Thứ năm Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024, 08:05:07

Xây dựng đội ngũ cán bộ theo tư tưởng Hồ Chí Minh – nhân tố quyết định mọi thành công

Ngày đăng: 12/09/2020

Trong bài viết: “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới”, Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của việc vận dụng trung thành, sáng tạo tư tưởng của Hồ Chí Minh về xây dựng, huấn luyện cán bộ cách mạng.

Vì thực tiễn đã chứng minh để làm tròn được sứ mệnh cách mạng, đòi hỏi Đảng phải đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất và năng lực để hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng, đây là nhân tố quan trọng quyết định đến sức mạnh và sức chiến đấu của Đảng.

Theo đó, trong bài viết Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Phải hết sức chú trọng xây dựng và làm trong sạch đội ngũ cán bộ, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”. Vì khi có đội ngũ cán bộ tốt thì công việc nhất định giành được thắng lợi, nên Đảng phải đào tạo được đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng vẻ vang của mình.

Xây dựng đội ngũ cán bộ theo tư tưởng Hồ Chí Minh - nhân tố quyết định mọi thành công
Ảnh minh họa/tuyengiao.vn

Mặt khác, sức mạnh của Đảng chỉ thực sự được phát huy khi Đảng tập hợp được đại bộ phận quần chúng nhân dân đứng quanh mình để thực hiện mục tiêu lý tưởng của Đảng. Muốn vậy, Đảng phải phát huy mạnh mẽ ảnh hưởng của mình vào trong quần chúng, phải giác ngộ, giáo dục và động viên được quần chúng. Khi đó đường lối chủ trương của Đảng mới thành hiện thực. Theo Hồ Chí Minh: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”. Nên yêu cầu người cán bộ cần phải có cả phẩm chất, năng lực tốt. Trong điều kiện mới của sự nghiệp cách mạng, với thời cơ và thách thức đan xen, nhiệm vụ cách mạng ngày càng khó khăn và phức tạp, do vậy người cán bộ phải không ngừng trưởng thành và tiến bộ để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn đặt ra. Vì thế, người cán bộ phải được đào tạo, bồi dưỡng và mỗi cán bộ phải tự tu dưỡng suốt đời. Xuất phát từ lý luận này, Hồ Chí Minh khẳng định: “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Vì vậy, huấn luyện cán bộ cần phải toàn diện và phải có sự tổ chức tốt, có đội ngũ quản lý và phụ trách nhiệm vụ huấn luyện tốt để thu được kết quả tốt trong quá trình huấn luyện đó; nhờ vậy, nắm vững cán bộ của mình, biết cất nhắc cán bộ, sử dụng cán bộ, giúp cán bộ và giữ gìn được cán bộ.

Để xây dựng được đội ngũ cán bộ có đủ cả phẩm chất, năng lực đòi hỏi Đảng phải nắm vững quy luật và tuân theo quy luật trong quá trình huấn luyện cán bộ. Xây dựng cán bộ là khoa học về con người, xây dựng con người. Nhằm tạo ra con người mới xã hội chủ nghĩa để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội từ những con người vốn sinh ra và lớn lên từ một nước nông nghiệp lạc hậu đó là một khoa học thực sự cách mạng và triệt để.

Xây dựng người cán bộ theo tư tưởng Hồ Chí Minh đó là phải có đủ đức và tài, nhưng bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu việc giáo dục và rèn luyện đạo đức cách mạng. Vì theo Người: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.

Xuất phát từ yêu cầu đó việc rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ luôn được Người đặc biệt quan tâm. Xây dựng đạo đức cho người cán bộ cũng phải theo chuẩn mực, đó là: Suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng, suốt đời hy sinh phấn đấu, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Đã là người cán bộ của Đảng thì phải suốt đời quyết tâm đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Có như vậy, mỗi cán bộ đảng viên mới sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh, gian khổ, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước dân, trước Đảng luôn chủ động sáng tạo trong công việc.

Ngược lại người cán bộ không có nền tảng đạo đức ấy thì vô dụng, theo Hồ Chí Minh: “Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa”. Để kiến thiết và xây dựng đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội, cần phải có những con người mới xã hội chủ nghĩa có cả phẩm chất, năng lực tốt để gánh vác công việc của cách mạng. Do đó, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ cán bộ, vì nếu có đức mà không có tài sẽ không làm cách mạng được, công việc của người cán bộ đòi hỏi họ phải có năng lực tương ứng, nên đặt ra vấn đề phải xây dựng đội ngũ cán bộ tương xứng với nhiệm vụ cách mạng với yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn. Người nói: “Có tài phải có đức. Có tài không có đức, tham ô hủ hóa có hại cho nước. Có đức không có tài như ông Bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai”. Rõ ràng, đức và tài có quan hệ thống nhất biện chứng trong người cán bộ, không thể thiếu một mặt nào, có như vậy mới làm được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang của mình.

Đức và tài là hai mặt thống nhất trong người cán bộ, không được xem nhẹ mặt nào. Đức và tài của người cán bộ được thể hiện trong công việc của họ, biểu hiện ở tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và ở kết quả thu được trong công việc. Do đó, xây dựng đội ngũ cán bộ không chỉ huấn luyện mà còn phải có quan điểm đúng trong việc bố trí và sử dụng cán bộ; tư tưởng về “dùng cán bộ” và “cất nhắc cán bộ” là phải coi trọng nhân tài, phải căn cứ vào tài năng của từng người, nhằm vào việc thực hiện mục đích chính trị. “Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”. Như vậy, lúc nào chúng ta cũng phải xuất phát từ công việc, có như vậy mới biết trọng nhân tài, tìm nhân tài và sử dụng họ. Xuất phát từ quan điểm đó, nếu bất kỳ công việc gì cũng chọn người có đủ phẩm chất và năng lực thì công việc sẽ thành công. Theo đó, bố trí và sử dụng cán bộ phải có thái độ khách quan khoa học, giữ vững tính Đảng và tính nguyên tắc.

Từ lý luận và thực tiễn Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra, thông qua bài viết Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở các tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên rằng, phải lựa chọn thật tốt những người có đủ cả đức và tài để bầu vào Đảng, làm “Đầy tớ” của nhân dân. Đặc biệt, trước thềm Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Đại hội nhiệm kỳ (2020-2025) các tổ chức Đảng cần phát huy dân chủ, sáng suốt lựa chọn những người có đầy đủ phẩm chất, đạo đức cách mạng để bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ các cấp. Tuyệt đối không đưa vào Đảng những phần tử cơ hội, nịnh bợ sẽ làm yếu Đảng. Và việc lựa chọn những đại biểu ưu tú đứng vào hàng ngũ của Đảng là trách nhiệm và vinh dự của mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta.

(Theo QĐND Online)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.