Thứ sáu Ngày 26 Tháng 04 Năm 2024, 12:56:44

Trải qua thiên tai hoạn nạn càng tôi luyện ý chí vững vàng

Ngày đăng: 09/11/2020

Do điều kiện vị trí địa lý, đất nước ta luôn phải đối mặt với thiên tai dịch họa bất thường. Cùng với giặc ngoại xâm thì thiên tại, dịch họa trở thành một thứ “giặc” mà người dân phải chống chọi, vượt lên để sinh tồn và phát triển. Thành ngữ có câu: “Nhất thủy, nhì hỏa, thứ ba đạo tặc”. “Thủy” là thứ “giặc” hiểm họa đầu tiên. Giặc giã và thiên tai làm cho dân tộc trải qua nhiều biến cố. Trải qua những biến cố đó, tinh thần đoàn kết tạo sức mạnh cộng đồng lại vươn dậy mạnh mẽ, trở thành biểu tượng của tinh thần nhân ái, “lá lành đùm là rách” để vượt qua chông gai, đạp bằng sóng dữ, ổn định cuộc sống.

Năm 2020, toàn thế giới cũng như Việt Nam phải gồng mình đối phó với dịch Covid-19. Cùng với đó, thiên tai, lũ lụt tiếp tục trở thành hiểm họa ở nhiều vùng trên cả nước, trong đó có khúc ruột miền Trung

Khi thiên tai ập đến, tinh thần cố kết dân tộc lại được thổi bùng lên mạnh mẽ. Cả nước hướng về khúc ruột miền Trung. Ấy nhưng, đâu đó trên các trang mạng xã hội, báo mạng nước ngoài vẫn có những tư tưởng lợi dụng tình hình thiên tai để xuyên tạc, kích động nhằm chống phá, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ và hạ thấp vai trò, uy tín của chính quyền các cấp và LLVT.

Họ cho rằng, hạn hán và lũ lụt, động đất, sạt lở đất liên tục là do xây dựng các công trình thủy điện làm “mất nhiều, được ít”; xây các đập thủy điện phải phá rừng và tích hết nước. Khi mực nước dâng cao, các đập thủy điện lại xả lũ bất ngờ khiến dân không chạy kịp. Họ lại cho rằng, chưa bao giờ lũ quét, sạt lở cả ở rừng núi lẫn bờ sông, bờ biển tại Việt Nam lại nhiều và trầm trọng như 20 năm vừa qua và đây là khoảng thời gian tương ứng với chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Họ còn xuyên tạc rằng, chính quyền Việt Nam không chú ý đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc tự động để phòng ngừa thảm họa mà chỉ chú trọng các khoản đã chi cho hệ thống cổng chào, tượng đài, nhà hát, quảng trường…

Dân ta có câu, “nước chảy chỗ trũng”. Ở địa hình đồi dốc lớn là căn bản như ở Việt Nam, khi có mưa lũ, nước từ thượng nguồn đổ về, các hồ thủy điện, thủy lợi phải thực hiện các quy trình điều tiết xả lũ một cách hợp lý, vừa bảo đảm an toàn công trình, vừa giảm thiệt hại cho hạ du. Trên thực tế, những năm trước đây, khi chưa có nhiều đập thủy điện, đã có những trận lũ lụt, sạt lở đất lớn. Các nhà khoa học đã chứng minh các đập thủy điện vừa có khả năng sản sinh dòng điện, vừa tham gia chống lũ, điều tiết nước phục vụ tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp hạ du. Việt Nam có gần 2.400 con sông lớn nhỏ, tiềm năng thủy điện lớn. Nhu cầu sử dụng điện để sinh hoạt, sản xuất và phát triển ngày càng cao. Với tiềm năng sẵn có, phát triển thủy điện là khách quan. Quốc hội, Chính phủ đã từng bước có những giải pháp phù hợp cho lĩnh vực này.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp. Theo thông tin từ cơ quan chức năng về Giảm nhẹ rủi ro thiên tai của Liên hiệp quốc (UNDDR), trong vòng 20 năm trở lại đây, các loại thiên tai trên thế giới đã tăng lên khoảng 75%, làm thiệt mạng hơn 1 triệu người và ảnh hưởng đến hơn 4 tỷ dân, gây thiệt hại kinh tế gần 3.000 tỷ USD.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 10 về tình hình phát triển kinh tế – xã hội cuối tháng 10 vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã phân tích: “Lũ cao thì do mưa lớn kéo dài, nắng lắm mưa nhiều – đó là quy luật của trời đất. Rồi lũ lịch sử, tất cả đều có tần suất”.

Đợt lũ lịch sử tại miền Trung tháng 10 vừa qua trải qua ba đợt lũ, có mực nước vượt qua lịch sử từ mấy chục năm nay. Đặc biệt đợt lũ thứ ba từ ngày 25 tháng 10, với hai cơn bão đổ bộ, đặc biệt cuồng phong nghiêm trọng của bão Molave ngày 28, 29 gây tổn thất vô cùng lớn, được đặt mức báo động IV, thuộc về cấp bậc thiên tai nguy hiểm, rủi ro rất lớn, ảnh hưởng sâu rộng và tác động gây tổn thất, thiệt hại toàn khu vực, phá hủy, trì hoãn và đẩy ngược nền kinh tế – xã hội của miền Trung Việt Nam, vốn trước đó một số địa phương này là điểm nóng của đại dịch Covid-19 đợt hai tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng Việt Nam cho rằng, khi mưa to thì nước dâng lên, không có thủy điện thì nước càng dâng mạnh. Thủy điện cũng phải xả nước tràn để đảm bảo độ an toàn, nhưng không hề thấy nói về hồ thủy lợi, một số hồ thủy lợi còn hơn cả hồ thủy điện. Đổ lỗi cho Chính phủ, chính quyền là không khách quan. Khi mưa nếu không có đập thủy điện thì nước lên càng nhanh và càng nguy hiểm.

Về vấn đề sạt lở đất, nhưng lại đổ lỗi cái chính là do phá rừng, Phó Thủ tướng cho rằng: Mưa lâu ngày, đất chứa nhiều nước hay còn gọi là no nước làm cho tính kết dính rất kém. Khi có thêm tác động sẽ gây ra sạt lở đất rất mạnh. Đơn cử như ở Quảng Nam khi bão vào tác động mưa cục bộ thì sạt lở đất rất mạnh. Khu vực đó rừng nhiều lắm chứ không phải không có rừng”. Về rừng ở Việt Nam, nếu như  năm 1995 độ che phủ chỉ có 28%, còn hiện nay đứng thứ 50/193 quốc gia và phủ kín trên 40%.

Việt Nam được đánh giá là thành công ngoạn mục trong khống chế đại dịch Covid-19. Còn trong cơn đại hồng thủy này, các cấp các ngành và toàn dân chung tay phòng chống, khắc phục hậu quả. Cả nước đã hướng về đồng bào vùng lũ miền Trung ruột thịt với nhiều nghĩa cử, chương trình, quyên góp, ủng hộ, hỗ trợ đồng bào vùng lũ.  Sự chăm lo, quan tâm của Đảng, Chính phủ, các cấp chính quyền, các lực lượng xã hội tiếp tục dấy lên phong trào “lá lành đùm lá rách”… Trong gian khó, hoạn nạn, ý chí và bản lĩnh Việt Nam tiếp tục được tôi rèn. Đấy là cơ sở để bác bỏ những luận điệu xuyên tạc của các thế lực phản động, thù địch lợp dụng nỗi đau của người dân và sự tàn phá khốc liệt của thiên thai dịch họa. Đoàn kết toàn dân tộc hướng về miền Trung, loại bỏ luận điệu xuyên tạc chống phá Đảng ta là trách nhiệm của mỗi người dân đồng hành cùng người dân vùng lũ vượt qua thiên tai, thảm họa.

VIỆT LONG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.