Thứ năm Ngày 28 Tháng 03 Năm 2024, 08:15:11

Vững tin nơi tâm dịch miền Nam

Ngày đăng: 14/10/2021

QK2 – “Reng, reng, reng…”, tiếng chuông điện thoại đổ rồn giữa màn đêm yên tĩnh khiến tôi choàng tỉnh giấc. Vội cầm máy điện thoại lên dù có đôi chút giật mình nhưng khi thấy số máy đầu dây bên kia của Bác sĩ Vũ Hoài Nam, Phó Chủ nhiệm Khoa thận lọc máu, Bệnh viện Quân y 109 (Cục Hậu cần Quân khu) đang thực hiện nhiệm vụ tại Phường 14, Quận 6, TP Hồ Chí Minh, tôi mới cảm thấy an tâm. Khi chưa kịp mở lời tôi đã được nghe giọng nói của Bác sĩ Nam phân trần: “Anh thông cảm, vì gọi cho anh vào giờ này. Như đã hẹn nói chuyện với anh từ trưa nhưng từ sáng tới giờ, anh chị em trong tổ phải làm việc thông trưa để phục vụ người bệnh nên giờ mới có chút thời gian rảnh gọi cho anh được. Vì ngày mai sẽ lại là một ngày làm việc mới, có lẽ chúng tôi cũng sẽ rất bận chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân F0 trên địa bàn!”
Như thường lệ tôi hỏi thăm sức khoẻ, công việc của các bác sĩ, điều dưỡng viên nơi tâm dịch và vội tốc ký những lời chia sẻ của các anh. Bác sĩ Vũ Hoài Nam thổ lộ: Tổ quân y của chúng tôi đảm nhận nhiệm vụ quản lý, theo dõi sức khoẻ, tư vấn, hỗ trợ, chăm sóc và điều trị cho các bệnh nhân F0 thuộc Khu phố 3 và hẻm 183 Khu phố 4, Phường 14, Quận 6, TP.Hồ Chí Minh. Đây là khu vực rất phức tạp do có nhiều lao động phổ thông đến từ nhiều vùng miền trong cả nước và là khu phố của người gốc Hoa sinh sống; điều kiện ăn, ở, sinh hoạt rất khó khăn (lối đi lại chật chội, nhà dân ẩm thấp…). Hằng ngày, tổ chúng tôi chủ động phân công 1 đồng chí trực đường dây nóng, cập nhật kịp thời các bệnh nhân có biểu hiện diễn biến bất thường được người nhà báo đến, những lúc như thế tổ sẽ có mặt để xử lý kịp thời.

Cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện Quân y 109 tận tình chăm sóc bệnh nhân F0 tâm dịch TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh: CÔNG TRƯỜNG)


Bác sĩ Nam chia sẻ, ngày bình thường, các thành viên trong tổ trực điện thoại đường dây nóng, cấp thuốc và điều trị cho hàng chục bệnh nhân F0 tại nhà; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 trong cộng đồng. Như hôm nay, anh chị em trong tổ phải huy động đến hơn 200% sức lực để thực hiện nhiệm vụ. Rồi Bác sĩ Nam chia sẻ: “Vào khoảng 0 giờ 10 phút, ngày 5-10, nhóm zalo của tổ quân y nhận được thông tin có bệnh nhân F0, 45 tuổi, địa chỉ 47020/10, Ngõ 119, Phường 14, Quận 6 đang bị khó thở. Sau khi nhận được tin, chúng tôi nhanh chóng mang mặc trang phục bảo hộ, trang bị phương tiện cấp cứu, gồm: Thuốc, bình oxy, máy đo SPO2, máy đo huyết áp…, cùng đồng chí tình nguyện viên của địa phương dẫn đường đưa chúng tôi đến gia đình bệnh nhân. Xuống đến nơi lúc đó bệnh nhân đang trong trạng thái khó thở, hoảng hốt, mặt tím tái, thở gấp, nồng độ SPO2 đo được 80%, mạch 110 lần/phút. Chúng tôi tiến hành cho bệnh nhân ngồi ở tư thế Fowler (nửa nằm, nửa ngồi), áp mặt, bóp bóng thở oxy, chỉ sau 20 phút cấp cứu bệnh nhân cảm thấy dễ chịu dần. Khi chúng tôi gặng hỏi, bệnh nhân đã trả lời được, chỉ số SPO2 lúc đó đo được 94%, mạch 100 lần/phút, bệnh nhân qua được cơn nguy kịch. Sau khi thăm khám, tôi xác định bệnh nhân có tiên lượng nặng, sức khoẻ có diễn biến phức tạp và chỉ định chuyển bệnh nhân lên tuyến bệnh viện để tiếp tục theo dõi, điều trị. Theo dõi và đợi xe cứu thương của trạm y tế phường đưa bệnh nhân nhập viện xong, chúng tôi trở về phòng lúc 1 giờ 20 phút, tháo bỏ trang phục bảo hộ theo quy trình, xịt dung dịch sát khuẩn, vệ sinh cá nhân, tôi tranh thủ nghỉ ngơi, chợt nhớ lời hẹn sẽ điện thoại cho anh từ trước nên đành gọi cho anh giờ này”.
Như lời Bác sĩ Vũ Hoài Nam chia sẻ quãng đường di chuyển đưa bệnh nhân từ nhà ra xe cứu thương chuyển đến bệnh viện tuy không xa, nhưng việc di chuyển bệnh nhân bằng cáng cứu thương trên những con hẻm, ngóc ngách chật chội trong đêm tối thì quả là một sự cố gắng rất lớn của cả tổ. Người dân nơi đây là người gốc Hoa, theo phong tục của họ, bệnh nhân F0 thường nằm cách ly trên gác xép, mỗi lần cấp cứu bệnh nhân, các thành viên trong tổ quân y phải dùng thang chèo lên để đưa bệnh nhân xuống. Những lần như thế thường ảnh hưởng đến công việc cấp cứu, đặc biệt là tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cho cán bộ, nhân viên y tế rất cao.
Thiếu tá, Bác sĩ Tạ Xuân Tùng, trưởng đoàn công tác Quân khu tăng cường giúp TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chống dịch, cho biết: “Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, song với ý chí quyết tâm của người thầy thuốc Quân y và mong muốn đem lại cuộc sống an bình cho nhân dân, khiến chúng tôi có thêm động lực làm việc hết mình. Bởi vậy, sau hơn một tháng tăng cường chống dịch, 75 thành viên trong đoàn chúng tôi đã tiếp nhận, chăm sóc, điều trị hơn 25 nghìn ca F0, trong đó có hơn 12 nghìn ca được điều trị khỏi. Cùng với đó, các tổ Quân y của Quân khu đã thực hiện cấp thuốc cho hơn 7.000 người dân và chuyển viện cấp cứu kịp thời hơn 900 ca F0”.
Quả thật, những nỗ lực, cố gắng và thành tích của đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ nơi tâm dịch miền Nam có ý nghĩa thiết thực chào mừng 75 năm Ngày truyền thống LLVT Quân khu, như lời phát biểu của Thiếu tướng Vũ Kim Hà, Phó Tư lệnh Quân khu tại hội nghị giao nhiệm vụ cho lực lượng tăng cường giúp các tỉnh phía Nam phòng, chống dịch Covid- 19: “Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề, nhưng cũng rất vẻ vang, thiêng liêng, cao cả được Bộ Tư lệnh Quân khu và các đơn vị tin tưởng giao cho các đồng chí… Kết quả và thành tích trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 sẽ góp phần tô thắm truyền thống “Trung thành – Tự lực – Đoàn kết – Anh dũng – Chiến thắng” của LLVT Quân khu”.
MẠNH TƯỜNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.