Thứ tư Ngày 17 Tháng 04 Năm 2024, 03:50:59

Thầy giáo cũ

Ngày đăng: 07/10/2019

QK2 – Gặp mặt kỷ niệm 35 năm ngày ra trường, Lượng chỉnh tề trong bộ quân phục, quân hàm, cầu vai trung tá lấp lánh trên vai. Điều này khác với phong cách ăn mặc trước đây của anh. Mỗi khi đi gặp mặt bạn bè cùng lớp, khi thì Lượng vận áo sơ mi quần tây đóng thùng; lúc lại quần bò, áo phông trẻ trung; mùa thu khoác đờ-mi bóng bẩy. Mấy cô bạn cùng lớp thường khen Lượng sành điệu, “lột xác” so với thời phổ thông, nhỏ tí tẹo như cậu bé tiểu học. 

Lượng của hơn ba chục năm trước là thế, đã bé nhỏ lại nhút nhát, toàn được ngồi bàn đầu gần bục giảng của thầy, chào cờ toàn trường cũng được xếp đầu hàng. Học cuối cấp, Lượng đăng ký thi đại học ngành quân sự. Năm học lớp 12, Lượng chỉ cao một mét năm ba, nặng ba mươi bẩy ký rưỡi cả quần áo. Đến nỗi, người cán bộ làm công tác tuyển sinh quân sự của thành phố khi tiếp nhận hồ sơ của Lượng, quan sát kỹ từ đầu đến chân rồi xoa đầu, cười hỏi:

– Em quyết tâm thi Học viện Kỹ thuật quân sự à? Nhỏ con thế này liệu có cầm súng, vác ba lô hành quân được không!?”

Lượng nghe nhận xét của người cán bộ tuyển sinh mà mặt đỏ nhừ. Chuyện Lượng đăng ký thi quân sự trượt ngay từ vòng sơ tuyển rồi sau cả lớp biết và trở thành đề tài đàm tiếu. Lượng phải một phen sửng cồ, nhưng một cậu nhóc bé nhất lớp không thể đấu lại với ba, bốn chục thiếu niên mới lớn. Lượng tuyên bố:

– Đấy là nguyện vọng cá nhân, cá nhân tự chịu trách nhiệm, không ai có quyền xúc phạm! – Lượng phồng mồm trợn má khiến cả lớp mắt tròn, mắt dẹt.

Đến khi Lượng trở thành sĩ quan, ai cũng ngạc nhiên và trầm trồ thán phục. Thời ấy đỗ đại học là của hiếm, đại học quân sự lại càng ít ỏi mà Lượng đỗ được là cả một kỳ công. Còn Lượng hôm nay đường hoàng đĩnh đạc, ra dáng của một cán bộ mấy chục năm công tác trong quân đội, khối người ước vọng.

– Các bạn, hôm nay lớp mình gặp mặt kỷ niệm 35 năm ngày ra trường; ngày này cũng là ngày giỗ của thầy Hoan đấy! – Lượng nói, giọng bùi ngùi khiến không khí buổi gặp mặt như trầm xuống.

* * **

Ba mươi tám năm trước, lứa học sinh như Lượng bắt đầu vào trung học phổ thông, gần như là khóa đầu chuyển từ hệ 10 năm sang 12 năm theo chương trình cải cách giáo dục. Thời kỳ trước đổi mới, cùng với bao khó khăn của đất nước, học sinh đến trường cơm hạt gạo thì ít, miếng sắn, miếng khoai thì nhiều, nhiều khi áo không đủ ấm, có đứa dép đứt còn đi chân đất, một số ít thằng con nhà buôn bán, có điều kiện lại đua đòi, ăn chơi ngất trời. Lớp 10K ngày ấy tự dưng trở thành nổi tiếng “nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò”. Đánh nhau có, trốn học có, chấp hành giờ giấc thì lèm nhèm, thứ hạng học tập thì “bét toàn tập” so với trường, với khối.

Ngày thầy Hoan về thực tập, với dáng vẻ thư sinh, hòa nhã, nhất là giọng giảng bài cuốn hút làm cả lớp trầm trồ thán phục. Lần đầu tiên thầy tiếp xúc với lớp là giờ sinh hoạt cuối tuần. Thầy Hoan cũng có vẻ khá căng thẳng nhưng đã khéo léo giấu nhẹm vẻ căng thẳng ấy để tự tin trước một tập thể hơn bốn chục học trò, bên cạnh những trò ngơ ngơ ngác ngác là những gương mặt với những bộ trang phục khá “hầm hố”.

– Thầy mời em Nguyễn Thanh Bản đứng dậy! Em cho lớp biết thế nào là trang phục chuẩn mực khi đến trường?

Cậu chàng tên Bản mà thầy yêu cầu đang mặc áo trắng đã ngả màu cháo lòng, nhưng chiếc quần ống thụng khá “ngầu” của thanh niên thời ấy, trùm lên đôi tông Thái màu vàng, đứng dậy.

– Thế mới là một phần thời thượng thôi thưa thầy!

Cả lớp xì xào bàn tán.

– Thôi, mời Bản ngồi. Giờ tôi lại đề nghị Vũ Quỳnh Trang, em mạnh dạn trả lời trước lớp, hằng ngày dậy từ mấy giờ sáng, kể những công việc cụ thể của buổi sáng làm gì mà thường xuyên đến lớp muộn?

– Em thưa thầy, xe đạp của em thường xuyên bị hỏng… với lại từ nhà đến trường đường vừa xấu vừa xa, lắm ổ gà, ổ chó nên đi mất thời gian ạ. – Cô gái với đôi môi son đỏ chót lém lỉnh.

– Mời em ngồi – Thầy hướng về phía cuối lớp – Giờ tôi không yêu cầu Lê Tiến Lượng đứng dậy, nhưng đề nghị cả lớp cùng chia sẻ với Lượng. Lượng có hoàn cảnh rất khó khăn, lớp ta đã không chia sẻ, động viên thì chớ, lại còn hay trêu chọc, chế giễu, vậy có xứng đáng là học sinh cùng ngồi dưới mái trường này hay không?

Cả lớp hướng về phía cuối lớp, nơi trò Lượng ngồi đó, mặt đỏ tía tai. Trong tai Lượng ong ong giữa những tiếng xì xầm: Sao thầy lại biết rõ lớp thế nhỉ. Tài thánh thật!

Thầy tiếp tục sinh hoạt:

– Trước hết xin lỗi Bản, Trang và Lượng bởi các em được lấy làm ví dụ, nhưng tôi rất buồn vì thành tích học tập, rèn luyện của lớp. Các em thử coi, những hiện tượng mang mặc không phù hợp, đi học muộn thường xuyên và còn nhiều những biểu hiện khác cần chấn chỉnh. Lớp ta không phải là tập thể kém, càng không có những cá nhân tồi. Chỉ tiếc rằng, giữa chúng ta không tôn trọng nhau và không tôn trọng chính mình. Nếu các em tôn trọng lớp, tôn trọng nhà trường và tôn trọng chính các em thì phải sửa, bằng không, tôi xin nghỉ chủ nhiệm và không công tác ở trường nữa…

Buổi sinh hoạt gặp mặt đầu tiên khá căng thẳng ấy kết thúc bằng việc sắp xếp lại chỗ ngồi. Những cụm học trò hay tám chuyện, những cặp sớm chớm tình cảm nam nữ mới dậy thì… đều được tách ra và đương nhiên, những cô, cậu học sinh trung học trong thân hình tiểu học như tôi được chuyển lên bàn đầu.

Những buổi học đầu tiên thầy Hoan tạm thời làm chủ nhiệm, tập thể lớp có vẻ “im lặng chờ thời”, tuy nhiên chỗ này chỗ kia vẫn nổi lên những nghi hoặc: “Thầy trẻ mà rắn thế!”, lớ xớ đuổi học về nhà tắp lự…

Lượng vốn mồ côi bố từ nhỏ. Mẹ đau yếu, có được đồng nào thuốc thang, lo ăn đồng ấy nên rất khó khăn. Lượng chỉ không hiểu sao thầy lại rõ hoàn cảnh của mình trước khi về với lớp. Thầy về thực tập được một tháng thì cuối mùa đông năm ấy, giữa cái rét căm căm, một biến cố xảy ra với Lượng. Mẹ Lượng bị cảm ra đi, để lại Lượng bơ vơ. Thầy Hoan cùng cả lớp trở thành chỗ dựa lớn. Một buổi chiều, thầy đến nhà Lượng, bảo:

– Em thu xếp về ở với anh đi!

– Dạ… thầy nói sao ạ! – Lượng nghe mà như không nghe thấy. Hay là Lượng nghe nhầm, thầy vừa xưng anh với Lượng, có nghĩa là thầy coi Lượng như cậu em trai để bao bọc…

Lượng rơm rớm nước mắt, thắp hương cho mẹ, gói ghém quần áo, sách vở rồi đóng cửa theo thầy. Nhà thầy Hoan chỉ có mẹ Bốn và cô em gái, mẹ Bốn coi Lượng như con trai. Nhưng Lượng chỉ được ở nhà thầy hai tuần, rồi có bác họ đến đón về.

Có lẽ biến cố cuộc đời Lượng đã trở thành một chất keo kết dính tình thầy trò của lớp K ngày ấy. Học sinh mang mặc chỉn chu hơn, đi học đúng giờ, không còn nói tục chửi bậy nữa. Những trò oái oăm, nghịch ngợm dần qua đi, thầy trò dần hiểu nhau, trò tích cực học hơn, không còn sợ thầy mà có gì cũng trao đổi như với người anh, người bạn.

Mùa xuân kết thúc, cây phượng già đầu sân he hé những chùm hoa đỏ cũng là lúc thầy Hoan chia tay lớp học đã gắn bó với mình mấy tháng trời. Trước khi đi, thầy nói, biên cương đang vẫy gọi, rồi thầy chào từ biệt cả lớp đi bộ đội. Và thầy Hoan đã lên đường.

 

Sang năm học lớp 11, 12, lớp có vài lần nhận được thư của thầy Hoan. Thư gửi về từ biên giới Hà Giang. Trong thư thầy kể, thầy đóng quân và làm nhiệm vụ chiến đấu giáp biên giới, hằng ngày pháo địch bắn sang đì đọp, đôi lúc cao điểm đạn pháo như vãi, nổ ran. Mỏm núi đá đạn pháo địch nã xuống, nung thành vôi nên bộ đội gọi “lò vôi thế kỷ”. Tất cả sinh hoạt, công tác, chiến đấu của bộ đội đều trong hầm, trong hang hốc. Nhiều chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Tuy cuộc sống vất vả, thiếu thốn, hy sinh nhưng các chiến sĩ vinh dự được chiến đấu trên tuyến đầu biên giới. Thầy động viên cả lớp học tập tốt để góp phần xây dựng quê hương, đất nước và cùng thầy, giúp thầy viết tiếp giấc mơ làm thầy dang dở của thầy. Riêng với Lượng, thầy dành tình cảm đặc biệt động viên Lượng vượt qua khó khăn để học tập tốt.

Nội dung thư của thầy được nhiều trò đưa vào bài làm văn. Gần cuối khóa học, trong lớp K thời ấy, gần chục đứa thi sư phạm, rồi tốt nghiệp làm thầy. Phần đông cũng đi bộ đội nghĩa vụ, nhưng chắc chẳng có ai hiểu, vì sao Lượng nhỏ con như thế mà vẫn quyết tâm đăng ký thi vào trường sĩ quan.

* * *

Trong ngôi nhà tình nghĩa, bên trong được bài trí giản dị, ấm cúng, mẹ Bốn – người đàn bà đã ngót tám mươi tuổi, da đồi mồi, tóc trắng như cước ngồi bần thần trước ban thờ khói hương nghi ngút. Từ ngày con trai hi sinh, cô con gái lớn lên theo về nhà chồng, mẹ ở một mình.

Thấy đoàn học sinh cũ của con trai đến thăm, mẹ ra tận ngõ đón, nét mặt nhăn nheo chằng chịt chân chim của mẹ trở nên hồng hào, phảng phất nụ cười móm mém ngắm nhìn ảnh Liệt sĩ Hoan. Sau tuần nhang cho thầy, Lượng cùng các bạn cùng lớp quây quần bên mẹ, cùng nhau ôn lại kỷ niệm thời Lượng cùng chúng bạn còn là lũ học trò.

– Con trai mẹ đi học làm thầy, nhưng chỉ được làm thầy vài tháng và duy nhất có lớp các con đây làm trò. Đi bộ đội về phép được một lần, anh bảo hết nghĩa vụ sẽ về cưới vợ, sinh cháu cho mẹ, rồi anh lại đi. Thế là đi luôn, đi đến giờ, sau ba mươi lăm năm anh vẫn chưa trở về. Hồi năm ngoái, cậu Lượng đây có đưa mẹ lên thăm Nghĩa trang liệt sĩ và chiến trường Vị Xuyên, nơi thằng Hoan cùng đồng đội nó yên nghỉ. Giữa bạt ngàn rừng núi biên giới, hang hốc đá tai mèo lởm chởm, chẳng biết anh của các con nằm ở chỗ nào. Nhưng có điều mẹ chắc chắn rằng máu xương, thịt da và linh hồn của anh các con và đồng đội đã hóa vào đất đá cùng những cánh rừng bạt ngàn trên ấy.

– Các bạn ạ! Vì thầy Hoan, mình mới quyết tâm thi vào bộ đội. Ban đầu chưa đủ sức khỏe thì mình rèn luyện, đăng ký dự thi năm thứ ba mới đủ, mới đỗ trường quân sự. Hôm nay chúng ta họp lớp, cũng là ngày thầy hi sinh, đây cũng là ngày giỗ trận của Sư đoàn 356, ngày 12 tháng 7, thầy cùng các đồng đội đã anh dũng hy sinh! – Lượng vừa nói vừa nhìn ra cửa, ánh mắt xa xăm trong chiều hè rực nắng. Cả lớp lặng đi, mắt ai cũng nhòe ướt. Các bạn gái của lớp ôm lấy bờ vai gầy của mẹ.

– Tôi đề nghị thay vì họp lớp thông thường, chúng ta bàn kế hoạch đi Hà Giang một chuyến, đưa mẹ Bốn lên thăm thầy Hoan và các đồng đội của thầy!? Lớp mình cũng có một số bạn từng chiến đấu, công tác trên ấy mà –  Lượng đề xuất.

Cả lớp ai nấy giơ tay đồng ý!

Truyện ngắn của CÔNG TƯỞNG (VIệt Trì, tháng 10 năm 2019)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.