Thứ ba Ngày 19 Tháng 03 Năm 2024, 10:00:29

Toàn quân phòng, chống hiệu quả dịch sốt xuất huyết

Ngày đăng: 11/11/2015

Theo thông báo của Bộ Y tế, tính từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 53,4 nghìn trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) với 36 trường hợp tử vong. Trong quân đội, số ca SXH tích lũy từ đầu năm đến nay cũng tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2014. Song nhờ các biện pháp chủ động, khoa học, toàn quân đã không để xảy ra dịch SXH, công tác phòng, chống, phát hiện, điều trị của quân y các đơn vị và các bệnh viện quân đội kịp thời, hiệu quả.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc bệnh

SXH là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi-rút Dengue gây nên. Bệnh lây theo đường máu qua trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes. Bệnh có biểu hiện lâm sàng chủ yếu là sốt cấp diễn và xuất huyết với nhiều dạng khác nhau, thể nặng có sốc dễ gây tử vong.

Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam, SXH là bệnh lưu hành tại hầu hết các tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu ở phía Nam. Bệnh SXH diễn biến rất phức tạp và luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành dịch. Tất cả những người chưa có miễn dịch đều có thể bị nhiễm SXH. Tại những vùng bệnh lưu hành nặng và quanh năm thì đối tượng mắc bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em, người lớn ít gặp hơn do đã bị nhiễm và có khả năng miễn dịch với nhiều tuýp vi-rút của bệnh SXH từ khi còn nhỏ. Ngược lại, ở những vùng bệnh lưu hành theo mùa, không thường xuyên, ở mức độ nhẹ hơn, thì tỷ lệ người lớn mắc bệnh cao hơn.

Quân y Lữ đoàn 113 Đặc công phun thuốc diệt muỗi trong khuôn viên đơn vị. Ảnh: Tuấn Đức

Quân y Lữ đoàn 113 Đặc công phun thuốc diệt muỗi trong khuôn viên đơn vị. Ảnh: Tuấn Đức

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá, TS Lê Ngọc Anh, Trưởng phòng Vệ sinh Phòng dịch, Cục Quân y (Bộ Quốc phòng), dẫn chứng: Số lượng bệnh nhân SXH trong quân đội 5 năm (từ 2010-2014) đã giảm 27,6% so với trước. Bệnh SXH diễn ra quanh năm và thường rộ lên bắt đầu từ tháng 7, với đỉnh điểm là vào tháng 11 hằng năm. Năm 2015, tích lũy từ đầu năm đến nay, số ca nhập viện đã tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2014 và tập trung chủ yếu tại các đơn vị phía Nam. “Số lượng bệnh nhân tăng đáng kể so với những năm gần đây là một trong những lo ngại của các đơn vị. Nếu không có các biện pháp phòng, chống hiệu quả, kịp thời, dịch bệnh có thể sẽ lây lan, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe bộ đội, chất lượng huấn luyện, công tác của các đơn vị”-Đại tá Lê Ngọc Anh nói với chúng tôi.

Chủ động phòng, chống hiệu quả

Theo Đại tá Lê Ngọc Anh, SXH là bệnh truyền nhiễm dễ lây lan thành dịch và dịch lớn. Hiện nay chưa có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu để chống SXH. Do đó, để phòng, chống hiệu quả với dịch SHX là phải “diệt bọ gậy, diệt muỗi và chống muỗi đốt”.

Với mục tiêu là giảm mắc, không để xảy ra tử vong và khống chế không để xảy ra dịch, Đại tá Lê Ngọc Anh khẳng định: Cục Quân y đã chủ động nắm tình hình, hướng dẫn, triển khai cho hệ thống quân y trong toàn quân tăng cường giám sát phát hiện ca bệnh SXH, giám sát muỗi truyền bệnh, phát hiện sớm ca bệnh và kịp tổ chức các biện pháp phòng, chống dịch.

Điều trị, chăm sóc bệnh nhân SXH tại Bệnh viện Quân y 354 (Tổng cục Hậu cần). Ảnh: Xuân Năng

Điều trị, chăm sóc bệnh nhân SXH tại Bệnh viện Quân y 354 (Tổng cục Hậu cần). Ảnh: Xuân Năng

Ngoài ra, quân y các đơn vị cũng luôn chủ động tham mưu với chỉ huy các cấp làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến cho bộ đội nhận thức sâu sắc về tác hại, ảnh hưởng của bệnh SXH. Chủ động làm tốt công tác phòng, chống từ xa, như: Tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ thực hiện các biện pháp diệt bọ gậy, diệt muỗi với khẩu hiệu “không có loăng quăng, không còn sốt xuất huyết” và chống muỗi đốt. Tiến hành vệ sinh môi trường, nạo vét cống rãnh, san lấp vũng nước đọng, chôn lấp phế thải, phát quang bụi rậm… nhằm loại bỏ điều kiện sinh trưởng của muỗi và bọ gậy. Chú trọng kiểm tra, nhắc nhở bộ đội bảo đảm 100% ngủ trong màn, mặc quần áo dài khi làm việc ban ngày, xoa thuốc chống muỗi đốt lên vùng da hở khi làm việc tại nơi có nhiều muỗi và khi đi dã ngoại. Các đơn vị tiến hành phun hóa chất định kỳ vào giai đoạn muỗi truyền bệnh SXH phát triển. Phun đột xuất để phòng dịch khi mật độ muỗi truyền bệnh SXH lớn hơn mức độ cho phép. Kịp thời phát hiện bệnh nhân SXH, điều trị sớm-đúng, không để biến chứng sốc xảy ra. Tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca bệnh SXH, điều trị kịp thời chuyển tuyến hợp lý.

Bên cạnh đó, ngoài chú trọng việc phòng, chống dịch trong Quân đội, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đã tích cực, chủ động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân trên các địa bàn đơn vị đóng quân về dịch SXH. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương tổ chức tổng dọn vệ sinh, khử khuẩn môi trường, hạn chế tối đa các trường hợp bị nhiễm bệnh trong nhân dân.

Ngoài ra, tiến hành khảo sát tại một số bệnh viện quân y, như: Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 354 (Tổng cục Hậu cần), Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y) và bệnh xá các đơn vị, chúng tôi nhận thấy, tất cả các bệnh nhân SXH trong các đơn vị quân đội đều được phát hiện sớm khi chuyển đến viện và phân nhóm trong điều trị. Các trường hợp nhẹ điều trị tại bệnh xá cấp trung, sư đoàn, nhóm nặng được kịp thời chuyển tuyến đến các bệnh viện tuyến sau. Tại các bệnh viện, các trường hợp nặng cũng được đánh giá và điều trị phù hợp theo đúng phác đồ và hướng dẫn nghiệp vụ của Cục Quân y và tuyến sau.

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, năm 2015, mặc dù số ca nhiễm bệnh SXH trong nước cũng như quân đội có tăng, song toàn quân đã kịp thời kiểm soát và điều trị hiệu quả, không để xảy ra thành dịch. Tất cả các trường hợp SXH được điều trị khỏi bệnh nhanh, không có trường hợp nào nặng đến mức độ biến chứng nguy hiểm, bảo đảm duy trì tốt tỷ lệ quân số khỏe tham gia học tập, công tác.

(Theo QĐND)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.