Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 01:57:21

Tự vệ Supe Phốt phát Lâm Thao ngày ấy…

Ngày đăng: 26/12/2022

Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, tiền thân là Nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao-là một trong những “đứa con đầu lòng” của nền công nghiệp Việt Nam, được ra đời vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước…

Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, tiền thân là Nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao-là một trong những “đứa con đầu lòng” của nền công nghiệp Việt Nam, được ra đời vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước. Lúc bấy giờ đây là nhà máy sản xuất phân bón hiện đại và lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Ngay sau khi khánh thành vào tháng 6-1962, nhà máy bắt tay vào sản xuất với khí thế thi đua “mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, sản xuất mỗi năm hàng trăm ngàn tấn phân bón các loại phục vụ nền nông nghiệp miền Bắc XHCN. Giữa lúc ấy thì đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc vào tháng 8-1964. Ngay từ đầu, Nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao và Khu công nghiệp Việt Trì-Phú Thọ là những mục tiêu hủy diệt của địch. Trước tình hình ấy, nhà máy đã thành lập tiểu đoàn tự vệ mà nòng cốt là các cựu chiến binh chống Pháp chuyển ngành về từ những ngày đầu xây dựng nhà máy. Trong các ca sản xuất, lực lượng tự vệ được bố trí theo từng đại đội và trung đội, vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu bảo vệ nhà máy, bảo vệ nhân dân… Đặc biệt, Đại đội phòng không được trang bị 4 khẩu 12,7mm và 4 khẩu 14,5mm; được Tỉnh đội Phú Thọ huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật và bố trí trong đội hình cao xạ tầm thấp, tầm cao của bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực trên địa bàn, tạo thành lưới lửa phòng không dày đặc đánh trả máy bay Mỹ.

Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, công nhân Nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao tại bậc thềm của khu tập thể nhà máy, ngày 19-8-1962.

Ngày 24-6-1965, tự vệ nhà máy đã tham gia chiến đấu chống trả thắng lợi cuộc tập kích của máy bay Mỹ đánh phá ga xe lửa Tiên Kiên, một đầu mối vận tải quặng apatit từ Lào Cai cung cấp cho nhà máy. Ngày 11-9-1965, máy bay Mỹ tập trung đánh phá vào Nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao, nhiều phân xưởng, máy móc, kho hóa chất… bị trúng bom địch, trong đó những loại hóa chất độc hại bị tràn chảy rất nguy hiểm. Tự vệ nhà máy đã bất chấp hiểm nguy, vừa tổ chức đánh trả máy bay địch, vừa tích cực cứu người, cứu hàng, bảo vệ nhà máy, xử lý môi trường… Tại một số vị trí sản xuất quan trọng, các công nhân vẫn kiên cường bám máy vận hành dây chuyền giữa lúc bom rơi đạn nổ, khói lửa mịt mù, không để xảy ra những sự cố kỹ thuật nghiêm trọng… Ngày 19-7-1967, địch tổ chức nhiều tốp máy bay F4 và F105 bất ngờ tập kích vào nhà máy. Bọn giặc lái xảo quyệt lợi dụng góc chiếu của mặt trời để bổ nhào cắt bom hòng “bịt mắt” cảnh giới của phòng không ta. Nhưng các khẩu đội phòng không bố trí trong khu vực nhà máy đã bình tĩnh đối mặt với quân thù, giáng trả những đường đạn đích đáng khiến lũ giặc trời phải tháo chạy. Trong cuộc chiến đấu ngoan cường hôm ấy, khẩu đội trưởng 12,7mm Nguyễn Đình Mẫn đã anh dũng hy sinh, là liệt sĩ tự vệ đầu tiên của nhà máy…

Chiến công nổi bật của lực lượng tự vệ Nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao là trận đánh sáng 15-8-1972. Hôm đó, một tốp máy bay F111 của đế quốc Mỹ lợi dụng lúc trời còn mây mù đã lẻn vào gây tội ác ở thành phố Việt Trì. Chúng bay thấp dọc sông Hồng để tránh ra-đa phòng không, nhưng lực lượng trực chiến tự vệ Nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao đã kịp thời phát hiện và nổ súng đánh chặn chính xác. Cùng lúc ấy, trận địa cao xạ của Đoàn Phòng không 64A cũng kịp thời nổ súng. Hai đơn vị đã hiệp đồng chiến đấu hiệu quả, bắn rơi tại chỗ 2 máy bay địch, trong đó có chiếc thứ 100 bị bắn rơi trên Đất Tổ, được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng gửi thư khen. Theo xác nhận của các ngành chức năng địa phương, tính đến thời điểm ấy, tự vệ Nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao đã trực tiếp góp phần bắn rơi 3 máy bay Mỹ.

Khẩu đội cao xạ 14,5mm của tự vệ nhà máy trong một trận chiến đấu đánh máy bay Mỹ. Ảnh tư liệu.

Trong điều kiện thời chiến, nhà máy đã “quân sự hóa” lực lượng và kế hoạch sản xuất. Nhiều cán bộ tự vệ có năng lực và phẩm chất tốt được bố trí “đứng mũi chịu sào” ở những vị trí trọng yếu và trong các nhiệm vụ đột xuất. Tiểu đoàn trưởng tự vệ nhà máy là Phó giám đốc Nguyễn Tường Chế được giao nhiệm vụ trực tiếp phụ trách lực lượng cơ giới xuống cảng Hải Phòng để vận chuyển quặng pyrit về nhà máy theo phương thức “tăng-bo” từng chặng, bằng đủ các loại phương tiện phù hợp. Cùng thời gian ấy, Tiểu đoàn phó tự vệ Nguyễn Đức Kim lên trực tiếp phụ trách việc khai thác và vận chuyển quặng apatit ở Lào Cai với tinh thần “Địch đến thì đánh, địch cút thì làm, bất kể ngày đêm”. Theo đó, mỗi cân quặng về đến nhà máy là phải vượt qua biết bao hiểm nguy vất vả, thấm biết bao mồ hôi và cả máu của những người công nhân “tay búa, tay súng”.

Vừa bảo đảm nhiệm vụ sản xuất các loại phân bón phục vụ nông nghiệp; vừa tổ chức lực lượng chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo vệ nhà máy, góp phần bảo vệ các mục tiêu trọng yếu trên địa bàn; vừa chăm lo công tác tuyển quân chi viện cho các hướng chiến trường…, đó là ba nhiệm vụ mà nhà máy phải tiến hành đồng thời trong điều kiện miền Bắc lúc đó vừa là hậu phương, vừa là tiền phương trực tiếp chiến đấu chống Mỹ, cứu nước. Chỉ tính riêng ba năm đầu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1964-1966), Nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao đã tuyển chọn và tiễn đưa gần 100 thanh niên ưu tú của nhà máy gia nhập quân đội. Nhiều người đã anh dũng hy sinh trên các mặt trận; nhiều người phấn đấu trở thành sĩ quan phục vụ lâu dài trong quân đội; nhiều người sau này trở về nhà máy tiếp tục lao động sản xuất, trở thành những cán bộ, đảng viên gương mẫu trong các phong trào thi đua xây dựng nhà máy ngày càng phát triển.

Ngày nay, tự vệ Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao vẫn là lực lượng nòng cốt trong sản xuất và bảo vệ sản xuất, bảo vệ trật tự an ninh địa bàn, là “Đơn vị quyết thắng” nhiều năm liên tục của LLVT thành phố Việt Trì và tỉnh Phú Thọ. Tự vệ công ty đã góp phần giữ vững danh hiệu của đơn vị là một trong những con chim đầu đàn của ngành hóa chất Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ trước. Trong cơ chế thị trường định hướng XHCN, Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao vẫn tiếp tục phát triển, là đơn vị điển hình toàn diện của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; xứng đáng là đơn vị hai lần được tuyên dương Anh hùng Lao động (năm 1985 và năm 2000); Anh hùng LLVT nhân dân (năm 1999); Huân chương Hồ Chí Minh (năm 2006)… và nhiều phần thưởng cao quý khác.

(Theo QĐND)

 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.