Thứ năm Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024, 11:19:10

Vận dụng tư tưởng của Bác về xây dựng đội ngũ cán bộ

Ngày đăng: 12/05/2018

Trải qua suốt mấy chục năm hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ của Đảng, cho đó là “cái gốc” của sự nghiệp cách mạng.

Chuẩn bị cho sự thành lập của Đảng, ngay từ năm 1925, Người đã thành lập Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội; tổ chức huấn luyện chính trị cho hội viên. Đến năm 1929, số lượng hội viên lên tới 1.700 người, sau này trở thành những cán bộ hạt nhân của phong trào đấu tranh chống Pháp.

Trải suốt quá trình cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đảng ta kịp thời xây dựng được đội ngũ cán bộ vừa “hồng” vừa “chuyên” ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ trong từng thời kỳ cách mạng. Trong các bài nói, bài viết, thư chỉ đạo động viên, huấn thị, Hồ Chủ tịch đã dành nhiều thời gian, trí lực để đào tạo đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng nhiệm vụ mới của cách mạng. Người quan niệm: Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được.

Cán bộ làm gương, làm mẫu cho chiến sĩ.

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ phải hội đủ các yếu tố đức và tài. Người cho rằng: “Có tài phải có đức, có tài không có đức, tham ô hủ hoá có hại cho nhà nước. Có đức không có tài, như ông Bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai”. Đức của người cán bộ đạo đức cách mạng và đó là “nền tảng”, là “cái gốc” của người cán bộ. Đức của người cán bộ thể hiện ở phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, là lòng trung thành vô hạn đối với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, với chế độ XHCN; là trình độ giác ngộ mục tiêu, lý tưởng và thể hiện ở sự trung thực, trong sáng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, biết hy sinh lợi ích cá nhân để phục tùng lợi ích tập thể, Tổ quốc và nhân dân. Người nói: “Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.

  Tài của người cán bộ là trình độ, năng lực để hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất, có hiệu quả nhất. Tài được thể hiện ở trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, khả năng nhận thức đúng các quy luật, sáng tạo trong giải quyết công việc; luôn làm chủ được tri thức khoa học và có khả năng hiểu biết sâu rộng về các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực chuyên môn của mình. Bác nói: “Phải có chính trị trước rồi có chuyên môn; chính trị là đức, chuyên môn là tài”.

Trong đánh giá cán bộ, Người dạy rằng: “Trong thế giới, cái gì cũng biến hóa. Tư tưởng của người cũng biến hóa. Vì vậy cách xem xét cán bộ, quyết không nên chấp nhất, vì nó cũng phải biến hóa”. “Quá khứ, hiện tại và tương lai của mọi người không phải luôn giống nhau”. Về lựa chọn, sử dụng cán bộ, thực hiện đúng quan điểm: “Dụng nhân như dụng mộc” mới có thể đem lại hiệu quả cao cho công việc. Người đưa ra ba tiêu chuẩn cán bộ là: Trung thành với cách mạng; liên hệ mật thiết với quần chúng và vì lợi ích của quần chúng; đồng thời, cán bộ còn phải là người dám làm, dám chịu trách nhiệm, không sợ khó khăn, gian khổ.

Người căn dặn, “Ðảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”.

Gần nửa thế kỷ đi xa, tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là ngọn đèn soi rọi cho hoạt động cách mạng của Đảng, của cách mạng. Đúng dịp kỷ niệm 128 năm Ngày sinh của Người, Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) tổ chức Hội nghị lần thứ 7 bàn về nhiều nội dung quan trọng, trong đó có Đề án “Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: “Cán bộ và công tác cán bộ là vấn đề đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, có ý nghĩa quyết định sự thành bại của cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”.

Đề án “Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” tổng kết 20 năm (1997 – 2017) thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về “ Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, trên cơ sở đó đề xuất đề án xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ thời kỳ mới.

Theo dự thảo đề án, xác định rõ mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể của việc xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp theo lộ trình đến năm 2020, 2025 và 2030; xác định hai trọng tâm và năm đột phá để thực hiện đồng bộ tám nhiệm vụ giải pháp. Hai trọng tâm là: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ, hiệu quả công tác cán bộ; chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo cơ chế, môi trường, điều kiện để khuyến khích đổi mới, sáng tạo phục vụ phát triển và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược và bí thư cấp ủy, người đứng đầu các cấp đi đôi với phân cấp, phân quyền nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực.

Năm đột phá trong công tác cán bộ là: Đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương. Kiểm soát chặt chẽ quyền lực, sàng lọc kỹ càng, thay thế kịp thời; chấm dứt tình trạng chạy chức, chạy quyền. Thực hiện nhất quán chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương. Cải cách chính sách tiền lương và nhà ở để tạo động lực cho cán bộ phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc; có cơ chế, chính sách để tạo cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh và thu hút, trọng dụng nhân tài có trọng tâm, trọng điểm. Hoàn thiện cơ chế để cán bộ, đảng viên thật sự gắn bó máu thịt, mật thiết với nhân dân và thông qua đó nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ.

Việc xây dựng Đề án “Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” theo chương trình Đại hội XII của Đảng đã xác định, được chuẩn bị nghiêm túc, kỹ lưỡng, công phu, toàn diện và đồng bộ, có tính tổng kết thực tiễn cao, lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của các ban, bộ, ngành, đoàn thể. Nhiều ý kiến tại Hội nghị Trung ương Đảng thảo luận sôi nổi, tâm huyết để xây dựng đề án về công tác cán bộ hoàn chỉnh, phù hợp nhất. Đó chính là biểu hiện sự tiếp nối, cụ thể hóa, vận dụng sáng tạo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ đáp ứng nhiệm vụ cách mạng hiện nay.

Bài, ảnh: ĐỨC ĐÀO

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.