Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 04:37:28

XÂY DỰNG VÀ THỰC THI PHÁP LUẬT

Ngày đăng: 09/11/2016

Cách đây tròn 70 năm, ngày 9-11-1946, tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa I đã thông qua bản Hiến pháp 1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đặt nền tảng chính trị, pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Nhà nước Việt Nam mới.

Với ý nghĩa đó, ngày 9-11 hằng năm đã được Quốc hội nước ta ấn định là Ngày Pháp luật Việt Nam để kỷ niệm ngày ra đời của bản Hiến pháp đầu tiên, khẳng định vị trí thượng tôn của pháp luật trong đời sống xã hội, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc xây dựng, thực thi và bảo vệ pháp luật tại Việt Nam.

Chủ đề của Ngày Pháp luật năm nay là “Nâng cao năng lực xây dựng, thực thi pháp luật; giáo dục ý thức tôn trọng, tuân thủ và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh; phát huy dân chủ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân”.

.

.

Xây dựng và thực thi pháp luật là hai mặt hoạt động cơ bản của nền quản trị quốc gia. Chúng ta chỉ có thể xây dựng và thiết lập nền quản trị quốc gia hữu hiệu khi cả hoạt động xây dựng pháp luật và hoạt động thực thi pháp luật đều hiệu quả.

Tại Việt Nam, trong 70 năm qua, kể từ khi bản Hiến pháp đầu tiên ra đời, chúng ta đã có những bước tiến dài trong xây dựng pháp luật. Đặc biệt là trong mấy năm gần đây, số lượng các đạo luật được xây dựng và ban hành ngày càng tăng, góp phần quan trọng tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, củng cố quốc phòng-an ninh; phát huy dân chủ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Tuy nhiên, tính khả thi trong các quy định của văn bản luật còn chưa đều, nhiều quy định có tính khả thi thấp, chưa dựa trên các cơ sở thực tiễn vững chắc. Có những quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn, triệt tiêu hiệu lực của nhau. Không ít quy định mới chỉ dừng ở việc phản ánh lợi ích cục bộ của ngành, của nhóm lợi ích mà chưa mang lại lợi ích tốt nhất cho xã hội. Tính ổn định, tính minh bạch (rõ ràng), tính dễ tiên liệu của các quy định pháp luật còn hạn chế.

Nguyên nhân của tình trạng nói trên đã được các đại biểu Quốc hội và chuyên gia pháp luật cho rằng, “cơ chế xây dựng, sửa đổi pháp luật còn nhiều bất hợp lý và chưa được coi trọng đổi mới, hoàn thiện”; “năng lực xây dựng pháp luật của các cơ quan Nhà nước vẫn còn bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu điều chỉnh pháp luật ngày càng tăng của xã hội”. Trên thực tế, đã có người được giao thực hiện nhiệm vụ soạn thảo, góp ý, thẩm định… dự thảo luật chưa được trang bị đủ những kỹ năng cần thiết, hoặc không có đủ thời gian, nguồn lực, sự trợ giúp về chuyên môn để hiểu và quyết định các vấn đề đang được đặt ra. Vì thế mới xảy ra tình trạng luật chưa có hiệu lực thi hành đã phải sửa. Luật ban hành rồi nhưng không đi vào được cuộc sống. Luật ban hành nhưng không thể thực hiện được…

Để khắc phục tình trạng này đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới khâu xây dựng pháp luật. Trước hết là phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật. Những người tham gia soạn thảo, thẩm định và quyết định thông qua phải có thông tin đầy đủ về vấn đề mà xã hội đang đặt ra để bảo đảm sự thực thi của pháp luật khi đã được ban hành. Trước khi xem xét thông qua cần có sự góp ý, phản biện của nhân dân, nhất là các đối tượng chịu sự điều chỉnh của văn bản pháp luật.

Mặt khác, văn bản pháp luật khi đã ban hành, có hiệu lực phải được thực thi nghiêm túc. Mọi công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật và có nghĩa vụ thượng tôn pháp luật.

Có sự trùng hợp khá lý thú là Ngày Pháp luật Việt Nam năm nay trùng với thời điểm Quốc hội khóa XIV đang cho ý kiến và thông qua rất nhiều dự án luật. Cử tri mong muốn, tinh thần tiến bộ của Hiến pháp 1946 tiếp tục là cẩm nang để các đại biểu của dân xem xét kỹ lưỡng hơn các dự án luật, cẩn  trọng hơn khi bấm nút thông qua để việc xây dựng và thực thi pháp luật của chúng ta ngày càng hiệu quả trong bối cảnh Nhà nước ta đang hướng tới việc xây dựng một Nhà nước kiến tạo.

(Theo QĐND)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

go top