Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 08:53:37

Xây Quỹ vắc xin để đẩy lùi đại dịch

Ngày đăng: 26/07/2021

QK2 – Thời gian qua, mọi tầng lớp nhân dân đã và đang tham gia ủng hộ Quỹ vắc xin phòng Covid-19 thì một số cá nhân, tổ chức tiếp tục đăng tải những thông tin trên các trang mạng xã hội xuyên tạc về việc thành lập Quỹ vắc xin phòng dịch của nhân dân ta. Có tờ báo nước ngoài dẫn nguồn tin giấu tên nói rằng, quỹ vắc xin đẩy một số tập đoàn, công ty của một số nước đang hoạt động ở Việt Nam vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Trong khi đó, một số người thiếu hiểu biết cho rằng Việt Nam gửi tin nhắn “xin” người dân góp tiền mua vắc xin. Đó là những thông tin hoàn toàn sai lệch về những nỗ lực của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến phòng, chống Covid-19.

Tiêm vắc xin phòng chống dịch Covid-19 cho các bác sĩ Bệnh viện Quân y 109.

Như chúng ta đã biết, lý do thành lập Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19 đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rất rõ trong bài phát biểu của mình. Vậy mà một số tờ báo nước ngoài lại đăng tin khiến người đọc có thể nghĩ sai về một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Theo tính toán của các chuyên gia, để đạt được miễn dịch cộng đồng, miễn dịch toàn dân, Việt Nam cần tới hơn 150 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 để tiêm phòng cho khoảng trên 75 triệu người dân, với tổng kinh phí ước tính khoảng 25,2 ngàn tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước chi 16 ngàn tỷ đồng, còn 9,2 ngàn tỷ đồng do sự tự nguyện ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Cũng theo thống kê, tính đến nay tỷ lệ người dân Việt Nam đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19 ở nước ta mới chỉ đạt hơn 1%, thuộc mức thấp trong khu vực. Thực tiễn trên đòi hỏi nguồn kinh phí lớn để có vắc xin phòng Covid-19, trong khi đất nước ta đang còn nhiều khó khăn, ngân sách hạn hẹp nên việc thành lập Quỹ vắc xin Covid-19 là rất cần thiết.

Việt Nam có gây khó cho doanh nghiệp nước ngoài khi thành lập Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19 hay không? Thực chất là không hề gây khó cho bất kỳ doanh nghiệp nào, mà Việt Nam còn thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ để các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vượt qua khó khăn, cùng người dân Việt Nam phòng, chống dịch Covid-19.

Theo Quyết định số 1210/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 9/2/2021, có 11 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19 ngay khi vắc xin về Việt Nam thì các công nhân thuộc nhóm đối tượng thứ 11 vẫn được ưu tiên tiêm trước. Trong khi nhiều đối tượng ở nhóm ưu tiên cần được tiêm trước, như: cán bộ quản lý, phóng viên báo chí, bộ đội, công an… thì lại nhường lượt tiêm cho các đối tượng và người dân ở nơi vùng dịch. Thực tế, trong thời gian qua tại các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, hàng chục nghìn công nhân (cả công nhân trong doanh nghiệp nước ngoài) đã được quan tâm tiêm vắc xin Covid-19, nhằm tạo điều kiện để công nhân yên tâm làm việc, giữ vững môi trường sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp.

Như vậy, chưa cần nhờ đến sự đóng góp của các tập đoàn nước ngoài, Việt Nam đã sớm chủ động điều chỉnh chiến lược tiêm vắc xin cho đối tượng là công nhân và người lao động ở các khu công nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp FDI cũng chẳng hề băn khoăn như các trang mạng xã hội đã từng bịa đặt. Việc chủ động tiêm vắc xin cho công nhân và người lao động trước khi Lễ phát động Quỹ vắc xin phòng, chống Cocvid-19 đã diễn ra là minh chứng rõ ràng. Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 53/NQ-CP thông qua chủ trương thành lập Quỹ vắc xin phòng Covid-19 và Quyết định 779/QĐ-TTg thành lập Quỹ vắc xin phòng Covid-19 là phù hợp với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; đó là truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam.

Hiện nay, nguồn thu ngân sách Nhà nước ta gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19. Việc nhân dân hỗ trợ, ủng hộ Quỹ vắc xin Covid-19 chính là sự đoàn kết đồng lòng, san sẻ khó khăn cùng với Đảng, Nhà nước chiến đấu đẩy lùi đại dịch. Việc thành lập Quỹ vắc xin Covid-19 vào lúc này là rất cần thiết nhằm kêu gọi, vận động các tầng lớp nhân dân ủng hộ, đóng góp kinh phí cho công tác phòng, chống đại dịch; huy động nguồn lực xã hội để người dân có thể tiếp cận với vắc xin một cách sớm nhất. Bởi vậy, mỗi đóng góp của người dân vào Quỹ vắc xin phòng Covid-19 đều hướng tới mục tiêu đem lại cuộc sống an toàn hơn cho bản thân, gia đình, cộng đồng và cả xã hội. Với sáng kiến Quỹ vắc xin phòng Covid-19 đã được đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, như: Tổ chức Y tế thế giới, điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đánh giá cao về tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của Nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến chống “giặc Covid-19”.

Dịch Covid-19 được xem như một loại “giặc” nguy hiểm, làm tổn hại đến sức khỏe cộng đồng, kinh tế đất nước suy giảm, cuộc sống nhân dân gặp nhiều khó khăn… Do đó, muốn diệt được loại “giặc” này đòi hỏi sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân; sự vào cuộc tích cực của tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Bài, ảnh: NGUYÊN MINH PHÚ

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.