Thứ sáu Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024, 04:13:45

Thảo luận sâu nhiều nội dung khó và mới trong công tác cán bộ

Ngày đăng: 09/05/2018

Ngày 8-5, Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII bước sang ngày làm việc thứ hai.

Buổi sáng, Trung ương làm việc tại hội trường, thảo luận về Đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ điều hành phiên thảo luận.

Đề án xác định rõ mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể của việc xây dựng đội ngũ cán bộ (ĐNCB) các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Theo đó, dự thảo đề án xác định: Đến năm 2020, thể chế hóa, cụ thể hóa nghị quyết thành các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ (CTCB), xây dựng và quản lý ĐNCB theo kế hoạch, phù hợp với tình hình thực tế; hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực; triệt để chống chạy chức, chạy quyền và chặn đứng tình trạng suy thoái; cơ bản thực hiện việc bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương; hoàn thành việc rà soát, cơ cấu lại ĐNCB các cấp gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước điều hành hội nghị. Ảnh: TRỌNG HẢI

Đến năm 2025, tiếp tục hoàn thiện, chuẩn hóa, đồng bộ các quy định, quy chế, quy trình về CTCB; phấn đấu hoàn thành việc bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương, khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác; đẩy lùi tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên; xây dựng được ĐNCB các cấp đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định.

Đến năm 2030, xây dựng được ĐNCB các cấp chuyên nghiệp, có chất lượng cao, có số lượng, cơ cấu hợp lý, bảo đảm sự chuyển giao thế hệ cán bộ một cách vững vàng; cơ bản xây dựng được ĐNCB lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ.

Để đạt được các mục tiêu đó, dự thảo đề án xác định 2 trọng tâm và 5 đột phá để thực hiện đồng bộ 8 nhiệm vụ giải pháp.

Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến phong phú, thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm vào dự thảo đề án. Các đại biểu nhấn mạnh yêu cầu cấp bách của việc phải đổi mới CTCB, xây dựng ĐNCB các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Các ý kiến cũng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Ban Chỉ đạo Trung ương về xây dựng đề án và các cơ quan chức năng trong góp phần chuẩn bị dự thảo đề án một cách nghiêm túc, công phu, kỹ lưỡng, toàn diện và đồng bộ, có tính tổng kết thực tiễn cao, lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của các ban, bộ, ngành, các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương… có nhiều đề xuất đột phá, đổi mới. Các nhiệm vụ, giải pháp có tính khả thi cao.

Từ thực tiễn phong phú của địa phương, đơn vị, các đại biểu thảo luận, đánh giá khách quan, khoa học về những kết quả, thành tích đạt được; phân tích thẳng thắn, sâu sắc những hạn chế, yếu kém còn tồn tại; chỉ rõ nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhất là nguyên nhân chủ quan. Trên cơ sở phân tích, dự báo tình hình, xác định rõ yêu cầu, nhiệm vụ của CTCB trong bối cảnh mới, các đại biểu thảo luận, bày tỏ thống nhất cao về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu, những nhiệm vụ, giải pháp lớn, có tính đột phá, khả thi cao để sớm khắc phục những hạn chế tồn tại, làm tốt hơn nữa CTCB, xây dựng ĐNCB đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Trong giải pháp được đề xuất, các đại biểu tập trung làm rõ, phân tích sâu các vấn đề: Yêu cầu phẩm chất, năng lực của cán bộ trong tình hình mới; hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền; chủ trương thực hiện việc bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương; công tác đào tạo và bố trí sử dụng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số; yêu cầu đào tạo cán bộ trong bối cảnh hội nhập; công tác đánh giá cán bộ; chính sách tạo ra động lực để cán bộ tâm huyết, gắn bó với sự nghiệp; vấn đề phân cấp, phân quyền; khắc phục tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan liên quan đến CTCB; tăng cường công tác kiểm tra giám sát của Đảng về CTCB. Các ý kiến đều nhất trí cao về sự cần thiết ban hành một nghị quyết mới về CTCB. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần chú ý hơn vấn đề tổ chức thực hiện, có kế hoạch thực hiện cụ thể, quyết liệt đưa nghị quyết vào cuộc sống.

Buổi chiều, Trung ương làm việc tại tổ, thảo luận về Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

(Theo QĐND)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

go top