Thứ năm Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024, 11:10:33

Việt Nam sẵn sàng thực hiện vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ

Ngày đăng: 09/01/2020

QK2 – Bước vào năm 2020, Việt Nam chính thức trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 theo kết quả bầu cử tháng 6 năm 2019. Từ nửa năm trước, Việt Nam là quốc gia đại diện duy nhất được các nước châu Á – Thái Bình Dương nhất trí cho ứng cử vào danh sách này để tham gia bầu cử và đã trúng cử với số phiếu gần như tuyệt đối, 192/193 phiếu. Việc Việt Nam nhận được số phiếu ủng hộ áp đảo như vậy đã đáp ứng được kỳ vọng và niềm tin của nhiều quốc gia trên thế giới, đồng thời khẳng định những đóng góp tích cực, thực chất, có trách nhiệm của Việt Nam đối với Liên Hợp quốc nói chung và Hội đồng bảo an nói riêng. Đây cũng là lần thứ hai Việt Nam đảm nhiệm cương vị này. Lần trước, nhiệm kỳ 2008-2009, nước ta trúng cử và đã thể hiện rất tốt vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an.

Cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam thực hành huấn luyện cấp cứu đường không.

Tuy nhiên thời điểm trước, trong, sau khi bầu cử, có thông tin trên mạng xã hội cho rằng, truyền thông trong nước "đưa tin quá đà" về việc Việt Nam nhận ghế Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc lần hai và họ bình luận: Việt Nam không đủ nội lực để đứng vững trước các vấn đề trong nước, trong đó có biển Đông; luật pháp không chuẩn mực chỉ biết bảo vệ cho thiểu số; vai trò của Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc không có gì là quan trọng lắm; việc trúng cử là điều bình thường vì đó là chỉ tiêu phân theo khu vực địa lý và nhiệm kỳ; ngồi vào vị trí này là gắn liền với trách nhiệm và nghĩa vụ của quốc gia ấy chứ không phải là một thắng lợi ngoại giao hay chính trị trước quốc tế. Bên cạnh đó, họ đặt dấu hỏi cho những công việc và sự thành công của Việt Nam với vai trò ở Hội đồng Bảo an hai năm 2020-2021…

Có thể khẳng định rằng, tất cả những phát ngôn trên chỉ là xằng bậy, thiếu tính xây dựng và có nhiều phần xuyên tạc tình hình thực tiễn, thiếu hiểu biết tình hình quốc tế và mục đích của họ là tung dư luận cản trở, làm giảm uy tín Việt Nam trên trường quốc tế. Mục tiêu của chúng là phủ nhận, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với xã hội.

Còn nhớ, ngay sau khi có kết quả bầu cử, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã họp báo thông tin, số phiếu trúng cử của Việt Nam là số phiếu kỷ lục chưa từng có trong 75 năm phát triển của Liên Hợp quốc. Hơn nữa, trong số 193 nước tham gia bỏ phiếu, do Libya không có quyền bầu nên có thể nói Việt Nam nhận được 100% ủng hộ từ tất cả các nước thành viên trong Liên Hợp quốc. Ở lần bầu cử trước, năm 2007, khi trúng cử vào "chiếc ghế nóng" này, Việt Nam cũng nhận được số phiếu ủng hộ rất cao 183/190 phiếu; trong khi số phiếu cần và đủ là 129.

Chỉ thế thôi cũng đủ để khẳng định uy tín và vị thế Việt Nam trong con mắt cộng đồng quốc tế như thế nào; khẳng định kết quả chính sách đối ngoại hòa bình và độc lập của Việt Nam cũng như vai trò xây dựng và trách nhiệm của Việt Nam tại Liên Hợp quốc.

Năm 1977, sau chiến tranh, Việt Nam trở thành thành viên của Liên Hợp quốc. Kể từ đó, Việt Nam luôn cam kết mạnh mẽ thực hiện và phấn đấu thực hiện các mục tiêu vì một thế giới hòa bình, an ninh và phát triển. Thông qua chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, làm bạn với tất cả các nước, Việt Nam đã tranh thủ diễn đàn Liên Hợp quốc làm cơ sở để tăng cường quan hệ với các tổ chức trong hệ thống Liên Hợp quốc, mở rộng quan hệ song phương và đa phương với các nước và tổ chức quốc tế. Việt Nam tham gia một số hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình thế giới trong điều kiện có thể.

Việt Nam đã từng trải qua các cuộc chiến tranh và chịu nhiều đau thương, mất mát để giải phóng dân tộc, hàn gắn vết thương, giải quyết hậu quả chiến tranh. Việt Nam hiểu rất rõ giá trị của hòa bình. Vì thế, tại nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam có hai lần giữ chức Chủ  tịch Hội đồng Bảo an và giữ chức Chủ tịch và Phó Chủ tịch một số tiểu ban; tham gia 1.500 cuộc họp; thông qua 113 Nghị quyết, 165 Tuyên bố Chủ tịch và Tuyên bố báo chí thuộc trên 50 đề mục; Xây dựng Báo cáo năm về công việc của Hội đồng Bảo an; Chủ trì soạn thảo, thương lượng giúp Hội đồng Bảo an thông qua Nghị quyết về “Phụ nữ và Hòa bình – An ninh”; trực tiếp phối hợp và xử lý nhiều vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế; thúc đẩy và ủng hộ các giải pháp thông qua thương lượng hòa bình, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp quốc… Đấy là những thành công nâng cao uy tín của Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Sẵn sàng thực hiện vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ này, đại diện Bộ Ngoại giao thông tin trong cuộc họp báo trung tuần tháng 12 năm 2019 cho biết, Việt Nam sẽ có cơ hội đóng góp phát huy vai trò hàng đầu và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, ngăn ngừa xung đột, giúp giải quyết các vấn đề khủng hoảng; đồng thời thúc đẩy một số vấn đề mà các nước và nhóm nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương quan tâm như bảo vệ dân thường trong xung đột vũ trang, tái thiết sau xung đột, các vấn đề về phụ nữ và hòa bình, an ninh…

Bước vào đầu năm 2020, Việt Nam đảm đương ngay vị trí Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc trong tháng 1-2020 và tháng 4-2021. Đây là cơ hội, đồng thời là thách thức để Việt Nam tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của mình; thúc đẩy quan hệ đối tác với các ủy viên Hội đồng Bảo an và các quốc gia trên thế giới; khẳng định vai trò, kết quả lãnh đạo của Đảng đối với sự phát triển đi lên của đất nước.

VIỆT LONG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.