Thứ sáu Ngày 26 Tháng 04 Năm 2024, 06:36:45

Vì đâu nên lũ!?

Ngày đăng: 16/07/2018

Qk2 – Có lẽ trong chúng ta không ai có thể quên được những hình ảnh đầy ám ảnh về trận mưa lũ, sạt lở đất kinh hoàng tại các tỉnh Tây Bắc thời gian vừa qua. Thật bàng hoàng, sợ hãi và đau xót!

Đây là trận mưa lũ lịch sử lớn nhất trong vòng 50 năm trở lại đây ở Lai Châu. Đã có 23 người thiệt mạng,10 người mất tích, hàng nghìn ngôi nhà bị cuốn trôi, đường xá bị vùi lấp, hư hỏng, nhiều làng bản bị chia cắt hoàn toàn. Vậy là nhiều gia đình bỗng chốc mất đi người thân, nhà cửa, tài sản. Những mất mát như vậy cứ chồng chất, triền miên, kéo dài hết năm này qua năm khác, mỗi năm lại bất ngờ hơn, dữ dội hơn và kinh hoàng hơn. Vậy nguyên nhân của thảm họa thiên tai này là từ đâu và liệu có cách nào để giải quyết tốt hơn vấn đề này hay không?

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 880, Bộ CHQS tỉnh Lai Châu tìm kiếm nạn nhân bị mất tích sau trận lũ lịch sử tại xã Noong Hẻo, huyện Sìn Hồ.

Trước hết, nguyên nhân gây ra hiện tượng mưa lũ, sạt lở đất nghiêm trọng tại Lai Châu được đánh giá là do diễn biến phức tạp của thời tiết, mưa lớn trên diện rộng, thời gian kéo dài cộng với tính chất đất bở rời nên đã gây ra lũ quét, sạt lở. Tuy nhiên câu chuyện trên không chỉ nằm ở vấn đề thời tiết mà còn có nhiều tác nhân khác, chủ yếu là từ phía con người. Chúng ta đã tự gây thêm hiểm họa cho chính mình từ những hành động nguy hiểm “làm liều” như chặt phát rừng, khai thác khoáng sản bừa bãi, san đồi làm nhà hay mở đường đi một cách không tính toán làm thay đổi, tắc nghẽn dòng chảy… Những cánh rừng xanh bạt ngàn nay chỉ còn là những ngọn đồi “trọc lốc”. Thứ duy nhất để điều hòa, giữ nước, ngăn cản dòng chảy và giữ kết cấu đất, đá nay đã bị phá rỗng ruột, hễ mưa xuống là bao nhiêu nước đổ về vùng thấp một cách nhanh chóng, đất, đá bị sạt lở, chôn vùi tất cả. Đó chính là nhân quả!

Thêm vào đó, công tác dự báo, cảnh báo còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Công tác tuyên truyền cho người dân miền núi thiếu hiệu quả. Nhiều cá nhân còn chủ quan, thiếu trách nhiệm, làm việc hình thức, khi xảy ra thiên tai bão lũ là lúng túng. Phải công nhận, trong những năm gần đây, công tác cảnh báo, dự báo có nhiều cố gắng nhưng đã là dự báo thì đều có xác suất. Chúng ta không thể chỉ trông chờ vào dự báo mà cần chủ động hơn trong phòng chống thiên tai. Nghiên cứu kĩ các biểu hiện nhận biết các thiên tai đã được quy định; cụ thể hóa thành nhiều kịch bản để ứng phó linh hoạt trong thực tế; tuyên truyền phổ biến, cảnh báo thiên tai, nâng cao kỹ năng ứng phó cho người dân, ứng dụng khoa học công nghệ như lắp đặt thiết bị cảnh báo sớm tại những vùng có nguy cơ hoặc thường xuyên có sạt lở, lũ quét.

Riêng các địa phương, cần nhận thức đúng tầm quan trọng của vấn đề, có kế hoạch phòng chống mưa lũ, sạt lở toàn diện, sắp xếp, di dời dân cư ra khỏi những vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét. Có thể nói, chính quyền địa phương có vai trò rất quan trọng đặc biệt là các nhân tố như già làng, trưởng bản, trưởng thôn, xã, huyện vì họ là những người gần dân nhất, sát thực tế nhất. Bài học ở bản Sáng Tùng, xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ đã chứng minh cho điều đó. Sau những ngày mưa, người dân bản thấy xuất hiện các vết nứt ở khe núi cuối bản, trên tường và nền nhà. Vì vậy, chính quyền địa phương đã yêu cầu nhân dân sơ tán, di dời ra khỏi vùng nguy hiểm. Tuy nhiên, để người dân rời bỏ mảnh đất đã gắn bó bao đời nay là một điều không dễ dàng, nhiều người không tin rằng sẽ có sạt lở. Phải đến 12 giờ đêm, với sự kiên quyết, thuyết phục của trưởng bản và chính quyền địa phương, công tác di dời mới hoàn thành. Và chỉ sau đó ít giờ, sạt lở đã xảy ra, cả bản Sáng Tùng đã bị vùi lấp hoàn thoàn. Thử tưởng tượng nếu như chính quyền địa phương không kiên quyết yêu cầu di dời thì có lẽ hậu quả nhận được sẽ thực sự thảm khốc.

Bài, ảnh: QUANG MINH

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.