Thứ sáu Ngày 26 Tháng 04 Năm 2024, 04:40:49

Vườn cây Thậm Thình

Ngày đăng: 31/01/2022

Trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, chúng tôi đến Bộ tư lệnh Quân khu 2 công tác. Trong rất nhiều những ấn tượng đọng lại, câu chuyện về đồi Thậm Thình và những hàng cây xanh thẳng tắp có sự hấp dẫn riêng.

Dường như lớp lớp những cây xanh đang phát triển tươi tốt trên vùng đất lịch sử này không chỉ được sống bằng dưỡng khí, dưỡng chất và bàn tay chăm sóc của những người lính mà cao hơn, nó đang sống bằng cả mạch nguồn văn hóa ngàn năm linh thiêng hội tụ.

Đại tá Đặng Văn Hòa, Phó chủ nhiệm Hậu cần Quân khu 2 dẫn tôi đi tham quan những cây xanh được trồng trong khuôn viên cơ quan. Trên đường đến khu tượng đài Bác Hồ, anh Hòa giới thiệu với chúng tôi về cây kim giao, do đồng chí Thượng tướng Phan Văn Giang (nay là Đại tướng), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trồng ngày 17-4-2021, hưởng ứng Chương trình trồng một tỷ cây xanh-Vì một Việt Nam xanh mà Thủ tướng Chính phủ đã phát động trước đó. Dù cây còn mảnh dẻ, khiêm tốn, nhưng đã bén rễ, đâm chồi nảy lộc và vươn tán.

 

Vườn cây Thậm Thình

Thượng tướng Phan Văn Giang (nay là Đại tướng), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trồng cây tại “vườn cây bộ trưởng” ngày 17-4-2021.

Anh Hòa kể, hôm ấy, các đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Thọ, thủ trưởng Bộ tư lệnh và cơ quan quân khu cùng trồng nhiều cây bóng mát tại khu vực này. Trước đó, trong những lần về thăm và làm việc với quân khu, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Đại tướng Ngô Xuân Lịch cũng trồng cây lưu niệm tại đây.

Có lẽ vì thế mà nơi này được cán bộ, chiến sĩ và người dân địa phương đặt cho tên gọi là “vườn cây bộ trưởng” với tất cả sự trân trọng, quý mến và cả trách nhiệm giữ gìn, chăm sóc. Nó không chỉ là một minh chứng rõ ràng cho tinh thần bảo vệ môi trường sống của những người lính mà còn qua đó để tạo ra biểu tượng tự nhiên, giúp mỗi người nêu cao ý thức, phát huy truyền thống, để các thế hệ gắn bó với nhau hơn trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng quân khu vững mạnh.

Chỉ riêng trong việc trồng cây, trồng rừng, từ năm 2016 đến năm 2020, các cơ quan, đơn vị thuộc Quân khu 2 đã trồng mới 507.242 cây phân tán, 186ha rừng sản xuất (keo, bạch đàn); huy động nguồn vốn tự có để trồng mới 294ha rừng thuộc đất thao trường huấn luyện và quanh doanh trại. Hằng năm, bộ CHQS các tỉnh cũng nhận chăm sóc, bảo vệ 5.275ha rừng tự nhiên phòng hộ của các địa phương.

 

Vườn cây Thậm Thình

Một góc "vườn cây bộ trưởng".

Tạm chia tay những hàng cây xanh, chúng tôi lên thăm khu di tích Đền Hùng cách đó khoảng 3km. Tại đây, tiếp xúc với ông Phạm Bá Khiêm, Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian tỉnh Phú Thọ, chúng tôi mới biết, vị trí mà Bộ tư lệnh Quân khu 2 đóng quân hiện nay nằm trên vùng đất có tên gọi Thậm Thình, một cái tên rất đỗi quen thuộc với mỗi người Việt, nhất là thế hệ trung niên.

Bởi thế hệ đó ai cũng biết bài thơ "Qua Thậm Thình" của Nguyễn Bùi Vợi trong sách giáo khoa bậc tiểu học. “Đi qua xóm núi Thậm Thình/ Bâng khuâng nhớ nước non mình nghìn năm/ Vua Hùng một sáng đi săn/ Trưa tròn bóng nắng nghỉ chân chốn này/ Dân dâng một quả xôi đầy/ Bánh chưng mấy cặp, bánh giày mấy đôi… Trăm cô gái tựa tiên sa/ Múa chày đôi với chày ba rập rình/ Đêm đêm tiếng thậm, tiếng thình/ Cối gạo đầy cả nghĩa tình nước non”.

Anh Khiêm kể, bài thơ được Nguyễn Bùi Vợi sáng tác tháng 7-1971 và sau này được nhạc sĩ Doãn Nho phổ nhạc thành bài hát cùng tên cũng rất nổi tiếng. Điều đáng khâm phục là quê tác giả ở Nghệ An, khi đến vùng đất Tổ, bằng đôi tai thính nhạy và tâm hồn thi sĩ yêu mến lịch sử dân tộc, ông đã tưởng tượng tiếng thậm thình giã gạo làm bánh chưng, bánh giày thời Hùng Vương rồi dùng ngôn ngữ thơ truyền lại cho đời, cho hậu thế.

Trò chuyện với thạc sĩ, hướng dẫn viên có cái tên rất đẹp và giọng nói truyền cảm Nguyễn Thị Mai Hương, thuộc Phòng Quản lý di tích văn hóa và lễ hội của Khu di tích Lịch sử Đền Hùng chúng tôi được biết, ở thời Hùng Vương, Thậm Thình là trung tâm lớn tại kinh đô của nước Văn Lang. Nơi đây vốn cao lại bằng phẳng, gần sông, sát vựa lúa Minh Nông nên ngoài làm bánh chưng, bánh giày dâng cúng tổ tiên và tiến vua thì Thậm Thình là trung tâm buôn bán thương mại lớn, là nơi ăn nghỉ của các lạc tướng, tộc trưởng khắp miền khi về chầu Vua Hùng.

Đại tá Đặng Văn Hòa kể rằng, Bộ tư lệnh Quân khu 2 về đây đóng quân đã mấy chục năm. Mỗi thế hệ cán bộ, chiến sĩ đều hưởng ứng phong trào "trồng cây, ơn Bác" nên trên nền đất Thậm Thình đậm đầy trầm tích văn hóa, nhiều thế hệ cây xanh đã được vun đan kết, xen lẫn vào nhau. Bốn mùa, vườn cây xanh mướt mát vì được sống, được tận hưởng tiếng thậm, tiếng thình từ ngàn năm nuôi dưỡng. “Vườn cây bộ trưởng” trên đất Thậm Thình xưa là mạch nguồn tiếp nối quá khứ, hiện tại, tương lai để mỗi khi Tết đến, Xuân về, lòng người ai cũng xao xuyến, tràn đầy niềm tin và hy vọng.

(Theo QĐND online)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.