Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 03:05:44

Vững niềm tin theo con đường của Bác

Ngày đăng: 05/06/2021

QK2 – Cách đây đúng 110 năm, ngày 5-6-1911, Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Xa Tổ quốc, chỉ với hai bàn tay trắng và sức lao động tự kiếm tiền nuôi thân, Bác nuôi ý chí và khát vọng của cả dân tộc thoát khỏi ách áp bức xâm lược.

Bác Hồ ở Đại hội Tua (Paris-1920). Ảnh: TƯ LIỆU

Hướng đi của thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành khác hẳn với phương pháp của những nhà yêu nước tiền bối và cùng thời. Hoàng Hoa Thám mang nặng tư tưởng phong kiến đã lỗi thời, cũ kỹ ở cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Phan Bội Châu cầu viện ở Nhật thì chẳng khác gì “đuổi hổ cửa trước – rước beo cửa sau”. Phương pháp cải lương của Phan Châu Trinh được coi là “xin giặc rủ lòng thương”. Còn Bác sang phương Tây, đến Pháp, Mỹ, Anh để xem họ thế nào rồi mới trở về giúp đồng bào. Để “xem” được chính quốc và tư bản, Nguyễn Tất Thành hòa mình vào cuộc sống của người lao động, tích cực tham gia các hoạt động chính trị như mít tinh, nói chuyện ở các đường phố, gặp những người bạn Pháp đấu tranh trong phong trào công nhân.

Năm 1917, cuộc cách mạng tháng Mười Nga bùng nổ, mở ra thời kỳ mới cho lịch sử thế giới và tác động mạnh mẽ đến Nguyễn Tất Thành. Mặc cho chính quyền thực dân Pháp bưng bít thông tin nhưng Người vẫn kiên trì tìm hiểu về cuộc cách mạng mà người dân lao động được làm chủ ấy.

Năm 1918, chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, các nước thắng trận họp tại Versailles (Pháp), Người với tên gọi Nguyễn Ái Quốc đã gửi bản yêu sách gồm 8 điểm đòi lại quyền lợi cho dân tộc. Tuy không được đáp ứng nhưng nó có tiếng vang lớn, khiến cho nhân dân Pháp hiểu rõ hơn về An Nam; đồng thời bản yêu sách được truyền bá về Việt Nam làm thức tỉnh tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Theo nghiên cứu của tác giả Trần Dân Tiên thì từ đó, Người nhận thức một điều: “Trong cuộc đấu tranh giành độc lập thì phải dựa vào sức mình để giải phóng mình, đừng bao giờ hy vọng trông chờ vào sự “ban ơn” của chính quyền tư sản. Và muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng bản thân mình…”.

Năm 1919, Người đã gia nhập Đảng xã hội Pháp, một tổ chức duy nhất ở Pháp bênh vực quyền lợi của Việt Nam và theo đuổi lý tưởng tự do, bình đẳng, bác ái của cách mạng Pháp.

Đến năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã tham gia nhiều hoạt động thể hiện bước phát triển mạnh mẽ trong nhận thức chính trị: Diễn thuyết về đề tài “Sự tiến triển trong xã hội các dân tộc châu Á và những yêu cầu của nước Nam”; thuyết trình đề tài “Chủ nghĩa cộng sản ở châu Á và vấn đề ruộng công điền ở Trung Quốc và Việt Nam”; nói chuyện với thanh niên về Chủ nghĩa xã hội…Đặc biệt vào mùa thu năm ấy, Bác Hồ được tiếp cận với bản “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lênin (đăng trên Báo Nhân đạo – Cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Pháp – trong hai ngày 16 và 17/7/1920). Theo Bác, tên bài viết có liên quan đến vấn đề thuộc địa – một vấn đề mà Người đang theo đuổi tìm kiếm. Đây là sự kiện mang tính chất bước ngoặt trên con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc.

Trong bài “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin”, Bác viết: “Trong luận cương ấy, có những chữ chính trị khó hiểu. Nhưng cứ đọc đi đọc lại nhiều lần, cuối cùng tôi cũng hiểu được phần chính. Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: "Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!"

“Con đường giải phóng chúng ta” ấy là con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Đọc sơ thảo Luận cương của Lênin đã giúp Nguyễn Ái Quốc đã rút ra những lý luận cách mạng: Xác định rõ đâu là kẻ thù của giai cấp, của dân tộc và phải chĩa ngọn cờ cách mạng vào đúng kẻ thù; nhận thức rõ ràng về bản chất chế độ tư bản; động lực to lớn và lực lượng chính của cách mạng là giai cấp công nhân và nông dân; con đường cách mạng vô sản, giải phóng dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng con người; mối quan hệ giữa cách mạng chính quốc với cách mạng thuộc địa…

“Con đường giải phóng chúng ta” mà Bác Hồ tiếp cận hơn một thế kỷ trước dần cụ thể hóa và ngày càng sáng tỏ vào con đường cách mạng Việt Nam, từ Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt năm 1930 cho đến Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991 và bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chất liệu “sáng tạo” ra con đường ấy, như Bác từng tự sự: “Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý Luận Mác – Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”.

Suốt gần một thế kỷ đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng CNXH, Đảng ta đã và đang kiên trì lãnh đạo dân tộc đi theo con đường ấy. Mặc dù có trải qua nhiều gian khổ hy sinh, khó khăn thách thức song đã giành những thắng lợi vĩ đại, đưa đất nước từ thuộc địa nửa phong kiến sang quốc gia độc lập và CNXH; Nhân dân từ thân phận nô lệ sang địa vị làm chủ; cuộc sống ngày càng ấm no tự do, hạnh phúc.  

Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Đảng ta Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam và cũng là điểm cốt yếu trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bằng kinh nghiệm thực tiễn phong phú của mình kết hợp với lý luận cách mạng, khoa học của Chủ nghĩa Mác – Lênin, Hồ Chí Minh đã đưa ra kết luận sâu sắc rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc”. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) được Đảng ta hoạch định tại Đại hội XI cách đây 10 năm tiếp tục khẳng định: "Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử".

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, mỗi người Việt Nam tự hào, vững niềm tin theo con đường của Bác và kiên định, quyết tâm phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

SONG VÂN

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.