Thứ năm Ngày 28 Tháng 03 Năm 2024, 10:08:32

Xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh gắn với duy trì trật tự, kỷ cương, an toàn xã hội

Ngày đăng: 16/11/2020

Mục tiêu tổng quát trong Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) 10 năm (2011-2020), xây dựng chiến lược phát triển KT-XH 2021-2030, chuẩn bị trình Đại hội XIII của Đảng, xác định: “Xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, trật tự, kỷ cương, an toàn, bảo đảm hạnh phúc của người dân”.

Có thể khẳng định, đây là một chủ trương chỉ đạo chiến lược vừa thể hiện sự kế thừa, vừa có bước phát triển mới của Đảng, trong tiến trình lãnh đạo cách mạng nước ta, sẽ được trình tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Mỗi cán bộ, đảng viên cần nắm bắt, hiểu rõ và quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo chiến lược này của Đảng.

Mỗi chúng ta đều hiểu rằng, tư tưởng chiến lược nhất quán của Đảng là xây dựng một thể chế chính trị-xã hội của dân, do dân và vì dân. Với trục xuyên suốt này, mỗi kỳ đại hội của Đảng, là mỗi lần chúng ta hoàn thiện, phát triển thêm về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) thực sự của dân, do dân và vì dân. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) (bổ sung phát triển 2011), Đảng ta xác định, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đó là tư tưởng chỉ đạo chiến lược hợp lòng dân được toàn dân ủng hộ, đồng lòng và ra sức thực hiện. Chính vì vậy, nền KT-XH đất nước 10 năm qua “đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật”, uy tín của nước ta không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế.

Xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh gắn với duy trì trật tự, kỷ cương, an toàn xã hội
Ảnh minh họa / tuyengiao.vn

Sau 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động phức tạp khó lường, nhất là sự tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với đời sống KT-XH toàn cầu, đã để lại cho Đảng và Nhà nước ta nhiều bài học quý giá. Tình hình bất ổn xã hội xảy ra tại nhiều nước phương Tây, cho thấy trật tự, kỷ cương, an toàn của người dân đang trở thành vấn đề được quan tâm hàng đầu của mọi quốc gia, dân tộc. Bởi vì, dân chủ, văn minh mà không công bằng, thì lẽ đương nhiên trật tự, kỷ cương, an toàn, hạnh phúc của người dân không thể được duy trì. Ngược lại, trật tự, kỷ cương, an toàn, hạnh phúc của người dân được duy trì, thì nền kinh tế sẽ ngày càng giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, không ngừng được củng cố và tăng cường lên tầm cao mới.

Cần khẳng định rằng, trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta luôn chú trọng gắn kết chặt chẽ giữa phát triển KT-XH theo hướng dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh với giữ vững trật tự, kỷ cương, an toàn, vì hạnh phúc của nhân dân. Do đó, dù chịu sự tác động lớn của đại dịch Covid-19, sự suy thoái của nền kinh tế toàn cầu, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, nền kinh tế nước ta vẫn duy trì được tăng trưởng dương, dù chỉ số tăng trưởng rất khiêm tốn so với các năm trước, chẳng hạn, tăng trưởng GDP 2,62% trong quý III năm 2020, dự báo cả năm đạt trên 3%. Trong cùng bối cảnh, theo Fitch Ratings và Oxford Economics, dự báo tăng trưởng GDP thế giới năm 2020 đều ở mức giảm 4,4%; theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADP) dự báo tăng trưởng kinh tế của Indonesia giảm 1%, Malaysia giảm 5%, Thái Lan giảm 8%, Philippines giảm 7,3% và Singapore giảm 6,2%. Đặc biệt, nước ta là một trong hai nước chống dịch Covid-19 hiệu quả nhất thế giới, được cộng đồng quốc tế hết sức khen ngợi, niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của Chính phủ không ngừng được nâng cao.   

Từ sự phân tích trên cho thấy, dân chủ, văn minh, công bằng, trật tự, kỷ cương, an toàn, hạnh phúc của người dân có mối quan hệ nhân quả, yếu tố này vừa là nguyên nhân, vừa là kết quả của yếu tố kia. Vì vậy, trong quá trình phát triển KT-XH của đất nước không được xem nhẹ bất kỳ một yếu tố nào, nó phải được giải quyết một cách hài hòa, chặt chẽ trong một chỉnh thể thống nhất. Các vấn đề này, đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nhận thức sâu sắc và thực hiện một cách triệt để, nhất quán trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý, chính thực tiễn chứng minh những điều được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đồng lòng, chung sức kiên trì thực hiện đã trở thành chân lý của dân tộc ta, được nhân loại tiến bộ thừa nhận và hết sức ngưỡng mộ. Với mục tiêu xây dựng đất nước ta ngày càng to đẹp hơn, đàng hoàng hơn, sánh vai với các cường quốc năm châu, Dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã bổ sung, phát triển thêm về lý luận xây dựng CNXH cho chặng đường tiếp theo. Mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức sâu sắc để cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đảng đề ra.

(Theo QĐND)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.