Thứ sáu Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024, 02:57:46

Vì sao Bộ GD&ĐT đề xuất bài thi tổ hợp chỉ lấy một đầu điểm?

Ngày đăng: 27/04/2020

Tại buổi giao lưu trực tuyến do Báo Tuổi trẻ tổ chức sáng 27/4, PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã trả lời thắc mắc xung quanh những điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm 2020.

Nếu lấy kết quả kỳ thi, trường đại học sẽ điều chỉnh tổ hợp

Trước câu hỏi băn khoăn về bài thi khoa học tự nhiên (KHTN), khoa học xã hội (KHXH), kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 chỉ lấy một đầu điểm như vậy sẽ không công bằng cho thí sinh, vì nếu quy về như vậy học sinh rất khổ: Nếu ai theo khối A sẽ phải học thêm môn Sinh, những ai theo khối A1 thì phải học thêm Hóa, Sinh…, ông Mai Văn Trinh giải đáp: Bắt đầu từ kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, các bài thi tổ hợp KHTN, KHXH được sử dụng. Quy chế của các kỳ thi này cũng quy định để hướng tới khắc phục việc học lệch, học tủ, cắt xén chương trình. Các quy định đó là phù hợp với mục đích đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, xét công nhận tốt nghiệp THPT, đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tới đây, vẫn tiếp tục sử dụng các bài thi tổ hợp KHTN, KHXH như các năm trước, nhưng có điều chỉnh cho phù hợp với mục đích của kỳ thi tốt nghiệp và nhất là phù hợp với điều kiện dạy học trong học kỳ 2 do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

“Về tổng thể, đề thi sẽ được điều chỉnh theo hướng nhẹ hơn so với năm 2019. Với các lý do này, không làm ảnh hưởng quá lớn đến định hướng lựa chọn các lĩnh vực, môn học mà thí sinh đã lựa chọn từ trước. Cho dù các bài thi KHTN, KHXN sẽ được chấm với một đầu điểm nhưng nếu thí sinh ôn tích cực, nắm vững kiến thức kỹ năng thì sẽ vẫn đạt kết quả cao chứ không phải cào bằng trong đánh giá đối với mọi thí sinh tham dự kỳ thi tới đây”- ông Mai Văn Trinh chia sẻ.

PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) trả lời bạn đọc tham gia giao lưu trực tuyến. (Ảnh: tuoitre.vn)

Thêm nữa, việc sử dụng một đầu điểm đối với bài thi KHTN, KHXH là phù hợp với mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Các trường đại học (ĐH) theo tinh thần tự chủ nếu lấy kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh thì trường sẽ điều chỉnh tổ hợp kết quả các bài thi để tuyển sinh và sẽ công bố rộng rãi trên trang thông tin của trường (ví dụ trường có thể lấy điểm thi của bài thi Toán, KHTN… đối với các ngành tuyển sinh bằng tổ hợp Toán-Lý-Hóa hoặc Toán-Hóa-Sinh như trước đây).

Như vậy, các học sinh yên tâm ôn tập để đạt kết quả cao trong kỳ thi tới (không thay đổi gì quá lớn so với định hướng ôn tập mà các em đã chọn từ trước); đồng thời, theo dõi trang thông tin của các trường đại học mà  học sinh có nguyện vọng vào học để kịp thời nắm bắt thông tin về tuyển sinh của trường.

Kỳ thi được tính toán để phù hợp với điều kiện dạy học

Một bạn đọc hỏi, theo phương án thi xét tốt nghiệp mà Bộ đưa ra thì nội dung thi sẽ không có phần giảm tải. Tuy nhiên trong hướng dẫn nội dung điều chỉnh giảm tải các môn học vẫn có yêu cầu học sinh tự học, tự đọc hoặc tự học có hướng dẫn. Vậy những nội dung tự học có hướng dẫn này có được đưa vào nội dung thi hay không? Và giảm tải những nội dung này thì liệu Bộ có ý định tăng tải ở những nội dung khác trong học kỳ I hoặc những nội dung của lớp 10 và 11 hay không?

Trả lời thắc mắc này, ông Mai Văn Trinh cho biết: Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 sẽ được tính toán để phù hợp với điều kiện dạy học trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, do vậy, Bộ GD&ĐT đã công bố tinh giản chương trình. Những nội dung được tinh giản (không dạy, không làm, không thực hiện, khuyến khích học sinh tự học) sẽ không được đưa vào đề thi.

Bộ GD&ĐT đang tích cực để sớm công bố đề thi minh hoạ chậm nhất vào nửa đầu tháng 5/2020 để các em học sinh và giáo viên yên tâm và có định hướng trong dạy học, ôn tập.

Ông Mai Văn Trinh cũng lưu ý, thí sinh tránh xu hướng học lệch, học tủ; các nhà trường không tuỳ tiện cắt xén chương trình để đảm bảo yêu cầu căn bản đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình.

Trên cơ sở đó, học sinh tập trung nhiều hơn vào các lĩnh vực/môn học mà mình có thế mạnh, đã lựa chọn từ trước, thì dù bài thi tổ hợp có đưa về một đầu điểm, nếu các em chuẩn bị kỹ, kiến thức vững vàng thì vẫn có lợi thế hơn so với việc không nỗ lực học tập.

Bởi vì, dù mục đích của kỳ thi là để xét tốt nghiệp THPT, nhưng không có nghĩa là kết quả được cào bằng mà đề thi vẫn có độ phân hoá ở mức độ phù hợp để có thể phân tách được nhóm các thí sinh với các năng lực khác nhau thể hiện qua kết quả thi.

Phương thức thi sẽ được hoàn thiện cho phù hợp chương trình hiện hành

Trước băn khoăn của bạn đọc về cách thức thi này có được duy trì cho những năm kế tiếp không, hay đây chỉ là cách thi áp dụng cho kỳ thi THPT năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ông Mai Văn Trinh cho biết:  Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 là hệ quả của ba yếu tố chính như sau:

Thứ nhất, từ năm 2015 tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, đặc biệt là từ kỳ thi năm 2017 đến nay thì kỳ thi này được điều chỉnh, hoàn thiện để trở về đúng bản chất của kỳ thi là đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông so với chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Kết quả đánh giá đó được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để đánh giá chất lượng giáo dục các địa phương, từ đó điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học; còn công tác tuyển sinh đại học thực hiện theo tinh thần tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, những năm gần đây, tinh thần tự chủ này được thực hiện ngày càng rõ nét, thể hiện ở việc đa dạng các phương thức tuyển sinh.

Thứ hai, thực hiện Luật Giáo dục đại học (có hiệu lực từ ngày 1/7/2019) và Luật Giáo dục (có hiệu lực từ ngày 1/7/2020). Theo đó, Luật Giáo dục quy định học sinh khi hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông phải dự kỳ thi, nếu đạt kết quả thì được cấp bằng tốt nghiệp THPT; còn Luật Giáo dục Đại học thì quy định tự chủ của các trường đại học, trong đó có tự chủ tuyển sinh.

Thứ ba, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên việc tổ chức dạy học của học kỳ 2 năm nay có những khó khăn nhất định và không đồng đều đối với tất cả các học sinh trong cả nước, nhất là những học sinh ở những vùng khó khăn, do vậy nếu vẫn duy trì phương thức thi như cũ thì sẽ rất nặng nề cả đối với học sinh cũng như số lượng lớn cán bộ giảng viên từ các trường đại học trong cả nước về các địa phương tổ chức thi, trong khi dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc, tiềm ẩn rủi ro.

Vì vậy, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 vừa phù hợp với quy định của các luật, vừa phù hợp với lộ trình đổi mới thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng và nhất là phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Phương thức này sẽ được hoàn thiện cho phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông hiện hành./.

(Theo ĐCSVN)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.