Thứ năm Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024, 08:41:35

Tỉnh Điện Biên củng cố quốc phòng – an ninh gắn với phát triển kinh tế – xã hội

Ngày đăng: 24/06/2020

QK2 – Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, có đường biên giới dài 400,86km tiếp giáp với hai nước Lào và Trung Quốc. Dân số của tỉnh hiện có trên 54,7 vạn người, gồm 19 dân tộc anh em, trong đó: Dân tộc Thái chiếm 37,9%, dân tộc Mông 34,8%, dân tộc Kinh chiếm 18,4%, còn lại là các dân tộc khác. Điện Biên là tỉnh có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng – an ninh (QP-AN) đối với thế trận phòng thủ của cả nước và Quân khu 2.

Đồng chí Mùa A Sơn trao Bằng khen tặng các tập thể, cá nhân đạt thành tích cao trong diễn tập KVPT tỉnh.

Nhận thức rõ tầm quan trọng đó, những năm qua, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ, chính quyền, LLVT và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã đoàn kết, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phát huy mọi nguồn lực, xây dựng tỉnh vững mạnh về mọi mặt, giành được nhiều thành tựu quan trọng. Kinh tế – xã hội (KT-XH) ngày càng phát triển, chính trị ổn định, QP-AN được tăng cường.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã đề ra mục tiêu “Đẩy mạnh phát triển kinh tế, tập trung xoá đói giảm nghèo, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển; chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế trên cơ sở khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Phát triển toàn diện văn hoá – xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và chủ quyền biên giới quốc gia; tăng cường, mở rộng quan hệ đối ngoại, sớm đưa tỉnh Điện Biên ra khỏi tình trạng kém phát triển”. Triển khai thực hiện, các cấp, ngành, LLVT và nhân dân các dân tộc tỉnh đã tập trung phát triển KT-XH, tăng cường QP-AN đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Để nhiệm vụ tăng cường QP-AN gắn với phát triển KT-XH đạt hiệu quả, tỉnh đã xác định phương hướng, giải pháp, nội dung sát với thực tế địa phương và được cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN. Cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành đã quán triệt sâu rộng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động. Từ đó các cấp, ngành, đơn vị nghiêm túc thực hiện theo phương châm: Tập trung đẩy mạnh phát triển KT-XH đồng thời tham gia tích cực vào việc tăng cường tiềm lực QP-AN. LLVT tỉnh thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong nhiệm vụ tăng cường tiềm lực QP-AN và tham gia phát triển KT-XH ở địa phương, góp phần giảm nghèo bền vững. Trong đó xây dựng các quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH, quy hoạch thế trận quân sự, quốc phòng đảm bảo cả mục tiêu KT-XH và QP-AN theo hướng: Mỗi bước phát triển KT-XH là một bước tăng cường tiềm lực của nền quốc phòng toàn dân, thế trận khu vực phòng thủ trên địa bàn; QP-AN được tăng cường là tiền đề vững chắc để đẩy mạnh phát triển KT-XH ở địa phương. Thực hiện tốt việc quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH gắn với củng cố QP-AN, tỉnh Điện Biên đã đạt được những kết quả quan trọng, như: Quy hoạch phát triển nông – lâm nghiệp bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và bảo đảm tích lũy cho nhu cầu của KVPT; quy hoạch mạng lưới giao thông, phát triển bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin bảo đảm kết hợp phục vụ dân sinh với phục vụ QP-AN; hệ thống y tế kết hợp quân – dân y; quy hoạch, bố trí dân cư đều gắn với nhiệm vụ xây dựng KVPT của tỉnh…

Cán bộ Đoàn KT-QP 379 giúp người dân bản Mường Toong 7, xã Mường Toong, huyện Mường Nhé dựng nhà.

Nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục chính trị – tư tưởng, giáo dục QP-AN. Tỉnh xác định rõ: Giáo dục QP-AN là nhiệm vụ hết sức quan trọng, góp phần thiết thực xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân (ANND) vững chắc. Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho 17.789 cán bộ, công chức, đảng viên đối tượng 3 và 4. Tỉnh đã chỉ đạo Hội đồng giáo dục QP-AN các cấp và các cơ quan chức năng đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục QP-AN cho 84.422 học sinh, sinh viên trong các nhà trường cả học chính khóa và các hoạt động ngoại khóa, như: Hội thi, hội thao quốc phòng, tham quan các di tích, gặp mặt nhân chứng lịch sử… Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp chặt chẽ với Đài Phát thanh – Truyền hình, Báo Điện Biên Phủ mở các chuyên mục QPTD và chuyên trang quốc phòng hằng tháng… tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương.

Nhằm củng cố, tăng cường QP-AN trong tình hình mới, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng LLVT vững mạnh, từng bước hiện đại, thực sự là lực lượng chính trị trung thành, tin cậy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân; là nòng cốt trong xây dựng nền QPTD, xây dựng KVPT tỉnh ngày càng vững chắc; phòng chống hiệu quả chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên địa bàn, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống. Đến nay LLVT tỉnh đã xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp; thường xuyên duy trì nghiêm các chế độ trực SSCĐ; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trên địa bàn nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu, xử lý chính xác các tình huống, không để bị động, bất ngờ; từng bước xây dựng, bổ sung, hoàn chỉnh các kế hoạch, phương án chiến đấu.

Tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, nòng cốt là LLVT chủ động rà soát, điều chỉnh, bổ sung các phương án, kế hoạch tác chiến KVPT ở các cấp, kế hoạch phòng chống lụt bão, cháy rừng, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn theo quy hoạch tổng thể của tỉnh. Trong quá trình xây dựng KVPT chú trọng về chiều sâu, coi trọng đầu tư xây dựng và từng bước hoàn thiện căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương… Đồng thời nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện nhiệm vụ QP-AN cho cán bộ các cấp, nâng cao trình độ tác chiến cho LLVT. Việc tổ chức chặt chẽ các cuộc diễn tập KVPT còn nhằm đạt mục tiêu gắn với thực hiện chính sách dân tộc, xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, xây dựng nông thôn mới, xây dựng “thế trận lòng dân”. Nhờ đó những năm qua LLVT tỉnh đã thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, hoàn thiện các phương án, kế hoạch hiệp đồng, phối hợp xử lý hiệu quả các tình huống về QP-AN, đối ngoại; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.

Giữ vững QP-AN đã tạo điều kiện thúc đẩy KT-XH của tỉnh phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao; sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố, tăng cường. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2020 ước đạt 20.056 tỷ đồng, tăng 1,78 lần so với năm 2015; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016 – 2020 ước đạt 6,83%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 38,25 triệu đồng/người. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 23,96% (năm 2015) xuống 18,22% (năm 2020), công nghiệp – xây dựng tăng từ 21,74% (năm 2015) lên 22,65% (năm 2020), dịch vụ tăng từ 51,71% (năm 2015) lên 54,19% (năm 2020). Tổng thu ngân sách địa phương giai đoạn 2016 – 2020 ước đạt 55.257 tỷ đồng; trong đó, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 5.794,01 tỷ đồng. Hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch tiếp tục đà phát triển, thu hút các thành phần kinh tế tham gia. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2016 – 2020 ước đạt 55.892,6 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân trên 12,79%/năm. Văn hóa, y tế, giáo dục, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện toàn diện và đạt nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm từ 48,14% năm 2016 xuống còn 30,67% năm 2020, bình quân giảm 3,49%/năm.

Phát huy kết quả đạt được, để thực hiện tốt nhiệm vụ tăng cường QP-AN gắn với phát triển KT – XH trong thời gian tới, tỉnh Điện Biên tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:

Một là, thực hiện nghiêm quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN trong tình hình mới. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy và hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp trong thực hiện phát triển KT-XH gắn với củng cố QP-AN phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Coi đây là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị cùng nhân dân các dân tộc trong quá trình thực hiện.

Hai là, xây dựng quy hoạch, kế hoạch tổng thể làm tiền đề cho việc triển khai, cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển KT-XH gắn với củng cố QP-AN trong tình hình mới. Rà soát các chương trình, dự án về phát triển KT-XH với QP-AN thời gian qua để dự báo, xác định nhiệm vụ cụ thể cho từng thời kỳ ngắn hạn và dài hạn; tập trung có trọng điểm theo từng lĩnh vực và địa bàn.

Ba là, triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án kết hợp KT-XH với QP-AN, các dự án trọng điểm, chú trọng những dự án có tính “lưỡng dụng”; thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế động lực gắn với đảm bảo QP-AN. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện, hạn chế thấp nhất thất thoát, lãng phí.

Bốn là, kiện toàn và phát huy vai trò tham mưu của cơ quan chuyên trách QP-AN các cấp đối với cấp ủy Đảng và chính quyền về thực hiện kết hợp phát triển KT-XH gắn với củng cố QP-AN trong tình hình mới; thực hiện hiệu quả chính sách quốc phòng, chính sách hậu phương quân đội; củng cố lòng tin của nhân dân các dân tộc với Đảng, nhà nước và LLVT.

MÙA A SƠN, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.