Thứ ba Ngày 19 Tháng 03 Năm 2024, 02:11:40

Trong thiên tai, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” càng tỏa sáng

Ngày đăng: 06/08/2019

QK2 – Yên Bái là tỉnh miền núi, nằm ở trung tâm vùng Tây Bắc, có diện tích tự nhiên rộng; địa hình chia cắt, đan xen núi cao, vực sâu, dốc lớn, mạng lưới sông suối dày đặc, giao thông đi lại khó khăn, thời tiết, khí hậu, thủy văn diễn biến phức tạp, cực đoan và khó lường với lượng mưa lớn. Những năm gần đây, tình hình thiên tai diễn biến khó lường, đã xảy ra hàng trăm vụ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất gây hậu quả rất nặng nề về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân; đặc biệt là các trận lũ ống, lũ quét xảy ra tháng 8, tháng 10 năm 2017 tại huyện Mù Cang Chải, huyện Trạm Tấu, thị xã Nghĩa Lộ và cuối tháng 7 năm 2018 tại các xã Sơn Lương, Nậm Mười, Sùng Đô và An Lương, huyện Văn Chấn làm 64 người chết và mất tích, 43 người bị thương; sập, trôi 134 ngôi nhà, hư hỏng trên 8.070 ngôi nhà, 420 tuyến đường giao thông và công trình khác; hàng chục nghìn ha lúa và hoa màu, hàng chục nghìn con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi; tổng thiệt hại trị giá trên 2.000 tỷ đồng.
Xác định ứng phó với thiên tai – tìm kiếm cứu nạn là "nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình" của LLVT địa phương, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh Yên Bái luôn chủ động làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức huy động lực lượng, phương tiện tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, để phần nào giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Với phương châm "4 tại chỗ", các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị trong toàn tỉnh cùng chung sức, đồng lòng làm tốt công tác chuẩn bị, phòng chống. Trong đó, LLVT tỉnh luôn thực hiện tốt vai trò, chức năng làm tham mưu phối hợp, hiệp đồng; thường xuyên điều chỉnh hệ thống kế hoạch, xây dựng các phương án ứng phó sát với thực tiễn của địa phương; bổ sung lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất; chủ động phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng, nhất là các đơn vị của Quân khu đứng chân trên địa bàn; kịp thời kiện toàn và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ huy phòng chống, ứng phó tiên tai các cấp. Khi có tình huống xảy ra, LLVT tỉnh luôn là một trong những lực lượng đầu tiên có mặt và làm nòng cốt, trực tiếp tham gia cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả, giúp đỡ, thăm hỏi, động viên nhân dân.

Tìm kiếm nạn nhân mất tích trên Hồ Thủy điện Khao Mang, huyện Mù Cang Chải.

Trong các trận lũ ống, lũ quét lịch sử (tại huyện Mù Cang Chải và các huyện Trạm Tấu, thị xã Nghĩa Lộ của tỉnh Yên Bái vào tháng 8, tháng 10 năm 2017; trận lũ quét kinh hoàng xảy ra tại các xã của huyện Văn Chấn vào cuối tháng 7 năm 2018) đã làm trên 100 người chết, mất tích và bị thương, nhiều nhà cửa, tài sản của Nhà nước và nhân dân (trong đó, có Cầu Thia, thị xã Nghĩa Lộ) bị lũ cuốn trôi, sập đổ và vùi lấp; đặc biệt lũ quét sạt lở nhiều tuyến đường làm cho 3 xã (Sùng Đô, Nậm Mười, An Lương) bị cô lập hoàn toàn trong nhiều ngày…. Ngay sau khi xảy ra mưa, lũ, LLVT tỉnh Yên Bái và các đơn vị trực thuộc Quân khu đã huy động trên 15.500 lượt cán bộ, chiến sĩ, hàng trăm phương tiện, thực hiện "4 cùng" với địa phương và nhân dân tích cực tham gia tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai giúp đồng bào ổn định cuộc sống (đã tìm thấy, cứu vớt được gần 50 người bị lũ cuốn trôi, vùi lấp; di chuyển trên 450 hộ gia đình ra khỏi vùng nguy hiểm; thu dọn hơn 5.200 nhà dân, 35 trường học và các công trình công cộng, trên 200 km đường giao thông bị bùn, đất vùi lấp…). Hình ảnh các cán bộ, chiến sĩ ngày đêm không quản ngại khó khăn, nguy hiểm dầm mình trong mưa, trong nước lũ để di dời nhà cửa, đưa người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, tìm kiếm các nạn nhân xấu số đã để lại ấn tượng không thể phai mờ trong lòng mỗi người dân Yên Bái; những việc làm đầy trách nhiệm và nghĩa tình của cán bộ, chiến sĩ đã làm giảm bớt nỗi đau cho các gia đình có người thân bị nạn. 
Với tinh thần vì nhân dân, coi nhân dân như người thân ruột thịt của mình, coi khó khăn của nhân dân là khó khăn của mình, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh Yên Bái và các đơn vị Quân khu đã vượt đèo cao, đường đất cheo leo, trơn trượt, đến với bản Phình Hồ (xã Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải), bản xa nhất, cách trung tâm xã 8 km (nơi vết nứt trên đỉnh núi Nà Hẩu Chống đang đe dọa sự an toàn của 23 hộ/ với 130 nhân khẩu sinh sống) để tuyên truyền, vận động, giúp dân di dời, dựng nhà tại nơi ở mới an toàn. Với sự chung tay, góp sức của các lực lượng, cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Yên Bái và Sư đoàn 316, các công trình công cộng, như: trường học, trạm y tế, khu dân cư, trụ sở làm việc của một số xã, phường, trị trấn trên địa bàn thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn, huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải… bị ảnh hưởng, thiệt hại đã nhanh chóng được củng cố, khắc phục và trở lại hoạt động bình thường. Sự có mặt kịp thời của “Bộ đội Cụ Hồ” đã tiếp thêm động lực cho nhân dân trong vùng lũ Yên Bái vượt qua khó khăn, gian khổ, từng bước ổn định cuộc sống. Tiêu biểu là Trung sĩ Nguyễn Văn Quang (quê ở xã Đại Sơn, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái – thuộc Trung đội 2, Đại đội 20, Bộ CHQS tỉnh Yên Bái) trong lúc giúp nhân dân huyện Mù Căng Chải khắc phục hậu quả do lũ ống, lũ quét (tháng 8 năm 2017) đã nhặt được một chiếc hộp, trong có nhẫn và dây chuyền vàng đã báo cáo chỉ huy đơn vị, trả lại người mất. Hành động cao đẹp đó đã góp phần làm cho hình ảnh, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” tỏa sáng trong vùng tâm lũ.
Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác Hồ kính yêu và bằng những việc làm thiết thực, cụ thể của cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Yên Bái và các đơn vị trực thuộc Quân khu, đặc biệt là trong khó khăn, gian khổ, thiên tai, bão lũ, đã làm cho giá trị, phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ" ngày càng được phát huy và tỏa sáng trong lòng nhân dân các dân tộc Tây Bắc.

Đại tá LÊ VĂN TRUNG, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Yên Bái
 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.