Thứ tư Ngày 24 Tháng 04 Năm 2024, 04:22:37

Tri ân bằng cả tấm lòng

Ngày đăng: 21/07/2020

QK2 – Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, tuy nhiên thực dân Pháp gây hấn trở lại, xâm lược Đông Dương. Ở Bắc Bộ, quân đội Pháp chiếm đóng nhiều nơi, tàn sát, bắn phá khiến đồng bào phải chịu nhiều đau thương, mất mát. Phát huy đạo lý nhân nghĩa “máu chảy ruột mềm” và góp phần làm dịu nỗi đau của những gia đình có người mất mát hy sinh, chính quyền non trẻ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thực hiện nhiều hình thức để bù đắp những thiệt hại này, trong đó xúc tiến vận động thành lập một tổ chức có tên gọi là Hội giúp binh sĩ tử nạn.

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 82 và Sư đoàn 3 (QĐND Lào) viếng nghĩa trang liệt sỹ Tông Khao, Điện Biên, nơi có các liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Lào yên nghỉ.

Đến đầu năm 1946, Hội giúp binh sĩ tử nạn (sau đó đổi tên thành Hội giúp binh sĩ bị thương) được thành lập ở Thuận Hóa, tỉnh Bình – Trị – Thiên, Hà Nội và một số nơi khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh được mời làm Hội trưởng danh dự. Hội đã tổ chức nhiều hoạt động quan trọng như nói chuyện, quyên góp quần áo, giày, mũ cho binh lính ở ngoài chiến trường, mở đầu cuộc vận động mùa đông chiến sĩ.

Sau Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19-12-1946) của Chủ tịch Hồ Chí Minh hiệu triệu, Thủ đô Hà Nội chính thức phát động chiến tranh và sau đó chiến tranh lan rộng ra nhiều vùng. Số người bị thương và tử nạn tăng lên. Đời sống của binh sĩ, nhất là những binh sĩ bị thương, gia đình liệt sỹ gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trước tình hình đó, ngày 7-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Thông báo về việc nhận con các liệt sỹ làm con nuôi”.

Hưởng ứng phong trào “Mùa đông binh sĩ” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động, toàn dân tham gia phá tan cuộc “tấn công mùa đông” của thực dân Pháp lên Chiến khu Việt Bắc. Cùng với đó, Bác Hồ cùng Trung ương ban hành các chủ trương, chính sách chăm lo thương binh, gia đình liệt sỹ. Chính phủ ban hành chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất cho thân nhân tử sĩ, có chính sách “ưu đãi các chiến sĩ bị thương và gia đình liệt sỹ”… Từ tháng 6-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị với Chính phủ chọn một ngày trong năm làm “Ngày Thương binh”. Ngày 10-7-1947, cơ quan Thương binh và Cựu binh (sau đổi thành Bộ Thương binh) được thành lập. Từ ý tưởng, chủ trương đó, Ban vận động “Ngày Thương binh” được thành lập.

Vào một buổi tối đầu tháng 7-1947, Ban vận động họp tại nhà một người dân ở xã Lục Ba, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Sau khi bàn bạc thống nhất chọn ngày 27-7-1947 làm Ngày Thương binh để báo cáo lên Trung ương và Bác Hồ.

Trước khi Ngày Thương binh chính thức được công nhận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi Thường trực Ban Tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc”. Bức thư có đoạn viết: “…Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí bị ốm yếu, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy…”

Tối 27-7-1947, tạị Thái Nguyên diễn ra cuộc mít tinh quan trọng với sự tham dự của 2.000 người. Tại buổi lễ, ban tổ chức đã trịnh trọng đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã gửi tặng một chiếc áo lụa, một tháng lương và một bữa ăn của nhân viên trong Phủ Chủ tịch dành tặng thương binh, thân nhân liệt sỹ. Từ đó hằng năm vào dịp này, Người cũng đều có thư và quà để gửi đến các anh em thương binh và gia đình liệt sỹ.

Sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đảng và Nhà nước ta càng quan tâm và giải quyết công tác thương binh, gia đình liệt sỹ. Từ năm 1955, ngày 27-7 Ngày Thương binh được đổi thành ngày Thương binh – Liệt sỹ.

Hơn 70 năm qua, cùng với những bước phát triển của kinh tế xã hội, chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng của Đảng, Chính phủ và Nhà nước ta ngày càng được bổ sung, củng cố và hoàn thiện. Việc tri ân những người có công với nước trở thành phong trào rộng lớn của toàn xã hội, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Tính đến năm 2019, hằng năm, Nhà nước đã dành hơn 32 nghìn tỷ đồng để thực hiện các chế độ ưu đãi cho 9,2 triệu người có công với cách mạng, trong đó có gần 1,2 triệu liệt sỹ, hơn 138 nghìn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn hai triệu thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ; hàng trăm nghìn người bị địch bắt tù đày, người nhiễm chất độc hóa học; hàng nghìn người được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong kháng chiến, Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới…

Toàn xã hội đã thể hiện lòng biết ơn bằng những việc làm thiết thực như thành lập quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, nhà tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa, chăm sóc bố, mẹ liệt sỹ già yếu cô đơn, con liệt sỹ mồ côi, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng. Các phong trào đã phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của cộng đồng, góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người có công. Chỉ tính từ năm 2010 trở lại đây, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” toàn quốc đã tiếp nhận 6.481 tỷ đồng, xây mới 85.145 căn nhà tình nghĩa, sửa chữa 70.431 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí gần 12.683 tỷ đồng; tặng 124.029 sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá gần 981 tỷ đồng; cả nước có 6.186 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được các đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời…

Tháng 7 lại về, cùng với toàn xã hội, LLVT Quân khu hòa vào dòng người “đi trong ngan ngát khói hương” ở các nghĩa trang quốc gia ở Điện Biên, Hà Giang, Trường Sơn và các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn, thể hiện tấm lòng của những người con trung hiếu, thành kính tri ân các liệt sỹ, tham gia chăm sóc các thương bệnh binh, Mẹ Việt Nam Anh hùng. Họ đã hy sinh, đã cống hiến cho dân tộc. Nghĩa vụ của thế hệ hôm nay là kế tục sự nghiệp, phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Bài, ảnh: VIỆT LONG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.