Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 06:52:56

Trò chuyện cùng người lính pháo binh năm xưa

Ngày đăng: 05/05/2016

Những ngày này, quân và dân cả nước đang hướng về ngày kỷ niệm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ – ngày mà cách đây 62 năm, dân tộc ta đã viết lên những chiến công hiển hách… Tôi đã may mắn được trò chuyện với cựu pháo binh Chử Văn Lương, thuộc Sư đoàn 351 – lực lượng đã từng khiến cho địch khiếp sợ, góp phần làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”…

Cựu chiến binh Chử Văn Lương (Ngoài cùng bên phải) kể lại trận đánh ngày 7-5.

Cựu chiến binh Chử Văn Lương (Ngoài cùng bên phải) kể lại trận đánh ngày 7-5.

Sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo của tỉnh Hưng Yên, một trong những nơi giàu truyền thống cách mạng và hiếu học. Hiện, ông đang sinh sống tại Khối 6, Thị trấn Phù Yên (Phù Yên). Cựu chiến binh Chử Văn Lương kể: Tháng 10-1950, tôi tình nguyện lên đường nhập ngũ và được điều vào Sư đoàn 351. Sau 2 năm huấn luyện sử dụng pháo 120 ly, đến tháng 3-1953 chuyển sang đơn vị trợ chiến pháo cối 82. Đến ngày 16-5-1953, chúng tôi tham gia cuộc chiến đấu giải phóng Trần Đình (là cách gọi về giải phóng Điện Biên Phủ để đảm bảo bí mật).

Giờ đây, đã bước vào tuổi 90, nhưng khi nhớ về thời khắc lịch sử, trong con người ông Chử Văn Lương như được tiếp thêm sức mạnh. Chất giọng mạnh mẽ, cuốn hút, ông Chử Văn Lương, kể lại: Sau khi nhận lệnh giải phóng Điện Biên, đơn vị chúng tôi đã hành quân từ Tuyên Quang qua Yên Bái, vượt đèo Lũng Lô rồi qua Sơn La và sau đó là trú quân tại Mường Phăng. Tại đây, tôi được chuyển sang Sư đoàn 316, vẫn thuộc cối 82, Trung đội 1. Nhiệm vụ lúc này được giao là phối hợp với Sư đoàn 304 cũng là cối 82 để đánh trận địa Hồng Cúm nằm phía Nam. Nhiệm vụ của pháo binh chúng tôi là tập trung hỏa lực bắn phá công sự, sân bay, triệt đường tiếp tế, chế áp tối đa hỏa lực pháo binh địch, chi viện cho bộ binh thắt chặt vòng vây tiêu diệt từng cứ điểm, cụm cứ điểm, tiến tới tiêu diệt tập đoàn cứ điểm phòng ngự mạnh nhất của quân Pháp trên chiến trường Đông Dương lúc bấy giờ. Tuy nhiên, để đảm bảo yếu tố bí mật, bất ngờ và bảo đảm tác chiến cho lực lượng pháo binh, quân ta đã chủ động thực hiện tốt công tác chuẩn bị trước đó, như: Làm đường, đào, đắp công sự, trận địa trên sườn và các đỉnh núi để bố trí pháo…

Vẫn chất giọng cuốn hút, cựu chiến binh Chử Văn Lương, hào hứng: Đúng theo kế hoạch, sáng ngày 13-3-1954, pháo binh của ta được lệnh nổ súng mở màn chiến dịch bắn vào các căn cứ của địch ở Him Lam, Mường Thanh, Hồng Cúm. Khi đó, địch hoàn toàn bị bất ngờ và hoảng hốt trước sức mạnh pháo binh của ta… Bước vào đợt 2, nhiệm vụ của pháo binh hết sức nặng nề: Chi viện cho bộ binh tiến công các cứ điểm thuộc phân khu trung tâm của địch, thực hiện chia cắt từng khu vực, thắt chặt vòng vây, khống chế sân bay. Đồng thời, tập trung hỏa lực với mức cao nhất vào sở chỉ huy, trận địa pháo của địch ở Mường Thanh, Hồng Cúm và sẵn sàng chi viện cho bộ binh thực hiện phản kích. Đến đợt 3 (từ ngày 1-5 đến ngày 7-5-1954), theo yêu cầu, nhiệm vụ mới, lực lượng pháo binh nhanh chóng điều chỉnh đội hình chiến đấu và thực hiện kế hoạch tổng công kích quân địch ở Điện Biên Phủ. Đêm 1-5-1954, theo đúng kế hoạch, pháo binh thực hiện bắn vào toàn bộ đội hình quân địch ở Mường Thanh, Hồng Cúm… Khi đó, pháo của ta nổ rền trời, khí thế rất mạnh, ai cũng cùng hừng hực khí thế đánh tan tập đoàn cứ điểm của địch. Đến ngày 7-5, pháo binh ta tiếp tục tập kích hỏa lực mãnh liệt vào sở chỉ huy của tướng Đờ Cát và các điểm cao, hỗ trợ bộ binh tiến công tiêu diệt các mục tiêu còn lại. Cũng trong buổi chiều hôm đó, chúng tôi đã vô cùng vui sướng, thậm chí nhiều người còn ôm nhau bật khóc khi qua hệ thống thông tin liên lạc được biết: Chiến dịch đã thắng lợi hoàn toàn. Tướng Đờ-Cát và toàn bộ bộ chỉ huy của địch ở Điện Biên Phủ đã bị bắt sống hoàn toàn…

(Ghi theo lời kể của cựu chiến binh Chử Văn Lương)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.