa được bản trắng đảng viên và tổ chức Đảng, Tỉnh ủy Sơn La đã bàn nhiều biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển Đảng, trọng tâm là phát triển đảng ở bản chưa có đảng viên và ở chi bộ có ít đảng viên thiếu bền vững; phát triển đảng trong lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, bộ đội, công an xuất ngũ…

Đặc biệt, ngay từ năm 2016, Ban tổ chức Tỉnh ủy Sơn La đã ban hành kế hoạch chi tiết về công tác phát triển đảng ở các bản chưa có đảng viên, bản chưa có chi bộ, chi bộ có ít đảng viên. Ban Tổ chức Tỉnh ủy phối hợp với Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai Kế hoạch số 11-KH/BTCTU ngày 14-3-2016 về đề án “Bố trí chức danh cán bộ Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La tăng cường các xã biên giới” giai đoạn 2016-2019. Từ năm 2016 đến tháng 8-2019, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã bố trí đủ 17 cán bộ bộ đội biên phòng về 17 xã biên giới theo đề án, giữ chức danh phó bí thư đảng ủy xã phụ trách công tác xây dựng đảng và củng cố hệ thống chính trị. Đây chính là lực lượng nòng cốt trong xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, góp phần xóa bản trắng đảng viên, tổ chức đảng của tỉnh Sơn La.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, song việc xóa bản trắng đảng viên, tổ chức Đảng  ở hai tỉnh Sơn La và Điện Biên bước đầu đem lại hiệu quả về nhiều mặt. Những nơi có đảng viên, có tổ chức Đảng, bộ mặt thôn bản vùng sâu, vùng xa biên giới đổi thay rõ rệt; đời sống đồng bào các dân tộc được nâng lên; nhiều hủ tục lạc hậu được xóa bỏ; quốc phòng an ninh được giữ vững, hệ thống chính trị ngày càng được củng cố vững chắc.

(Theo QĐND Online)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.