Thứ sáu Ngày 26 Tháng 04 Năm 2024, 12:31:33

Tinh thần tự hào dân tộc chiến thắng đại dịch

Ngày đăng: 24/06/2020

QK2 – Đến giữa tháng 6, trên thế giới đã có trên 8 triệu người nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus Corona chủng mới gây ra, trong đó đã có hơn 450 nghìn người tử vong. Riêng ở Việt Nam, cho đến thời điểm này, có thể khẳng định nước ta đã làm được những điều kỳ diệu, toàn xã hội nỗ lực tất cả sức mạnh dân tộc trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc”. Thành công trong công tác phòng, chống Covid-19 của Việt Nam được cả cộng đồng thế giới ghi nhận và ngợi ca. Không phải ngẫu nhiên mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng như nhiều quốc gia trên thế giới ấn tượng và đánh giá cao Việt Nam, đồng thời mong muốn được chia sẻ thông tin, bài học kinh nghiệm trong phòng, chống dịch bệnh đối với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước nghèo, đang phát triển. Những kết quả đó là sự cố gắng không ngừng nghỉ của từng người dân và toàn xã hội, các cơ quan, ban ngành từ địa phương tới Trung ương, là quyết tâm cao độ của người đứng đầu Đảng, Nhà nước, là sự nỗ lực, hy sinh của đội ngũ y, bác sĩ, những cán bộ, chiến sĩ trên tuyến đầu "chống giặc" Covid-19.

Tổ cơ động phòng, chống dịch Covid-19 thuộc Đội Y học dự phòng Quân khu triển khai phun khử trùng phòng, chống dịch ở Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc).

Ấy vậy nhưng thành công rực rỡ của chiến dịch phòng, chống “giặc dịch” ấy dường như chưa đủ đối với một số phần tử chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam. Trên một số tờ báo điện tử, trang mạng xã hội bằng tiếng Việt từ nước ngoài, đâu đó vẫn có những luận điệu xuyên tạc kết quả chống dịch của Việt Nam, rêu rao “phá bĩnh” rằng: Việt Nam không nên dùng các biện pháp độc tài để chống dịch. Những kẻ bất đồng chính kiến ấy cho rằng, ở một số chính phủ độc tài họ có một số biện pháp chống dịch quyết liệt, gay gắt hơn, trong khi ở một số nước phương Tây, kiểm soát dịch bằng các biện pháp mang tính khuyến khích là chính, vẫn tôn trọng quyền con người. Họ đổ vấy cho việc chúng ta thực hiện khai báo y tế là sách nhiễu, cố tình vi phạm nhân quyền khi theo dõi thân nhiệt của người dùng trên điện thoại di động và dùng các biện pháp kỹ thuật để theo dõi hành tung của người dân. Và họ cũng đưa ra quan điểm “bất bình” về việc Đảng Cộng sản Việt Nam nhận vơ tất cả thành quả về mình.

Có lẽ những kẻ bất đồng chính kiến ấy đã cố tình không hiểu, quyền được sống trong môi trường an toàn là quyền tối thượng đối với con người. Trong khi Việt Nam là một trong những quốc gia láng giềng của Trung Quốc, đông dân, lại có bệnh nhân bị lây nhiễm sớm từ ổ dịch đầu tiên của thế giới này. Trong lúc nguy nan, dịch bệnh có nguy cơ lan rộng thì tinh thần dân tộc, tính nhân văn, lòng nhân ái được thể hiện mạnh mẽ. Ngay khi xuất hiện tâm dịch ở Vũ Hán (Trung Quốc), chúng ta đã điều máy bay đón các du học sinh về nước và hàng chục phi công, tiếp viên đăng ký tình nguyện đi vào tâm dịch “giải cứu” đồng bào. Bệnh nhân số 91, một phi công người Anh khi có nguy cơ phải ghép phổi thì 50 người tình nguyện sẵn sàng hiến phổi.

Trong muôn trùng khó khăn, cả dân tộc Việt Nam đã đoàn kết một lòng, chống dịch với tinh thần của thời chiến, "chống dịch như chống giặc", “thần tốc, thần tốc hơn nữa”. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước ra lời kêu gọi toàn dân đoàn kết phòng, chống đại dịch, khẳng định: “Với tinh thần coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, tôi kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh”.

Việt Nam đã sử dụng tổng lực các biện pháp, các đối sách kịp thời như cách ly tập trung, sử dụng lực lượng quân đội, công an vào cuộc, đi đầu nhường nơi ăn, chỗ ngủ cho người cách ly, khóa chặt bên ngoài, khoanh vùng, dập dịch bên trong, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng hộ. Toàn dân vào cuộc, đồng tâm hiệp lực, quyết tâm chống Covid-19, hạn chế tối đa lây nhiễm trong cộng đồng. Nhờ đó, chúng ta có tỷ lệ lây nhiễm trên số dân là thấp nhất và chi phí phòng, chống dịch cũng thấp nhất. Điều thần kỳ và may mắn là không có người tử vong do Covid-19.

Tại hội nghị sơ kết công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức vào trung tuần tháng 6, các cơ quan đã đánh giá, công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống đại dịch được triển khai đồng bộ, quyết liệt, đa dạng với tất cả các hình thức truyền thông như báo chí, qua tin nhắn SMS, mạng xã hội, truyền thông tại cơ sở, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng. Trong vòng 4 tháng, báo chí đã đăng tải trên 560.000 tin, bài về dịch Covid-19. Trong 5 tháng đầu năm 2020, trên không gian mạng Việt Nam có gần 17 triệu cập nhật gồm dòng trạng thái, bình luận… liên quan tới tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam. Trong đợt dịch này, mỗi chiếc điện thoại nhỏ bé đã trở thành một công cụ tuyên truyền có vai trò to lớn trong thông báo, tuyên truyền chống dịch.

Trong khó khăn hoạn nạn, tinh thần đoàn kết toàn dân tộc được nhân lên gấp bội lần. Nhiều câu chuyện đẹp của lòng nhân ái được viết nên. Đến thời điểm này, khi đại dịch vẫn đang hoành hành ở nhiều nơi trên thế giới, chúng ta có quyền tự hào rằng, người dân Việt Nam đang được sống và làm việc trong điều kiện môi trường an toàn. Tinh thần tự hào, đoàn kết toàn dân tộc đã chiến thắng đại dịch. Những điều kỳ diệu, những câu chuyện đẹp được dệt nên giữa đại dịch là minh chứng hùng hồn cho nhân quyền Việt Nam, cho tính ưu việt của chế độ dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ. Những thông tin xuyên tạc về tình hình phòng, chống Covid-19 nêu trên trở nên lạc lõng, làm vấy bẩn bức tranh của lòng nhân ái trong phòng, chống đại dịch của Việt Nam, cần phải bị loại bỏ.

ĐỨC ĐÀO

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.