Thứ tư Ngày 24 Tháng 04 Năm 2024, 12:31:05

Vào “bảo tàng” cây nghệ thuật

Ngày đăng: 19/07/2020

Có lẽ giới chơi cây cả nước đều đã được nghe và biết đến vườn cây "khủng" với nhiều cây cực quái, được định giá cao ngất ngư của ông  Phan Văn Toàn, tổ 17, phố Đoàn Kết, phường Tiên Cát, TP Việt Trì. Tuy nhiên, ít ai biết được đằng sau sự nổi danh của vườn cây là cả một kỳ công của người đàn ông đã ngoại ngũ tuần này. 

Ông Toàn là người có niềm say mê đặc biệt với nghệ thuật chơi cây cảnh.

Hơn 20 năm chơi cây, yêu cây và hiện là chủ sở hữu của 3 vườn cây cảnh với khoảng 500 cây "có số má" trong làng chơi cây cả nước, nhưng điều đáng nói, là ông còn đang sở hữu tới 18 cây di sản và khoảng 30 cây cảnh có thương hiệu ở Việt Nam- Những con số và tên cây đã góp phần định danh tên tuổi của ông trong giới chơi cây cảnh. 

Theo thống kê, ba vườn cây đang có 18-20 loại cây, nhưng chủ yếu vẫn là Sanh, Mai, Tùng, Khế… với nhiều cây có dáng quái, độc nhất vô nhị thành hình qua hàng trăm năm tạo tác, "om" thế dáng mới thành. 

Hiện, vườn có 18 cây đã được công nhận cây di sản và khoảng 30 cây có thương hiệu trong làng chơi cây cả nước

Trò chuyện về việc "nhân" lên giá trị kinh tế từ những cây quý hiện có, ông Toàn chia sẻ: Tôi không có ý định bán những cây này. Sau này già, chết đi thì vẫn sẽ để cho con cháu giữ gìn để làm vườn di sản của dòng họ, sống chết cũng phải giữ. 

Tìm hiểu thêm được biết, năm 2014 vườn cây này đã được công bố là vườn cây đẹp nhất Đông Nam Á; năm 2015 được công nhận là vườn cây di sản Việt Nam và chứng nhận " Bảo tàng cây cảnh nghệ thuật di sản" cùng nhiều danh hiệu khác. Nổi tiếng vì lắm cây quái, nên thời gian gần đây, hầu như ngày nào cũng có khách chơi cây đến tham quan. 

Ông Toàn kể: Nhiều hôm 11h đêm rồi mà cũng có khách đến tham quan. Mệt mỏi nhưng vì "trùng máu" yêu cây nên ông vẫn dậy tiếp đón, dẫn đi tham quan, kể lịch sử từng cây cho khách lạ. Đến nay, vườn đã được đón nhiều khách quốc tế như Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan( Trung Quốc), Nhật Bản…đến tham quan thường xuyên, hầu như tuần nào cũng có khách trong ngoài nước ghé qua tham quan vườn và trao đổi với chủ nhân về thú chơi cây. 

Những hàng cây thường xuyên được cắt tỉa, chăm sóc kỹ lưỡng và chuyên nghiệp.

Theo chủ nhân vườn cây, thì hiện có rất nhiều tỉnh có phong trào chơi cây, nhưng có một thực tế là nhiều tỉnh lại…không có cây thương hiệu. Bởi để có được một cây thương hiệu, định danh trong giới chơi cây phải mất hàng trăm năm o bế, tạo tác, làm dáng…Về kinh nghiệm xem, chơi cây, quan trọng nhất của một cây thương hiệu là tuổi cây, sau đó mới đến nghệ thuật, vì vậy người chơi hay xếp theo thứ tự " cổ, kỳ, mỹ" để định giá và xếp hạng cây. 

Cây càng có giá thì ngoài tuổi đời còn phải có tính nghệ thuật cao, nhiều đường cong nghệ thuật, đạt đến độ quái mới có giá trị. Cây có " thần" của cây, cây "chọn người, chọn chủ", nếu chủ mà không có duyên thì thích đến thế nào cũng không mua được. 

Không chỉ là một nét văn hoá, là nơi giao lưu gắn kết cộng đồng có cùng sở thích, chơi cây cảnh còn là một giải pháp làm kinh tế hiệu quả thông qua kinh doanh, trao đổi giữa các nhà vườn, tạo nên một sân chơi ý nghĩa và đóng góp cho đời những giá trị văn hoá, thẩm mỹ ẩn chứa trong từng dáng cây. 

Vì thế, nghề chơi cây cảnh với những nhà vườn trị giá hàng chục tỷ đồng mới có cơ hội để phát triển mạnh trong thời gian qua.

(Theo PTĐT)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.