Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 12:38:49

Tình quân dân dưới chân núi Mỏ Neo

Ngày đăng: 26/11/2019

Bài 2: Người viết sử biên cương

 

40 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Trung đoàn 877 luôn xứng đáng là lực lượng nòng cốt của tỉnh Hà Giang trong xây dựng vững chắc thế trận phòng thủ bảo vệ biên giới Tổ quốc. Để hiểu rõ hơn về những trang sử hào hùng của Trung đoàn 877, chúng tôi đã tìm gặp những cán bộ từng gắn bó với trung đoàn từ thời kỳ đầu thành lập. Trong căn nhà giản dị ở thành phố Hà Giang, chúng tôi gặp Đại tá Nguyễn Kim Chung, nguyên Phó chỉ huy trưởng về Chính trị Bộ CHQS tỉnh Hà Giang. Năm nay, ở tuổi ngoài 70 nhưng ông Chung rất mẫn tiệp. Trong cuộc trò chuyện, ông cho chúng tôi biết, đến thời điểm hiện tại, ông đã tham gia viết và biên tập hơn một chục đầu sách lịch sử các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Ngoài ra ông cũng xuất bản riêng 2 cuốn tiểu thuyết và ba tập sách kể về ký ức hào hùng thời chiến tranh.

Trung đoàn 877 coi trọng giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ.

Sau khi tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông Nguyễn Kim Chung trở về công tác tại Bộ CHQS tỉnh Hà Giang. Nhớ lại thời kỳ mới về tỉnh Hà Giang nhận nhiệm vụ, ông Chung cho biết, lúc đấy Hà Giang là một tỉnh rất nghèo, giao thông đi lại khó khăn nhưng liên tục bị kẻ thù và các thế lực phản động chống phá bằng kiểu chiến tranh lấn chiếm biên giới và chiến tranh phá hoại nhiều mặt. Nhằm tăng cường khả năng phòng thủ biên giới, tăng cường sự lãnh đạo của của Đảng đối với lực lượng vũ trang, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, ngày 15-10-1979, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Trung đoàn Bộ binh 877 thuộc Bộ CHQS tỉnh Hà Tuyên (nay là hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang), với nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và huấn luyện chiến đấu, trong đó nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu là nhiệm vụ trọng tâm.

 Căn cứ vào nhiệm vụ tác chiến, Bộ CHQS tỉnh Hà Giang quyết định điều động Trung đoàn 877 tăng cường cho các huyện Đông Bắc của tỉnh, đồng thời chọn xã Minh Ngọc, huyện Vị Xuyên (nay thuộc huyện Bắc Mê) làm nơi đóng quân. Đại tá Nguyễn Kim Chung cho biết: “Ngày mới thành lập, 90% chiến sĩ người dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông, Cao Lan đều là con em các dân tộc trong tỉnh. Thời điểm đó, kinh tế đất nước rất khó khăn, đơn vị thành lập nhưng chủ yếu vẫn ở trong dân, dựa vào dân làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu”. Sau khi được thành lập, các đơn vị của Trung đoàn 887 đi bộ hàng trăm ki-lô-mét đường rừng núi lên các huyện: Mèo Vạc, Yên Minh, Đồng Văn. Những cán bộ, chiến sĩ trong đội quân tiên phong khi ấy, nay trong ký ức của họ gian khó vẫn còn in đậm. Bản, xã chưa có đường vào chính thức mà chỉ là những lối mòn luồn theo khe núi, vực sâu. Bọn phản động thường xuyên chỉ điểm, dẫn lối cho thám báo, biệt kích đối phương thâm nhập, hoạt động bắt cóc, gài mìn, phục kích cán bộ ta.

ĐÌNH TRỌNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.